Bất hạnh về níu cổng chùa
Tới thăm chùa vào một ngày đầu tháng 7.2011, chúng tôi được biết ni cô trụ trì Thích Nữ Minh Tịnh đi chăm hai đứa trẻ đang nằm viện. Sư Nhuận Nguyện được giao chăm sóc các cháu khi ni cô trụ trì đi vắng, cho biết, chùa thành lập đã gần 70 năm.
Trước kia chùa nhỏ bé, hoang sơ. Năm 1997, nhờ sự đóng góp của đông đảo phật tử, sư Minh Tịnh đã cho xây dựng lại chùa khang trang như ngày nay. Cũng năm đó, một gia đình ở xã Đại Lãnh (Đại Lộc, Quảng Nam) nhờ ni cô nuôi hai đứa con của mình vì gia đình quá khó khăn. Ni cô vui vẻ nhận lời. Đến nay hai bé này đã học đến lớp 12.
|
Những đứa trẻ ở chùa Quan Châu. |
Từ đó, nhiều người đưa con cháu đến nhờ chùa cưu mang. Có nhiều trường hợp rất cảm động. Như mẹ bé Nguyễn Huệ An (4 tuổi, Quảng Nam) bị ung thư, chồng bỏ đi, không thể nuôi con nổi nên đưa đến chùa. Cũng có trường hợp, ni cô tự xin về nuôi. Như bé Thúy Ngân (Quế Sơn, Quảng Nam) mới 5 tháng tuổi, mẹ bị bệnh nặng. Năm nay, Ngân đã 2 tuổi nhưng chưa biết đi. Ni cô cho biết, bé bị bệnh còi xương, thiếu máu.
Hay như bé Phước Bình bị bỏ rơi trước cổng chùa vào ngày giáp Tết năm 2010. Chỉ bằng những bình sữa bột, cùng tình thương yêu đùm bọc của nhà chùa, giờ cháu đã được 8 tháng, sức khỏe ổn định, lớn nhanh. Tên cháu là do sư cô Minh Tịnh đặt. Cháu Phước Long cũng vậy, cháu được bọc trong áo mưa giữa trời mưa lạnh, nằm khóc oe oe trước cổng chùa...
Có hàng chục đứa trẻ bị bỏ trước cổng chùa như thế. Nhà chùa chẳng biết cha mẹ chúng là ai, ở đâu đến... Sư cô điểm sơ lai lịch của từng đứa, nào là Phước Tấn, Phước Ngộ, Phước Uyên, Phước Danh bị bỏ ở cổng chùa đầu năm vừa rồi, khi chưa rụng rốn. Bây giờ Phước Ngộ, Phước Uyên đã hơn 2 tháng, Phước Tấn, Phước Danh đã được 4 tháng. Lại có những đứa trẻ khi mới sinh ra bị dị tật bẩm sinh cũng bị mẹ chúng bỏ ở cổng chùa như Phước Thư (2008) bị câm điếc, Phước Bảo bị sứt môi, hở hàm ếch vừa được vá môi xong...
Suốt đời chăm sóc trẻ
Hiện nhà chùa đang cưu mang hơn 50 trẻ sơ sinh, 5 cụ già neo đơn, và 4 phụ nữ. Hàng ngày những phụ nữ này giúp việc chùa và cùng các ni cô thay nhau chăm sóc các cháu, từ tắm rửa, nấu bột, cháo, bón, đút ăn...
Sư Nhuận Nguyện cho biết, các cháu vào đây đều được làm giấy khai sinh và được đi học bình thường, lấy họ của sư trụ trì. Để có thể chăm sóc tốt cho các cháu, ngoài sự giúp đỡ của bà con, phật tử gần xa, ni cô còn làm thêm hai sào ruộng, làm mì chay vào những ngày 30, mùng 1 hàng tháng. Nếu có đám cưới, giỗ làm đồ chay thì nhận nấu.
Sư Nhuận Nguyện cho biết, những đứa trẻ này dù bị cha mẹ bỏ rơi nhưng chúng đã có cái duyên được vào ở trong chùa, được nương nhờ cửa Phật. Đó là sự may mắn, nếu không, không biết chúng có còn được sống, được lớn lên dưới bầu trời này.
Đồng hành với sư trụ trì trong việc cứu giúp những mảnh đời bất hạnh còn có các ni cô trong chùa và nhiều phật tử có lòng hảo tâm. Chị Trần Thị Châu (43 tuổi, ở thôn Quan Châu) nguyện vào chùa ở để được chăm sóc các cháu. Chị vào chùa được 2 năm, từ đó đến nay, hầu như các cháu nhỏ sơ sinh đều qua bàn tay chị chăm sóc. Chị Châu tâm sự: “Tôi thấy thương các cháu mồ côi không nơi nương tựa, nên nguyện ở chùa suốt đời để chăm sóc cho các cháu”. Ngoài ra, còn có 3 chị khác cũng nguyện sống ở chùa để tiện chăm sóc cho các cháu.
Rời chùa, nghe trong tiếng chuông chùa, còn văng vẳng tiếng khóc trẻ thơ. Hy vọng được sự giúp đỡ của nhà chùa, của các nhà hảo tâm, các em lớn lên khỏe mạnh, có lòng từ bi như các sư thầy và có ích cho xã hội.
Kim Oanh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.