Nhà đầu tư chờ ĐHCĐ Eximbank trong…vô vọng

Quốc Hải Thứ ba, ngày 18/10/2016 12:01 PM (GMT+7)
Dù đã quá hạn đến 6 tháng theo luật định nhưng nhà đầu tư của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã EIB) vẫn… “dài cổ” chờ đại hội cổ đông của nhà băng này…
Bình luận 0

Theo khoản 2 điều 97 Luật doanh nghiệp, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) phải được họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong trường hợp “bất khả kháng”, theo đề nghị của Hội đồng quản trị (HĐQT), cơ quan quản lý có thể gia hạn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Chưa từng có 

Sau phiên họp ĐHCĐ ngày 24.5.2016 (phiên thứ 2 bất thành), HĐQT đã quyết định triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường (lần thứ 3) vào ngày 2.8.2016 và đã thực hiện việc công bố thông tin trên website và các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngay sau khi nhận được thông báo này, ngày 3.6.2016, một số cổ đông lớn của Eximbank đã gửi văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp vì cho rằng, theo quy định là tối đa không quá 20 ngày kể từ Đại hội lần 2, EIB phải tổ chức đại hội lần 3, tức là phải tổ chức ngay trong tháng 6.

img

Theo lý giải của các cổ đông lớn này, Eximbank là ngân hàng đại chúng đã niêm yết nên phải tuân thủ các quy định của pháp luật về chứng khoán. Eximbank chỉ có thể triệu tập ĐHCĐ sau 40 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

“Trong trường hợp này, HĐQT đã nhận được yêu cầu của nhóm cổ đông vào ngày 3.6.2016 thì thời gian sớm nhất để HĐQT họp và quyết định triệu tập ĐHCĐ là ngày 6.6.2016. Đồng thời, theo trình tự quyết định này, thời gian sớm nhất để triệu tập ĐHCĐ sẽ là ngày 18.7.2016”, một cổ đông trích dẫn luật.

Tuy nhiên, HĐQT lại quyết định sẽ triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường vào ngày 2.8.2016 và đã thực hiện việc công bố thông tin. Như vậy, nếu xét theo quy định của pháp luật về việc triệu tập họp ĐHCĐ, đồng thời cũng phải triệu tập cuộc họp theo yêu cầu vì lợi ích cao nhất của tất cả các cổ đông thì Eximbank có nghĩa vụ phải tổ chức cả 2 cuộc họp ĐHCĐ vào ngày 18.7.2016 (theo luật) và chỉ 14 ngày sau đó (ngày 2.8.2016) là phiên họp ĐHCĐ bất thường theo Nghị quyết HĐQT đã ban hành.

Một chuyên gia ngân hàng nói vui, việc triệu tập 2 cuộc họp ĐHCĐ cách nhau 14 ngày là chưa hề có trong lịch sử ngành ngân hàng. Chưa kể đến những “cập rập” của 2 cuộc họp khá “sít” giờ này, nếu tổ chức cả 2 cuộc thì sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông của Eximbank, ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng vì sự tốn kém, lãng phí về tài chính, nhân lực…

Thế nhưng, cả 2 cuộc đều không thể diễn ra vì đến “phút 89” – ngày 1.8, chỉ 1 ngày trước khi diễn ra đại hội thì HĐQT của EIB thông báo hoãn tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường đã được triệu tập cho ngày 2.8 và “hứa” sẽ tổ chức vào một thời điểm khác thuận lợi hơn.

Lý do mà EIB đưa ra là: “NHNN đã có chỉ đạo là Eximbank phải thực hiện kiểm tra, rà soát lại một số thông tin liên quan đến quyền đề cử, ứng cử của các cổ đông để báo cáo trước khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nhân sự đề cử, ứng cử bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ VI (giai đoạn 2015 - 2020)”.

Đúng hay sai luật?

Liên quan đến EIB chưa thể tổ chức đại hội cổ đông, TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nếu dựa vào luật Doanh nghiệp thì trường hợp của EIB đến thời điểm hiện tại đã là nửa cuối tháng 10, tức là đã 10 tháng kể từ kết thúc năm tài chính nhưng phía EIB vẫn chưa có động thái gì trong tồ chức đại hội cổ đông là sai luật. Tuy nhiên, EIB chắc là “trường hợp đặc biệt” đã được NHNN báo cáo với Thủ tướng để có thời gian giải quyết những bất ổn, tồn tại của nhà băng này nên có thể kéo dài thời gian tổ chức ĐHCĐ để giải quyết những vướng mắc này.

“Dĩ nhiên EIB không thể ‘trốn’ tổ chức ĐHCĐ mà có thể đang được NHNN theo sát giải quyết những tồn tại trước khi chính thức diễn ra đại hội, không thể để đại hội diễn ra rồi lại không có kết quả như 2 lần trước”, ông Tín nói.

Trong khi đó, liên lạc với một đại diện truyền thông của EIB thì được cho biết, chưa thấy sếp đưa ra kế hoạch gì, vẫn cứ đợi vậy thôi. Khi nào có kế hoạch cụ thể sẽ thông báo đến truyền thông…

Được biết, tính đến hết tháng 6.2016, tín dụng của EIB âm 4,62%, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II/2016 là 372 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước, song dự phòng rủi ro tăng gần gấp đôi, lên 324 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí và dự phòng, EIB còn lợi nhuận trước thuế 49 tỷ đồng trong quý II/2016, tăng tới 69% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế lại giảm 88% so với cùng kỳ, chỉ còn 79 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, EIB đã điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 dự kiến đạt 400 tỷ đồng, trong khi kế hoạch trước đó đề ra là đạt 720 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem