Cuộc đời làm quan của ông chẳng những là niềm an ủi cho dân, mà còn là đạo lý của việc vì dân mà tiến thân quan trường.
Vua tin, dân mến
Đỗ Quang (1807 - 1866) người xã Văn Lư, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, nay là thị trấn Gia Lộc (Gia Lộc, Hải Dương). Trước đó, ông có tên là Đỗ Tông Quang, sau bỏ chữ "Tông" vì kị húy vua Thiệu Trị. Hơn 30 năm làm quan trải suốt ba triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, ông luôn thể hiện là một vị quan thanh liêm, chính trực.
Đỗ Quang sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có ông nội từng thi đỗ Sinh đồ (Tú tài) vào năm 1774 đời vua Lê Cảnh Hưng. Tiếp nối nghiệp nhà, Đỗ Quang được đi học sớm (1813). Thông minh và học giỏi, ông nhanh chóng tiến thân trong khoa cử: 18 tuổi đỗ Tú tài (1825), 22 tuổi đỗ Cử nhân (1828), 26 tuổi đỗ đầu khoa thi Hội, tiếp đó vào thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (1832).
Mộc bản sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ", quyển 80, mặt khắc 9 ghi rằng: "Mở kỳ thi Đình. Vua sai thự Tiền quân là Trần Văn Năng sung làm Giám thí đại thần, Thượng thư bộ Lễ là Phan Huy Thực, Tả tham tri bộ Binh là Lê Văn Đức, Tả tham tri bộ Hộ là Trương Đăng Quế và Phủ doãn Thừa Thiên là Đỗ Khắc Thư sung làm việc đọc quyển, Thiếu khanh Đại lý là Nguyễn Công Hoán, Lang trung bộ Lại là Phạm Thế Hiển, sung làm việc nhận quyển và duyệt văn.
Cho: Phan Trước và Phạm Sĩ Ái đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; Nguyễn Văn Lý, Đỗ Quang, Phạm Bá Thiều, Vũ Công Độ, Nguyễn Tán và Phạm Gia Chuyên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân".
Đỗ Quang bước vào con đường hoạn lộ sau khi thi đỗ Cử nhân với một chức quan nhỏ ở Binh bộ. Năm 1830, được phái ra Quảng Bình đợi bổ nhiệm, ông đã lần lượt phụ trách công việc ở các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Bình Chánh.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ chức Biên tu ở Viện Hàn lâm, ít lâu sau ông chuyển về làm Biên tu ở Sở Thực lục (1833). Đến tháng 2/1834, ông ra giữ chức Tri phủ Diễn Châu (Nghệ An), tháng 6/1836, ông được thăng chức Lang trung. Đến tháng 7/1840, làm Án sát Quảng Trị - Quảng Bình.
Tháng 10/1846, làm Thị lang bộ Lại, đến năm sau ông được thăng Thự Tham tri bộ Lễ. Do có uy tín cả về học vấn và đạo đức nên Đỗ Quang từng được triều đình nhiều lần cử đảm nhiệm các chức vụ liên quan tuyển cử, chấm thi.
Năm 1856, ông được sung chức Kinh diên nhật giảng quan phụ trách việc giảng kinh sách cho vua và các quan, được vua Tự Đức khen "giảng bàn nghĩa sách, lời gọn, lý sáng, sánh ngang Tô Trân".
Cuộc đời làm quan của Đỗ Quang gắn liền với giai đoạn biến động lớn của triều Nguyễn. Năm Canh Tuất (1850), khi đang giữ chức Thự Tuần phủ Định Tường, vì để tàu ngoại quốc trốn thuế nên Đỗ Quang bị miễn chức. Hay tin Đỗ Quang bị miễn chức, dân Định Tường đã rất buồn lòng, tiếc nhớ. Vua Tự Đức trong một lần thiết triều nói với quần thần: "Nghe tin Đỗ Quang ở Định Tường bị mất chức, dân ở hạt ấy khóc như mưa, nếu không phải ngày thường được lòng dân thì sao có thể được như thế".
Năm sau, vua đã xóa tội cho Đỗ Quang và triệu về Viện Hàn lâm, ít lâu sau lại thăng ông lên chức Viên ngoại, lĩnh chức Án sát ở Nghệ An (1853), rồi lại thăng lên Hồng lô tự khanh lĩnh chức Bố chính ngay ở tỉnh đó. Sau lại được cử giữ chức Bố chính tỉnh Nam Định.
Năm 1855, vì vụ việc ở Định Tường 5 năm trước mà ông phải bồi thường. Tổng đốc Tôn Thất Cáp đã dâng sớ cho rằng Đỗ Quang là người liêm chính, xin được miễn tội nên ông được vua tha.
Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược nước ta, Đỗ Quang cùng nguyên soái Trương Định phát triển lực lượng chống Pháp ở Gò Công, Gia Định, Chợ Lớn. Đến tháng 2/1859, thành Gia Định thất thủ, ông được triều đình cử vào Nam giữ chức Thự Tuần phủ Gia Định để hiệp cùng quan quân đối phó với thực dân Pháp.
Có tấm lòng nên biết hổ thẹn
Vào Nam không lâu, sáng sớm ngày 24/2/1861, Pháp nổ súng tấn công Đại đồn Chí Hòa và ngay tối hôm đó thì đại đồn bị hạ. Thất trận, Đỗ Quang dẫn tàn quân chạy lên Biên Hòa. Đến khi triều đình nghị tội, ông bị cách chức nhưng vẫn được lưu dụng. Trong khi chờ đợi kế sách của triều đình, Đỗ Quang bí mật sai người tới dụ các hào mục và sĩ dân ở Gia Định, khuyên họ đứng ra tuyển mộ quân để chờ đợi thời cơ.
Năm Nhâm Tuất (1862), khi hòa nghị thành, triều đình triệu Đỗ Quang về kinh làm Tham tri bộ Hộ, sung chức Tuần phủ Nam Định. Đỗ Quang dâng sớ tâu vua lời lẽ khẩn thiết. Mộc bản sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" ghi rằng: "Hôm thần về, dân chúng đứng chặn kín và nói: Nay cha bỏ con, quan bỏ dân, quan về lại làm quan, dân thì không được làm dân của triều đình nữa. Tiếng khóc đầy đường, thần cũng phải gạt nước mắt mà đi.
Thiết nghĩ, thần hèn kém không có tài năng, nhưng từ trước đến nay luôn có dân xung quanh, vốn không dám tính đến ngày nào về. Nay, thần được gia ơn gọi về, mà nghĩa tình dân chúng lại hướng đến, vì triều đình xuất của cải, sức lực, không biết đặt tấm thân nơi nào. Như thế thì trên phụ triều đình, dưới phụ trăm họ, tội không thể chối được. Nếu lại nhận bừa chức ở vùng Nam Định, thì dân chúng ở Gia Định sẽ ra sao? Công luận trong thiên hạ sẽ thế nào?
Thần còn có tấm lòng, nên rất biết hổ thẹn. Huống hồ kiến thức của thần lại nông cạn, nếu có gắng gượng làm việc thì chỉ là cầu lợi lộc chứ cũng không có chút công trạng gì. Xin thu hồi lệnh đã ban, bãi chức, cho thần về với ruộng vườn làng xóm, để trút lòng oán giận của dân chúng, mà phần nào hạ thần vẫn còn tiết liêm sỉ".
Vua xem lời tâu xong, cho triệu ông vào yết kiến và dụ rằng: "Trẫm đã biết tấm lòng của khanh, mà khanh cũng nên biết lòng của trẫm không phải như thế".
Tháng 8 năm đó, ông trở lại Huế làm Tham tri bộ Hộ trong một thời gian, rồi chuyển sang làm Tham tri bộ Binh, sung Tham tán quân vụ quân thứ Hải An (Hải Dương - Hưng Yên). Năm 1865, Đỗ Quang được cử làm Tuần phủ Lạng Sơn - Cao Bằng. Trên đường đi nhận nhiệm vụ, tới Bắc Ninh ông bị ốm phải ở lại để chữa bệnh. Tháng 10/1865 ông chính thức nhận chức Tuần phủ Bắc Ninh.
Do bệnh nặng, lại lao lực nên vào ngày 7 tháng 8 năm Bính Dần (1866), Đỗ Quang trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà ở tuổi tròn 60.
Được vua nhắc tới như tấm gương sáng
Hơn 30 năm làm quan, trải 3 triều vua, Đỗ Quang được sử sách ca ngợi là một vị quan thanh liêm, cần kiệm. Nhiều lần ông đề đạt xét thưởng cho cấp dưới, khuyến khích họ làm việc thiện, chẩn cấp, bán thóc gạo giá rẻ cho dân. Ông cũng từng tấu xin vua tháo gông cho phạm nhân, cho họ theo quân thứ sai phái để có cơ hội lập công chuộc tội.
Nhắc đến Đỗ Quang không thể không nhắc đến tấm lòng yêu nước, thương dân hết mực. Trong một lần đi công tác từ Hải Dương qua Nam Định, biết việc phủ huyện đó chọn những người khỏe mạnh trong làng luyện tập, dân xã phải chu cấp nuôi dưỡng, ông đã tỏ bày thống thiết: "Ôi, nuôi dưỡng khi vô sự để dùng khi hữu sự. Nay đang lúc vô sự mà gây tệ cho dân, thật không đúng với ý dự bị khi bất trắc.
Những loại như thế này có nhiều, không chỉ riêng miền Hải Dương thôi đâu. Nếu còn làm những việc bất thiện gây mối tệ thì ngoài việc trị tội các quan phủ huyện ra, các quan địa phương mà không xem xét cũng giao bộ nghiêm xét không tha. Tờ dụ này truyền cho các địa phương sao lục ngay và sức cho các phủ huyện sao gửi xuống các tổng xã để đều được biết. Bản phụng thượng dụ năm Tự Đức 12 (1859) của Nội các".
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Đỗ Quang là người có trí, có học khiến vua Tự Đức - người đã từng bãi nhiệm ông phải khâm phục tài năng và đức độ.
Khi đất nước hữu sự, gia đình Đỗ Quang phải ly tán đến tỉnh Định Yên, cuộc sống khó khăn, nhà vua đã ra lệnh cấp tiền, gạo hàng tháng cho vợ con ông: "Đỗ Quang quê quán tỉnh Hải Dương, gia đình bị phỉ tàn phá, mẹ và vợ con phải di cư đến phố tỉnh đó sinh sống, tình hình rất khó khăn, xin cấp khoản tiền gạo phúc trình đầy đủ. Cung nghĩ phụng chỉ: Căn cứ lời tâu thì mẹ viên đó và vợ con, cả gia đình lớn nhỏ phải ly tán vì tránh phỉ, về tình thật đáng thương. Truyền gia ân cho mỗi tháng cấp 4 phương gạo, 20 quan tiền để tỏ rõ sự thể tất".
Kiên trung với đất nước song ông cũng là một người con hiếu thảo, từng được vua Tự Đức ban thưởng hậu hĩnh, nhưng Đỗ Quang từ chối. Vua Tự Đức hết mực tin yêu, đích thân giao cho những công việc quan trọng của triều đình.
Triều Nguyễn rất coi trọng lễ Tịch điền nhằm khuyến khích dân chúng chăm lo việc cày cấy. Từ nghi thức cho đến cách tổ chức đều rất thành kính, thể hiện sự coi trọng nông nghiệp của triều đình. Năm Tự Đức thứ 11 (1858) ngày 11 tháng 5, Đỗ Quang được giao trọng trách cày ruộng Tịch điền thay nhà vua.
Năm 1866, ông bị bệnh nặng, phải xin vua cho về quê nghỉ ngơi. Đến tháng 9 năm đó, bệnh không qua khỏi. Sau khi Đỗ Quang mất, ông được nhà vua truy tặng chức "Tư Thiện đại phu, Lễ bộ Thượng thư" ban tên Thụy là Trang Lược, được đặt thờ trong đền Hiền Lương, Kinh đô Huế.
Nhiều năm sau khi ông mất, vua Tự Đức vẫn thường nhắc tới Đỗ Quang như một tấm gương sáng cho các quan viên noi theo. Có thể kể đến là mùa Đông, tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), khi định lại phép thi văn, vua Tự Đức sắc xuống cho bộ Lễ, trong đó đoạn rằng: "…Vả lại xét ra khoảng năm Minh Mạng, người dự giáp khoa phần nhiều là những người học nhiều rộng khắp như bọn Tô Trân, Đỗ Quang, dự hầu ở nhà Kinh diên thấy rất tinh kỹ…".
Lại đến năm Kỷ Mão (1879), khi định lại phép thi Hội trúng cách vào thi Đình, vua Tự Đức xuống dụ cho quần thần, trong đó cũng có nói về Đỗ Quang: "Khoa thi Tiến sĩ là phép lớn kén chọn nhân tài từ nhà Đường, nhà Tống trở về sau, các bậc danh nho cự khanh đều ở đấy mà ra, thực là chọn rất tinh tường, lấy rất xứng đáng.
Quốc triều ta, khoảng năm Minh Mạng, người đỗ giáp đệ như Hà Quyền, lời văn thanh nhã đẹp đẽ, chầu thực ở Nội các, công việc phần nhiều tinh nhanh, thường được khen thưởng; Phan Thanh Giản nết thuần thục học nhiều, thơ văn cũng nhiều bài được; lại như Trương Quốc Dụng, Tô Trân, Đỗ Quang mọi người đều là người học uẩn súc, Đỗ Quang, Tô Trân trước ở tòa Kinh diên, mỗi khi tiến giảng một bài, thì dẫn rộng các sách cùng nhau diễn dịch, nghĩa lý có phát minh nhiều".
Khi Đỗ Quang mất, vua Tự Đức ban dụ rằng: "Đỗ Quang ra làm quan đã hơn 30 năm, trong sạch, trung chính, chăm chỉ, cẩn thận, được tiếng cả trong lẫn ngoài. Trước đây, ở Nam kỳ dẫu gặp gian nan vẫn giữ tiết tháo, khi làm Tham tán quân vụ ở Hải An có công lao rõ rệt.
Đến năm nay, ngoài biên có biến loạn, được đặc cách khởi phục chức trong khi đang bị bệnh để vỗ yên nơi trọng yếu, không ngờ bệnh ngày càng nặng thêm, bèn cho nghỉ việc về làng. Trẫm vẫn nghĩ tới người đang lúc cần dùng, không may lại mất, thực là đau xót. Cho Đỗ Quang được truy tặng là Thượng thư bộ Lễ, còn con của khanh thì đợi chỉ sẽ được bổ dụng, ban lộc cho mẹ già để sinh sống và lệnh cho quan Hữu ty thường xuyên tới thăm hỏi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.