Nhà Lê thành lập, Nguyễn Trãi bị đối xử tệ bạc ra sao?
Nhà Lê thành lập, Nguyễn Trãi bị đối xử tệ bạc ra sao?
N.V
Thứ ba, ngày 17/09/2024 23:30 PM (GMT+7)
Mặc dù đã gần 600 năm trôi qua, song tấm lòng vĩ đại và nghệ thuật "Tâm công" của Nguyễn Trãi vẫn còn như lời nhắn nhủ với hậu thế rằng: Mỗi người hãy mang đến cho nhau một tấm lòng...
Năm 1428, triều Lê định công ban thưởng cho những người có công trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh. Bấy giờ, có 221 người được thưởng và trong số ấy có 93 người được ban tước vị theo thứ tự 9 bậc cao thấp khác nhau. Rất tiếc là Nguyễn Trãi chỉ được sắp vào số 1 trong 26 người của hàng thứ 7, với tước vị khiêm nhường là Á Hầu mà thôi. Một thời gian rất ngắn sau đó, Nguyễn Trãi được trao chức Hành Khiển, đứng đầu ban văn trong triều đình. Nhưng tước vị ấy, chức quyền ấy không đủ để Nguyễn Trãi có thể tiếp tục bộc lộ tài năng đa dạng của mình. Ông sống trong những ngày vui buồn khó tả.
Nếu như khi xông pha trận mạc, tướng lĩnh Lam Sơn gắn bó chặt chẽ với nhau thì khi thái bình, một bộ phận rất đáng kể của họ chỉ biết lo vun vén cho cá nhân. Nguyễn Trãi đau lòng trước một loạt những sự kiện xấu diễn ra ngay trong chốn cung đình, đặc biệt là mấy sự kiện lớn sau đây:
Ngày 16/5/1434, nhà vua sai Tuyên Phủ Sứ là Nguyễn Tông Trụ, Trung Thư Hoàng Môn Thị Lang là Thái Quân Thực, cùng Kì Lão là Đái Lương Bật, mang tờ biểu văn và phương vật sang cầu phong bên nhà Minh. Quan giữ chức Hành Khiển là Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu văn thì quan giữ chức Nội Mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận nói: Các ngươi chỉ là hạng bề tôi hay vơ vét, nạn hạn hán hiện nay đều do các ngươi gây nên cả. Nguyễn Thúc Huệ đem chuyện tố cáo với quan Đại Tư đồ là Lê Sát và Đô đốc Vấn (Phạm Vấn).
Lê Sát và Phạm Vấn nghe vậy thì tức lắm, trách rằng:
- Thiên tai không phải do bọn ấy gây ra, lỗi là ở vua và Tể tướng thôi. Sao ông nỡ trách nhau nặng lời như thế.
Nguyễn Trãi nghe xong thì từ tạ nói:
- Nguyễn Thúc Huệ chỉ nhờ chút tài vơ vét thuế trong thiên hạ mà chiếm được địa vị then chốt trong triều đình. Mỗi khi có sổ sách tâu vào, hắn đều muốn vơ của dân về cho quan, cốt hợp ý vua. Cho nên tôi nhân có việc này mà nói ra đó thôi, đâu dám chê bai gì đến vua và tể tướng. Mặc dù Nguyễn Trã đã nói vậy nhưng Lê Sát vẫn không nguôi giận và biểu văn vẫn giữ nguyên như cũ, không thay đổi gì.
Sự kiện thứ hai tuy không trực tiếp liên quan đến Hành khiển Nguyễn Trãi, nhưng cũng đủ khiến ông phải đau buồn mãi không thôi. Sử cũ chép rằng:
- Bấy giờ, triều đình điều động đám thợ ở Cục Tất Tác đến làm chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề. Có người thợ là Cao Sư Đãng nói vụng rằng:
- Thiên tử thất đức để đến nỗi xảy ra hạn hán. Đại thần ăn của đút, lại cất cử dùng những kẻ không có công lao. Có gì đáng gọi là thiện mà làm chùa to thế.
Không ngờ lời ấy bị người khác tố giác. Quan Đại Tư đồ là Lê Sát giận lắm. Quan giữ chức Thẩm Hình Viên là Nguyễn Đình Lịch nói:
- Hắn dám nói càn đến việc nước, phải đem ra chém. Các ngôn quan là Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cẩm Hồ đều xin tha tội chết.
Vua đã gần nghe theo nhưng Lê Sát lại nói:
- Trước đã nghe lời bọn Nguyễn Thiên Hựu mà không giết Nguyễn Đức Minh khiến chúng bỏ thơ nặc danh vu khống cho nhau. Nay lại định tha cả tên này thì biết lấy cái gì cho kẻ khác sợ?
Nghe Lê Sát nói vậy, Nguyễn Thiên Hựu không dám nói thêm gì nữa. Ngày hôm ấy, quân lính đem chém Cao Sư Đãng. Việc vừa xong thì trời bỗng nổi cơn mưa nhỏ.
Ngày hôm sau, Lê Sát vào nói ở trong triều rằng:
- Nếu nghe lời bọn ngôn quan thì làm gì có mưa.
Nghe vậy, Lê Ngân liền nói:
- Giết nhiều kẻ ác thì mưa nhiều, chỉ tiếc là xương người chất đầy đường mà thôi.
Nguyễn Trãi và nỗi buồn nhân thế
Suốt gần mười năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Trãi và Lê Lợi đã gắn bó mật thiết như hình với bóng. Nhờ vậy, hai nhân vật lịch sử vĩ đại đã làm nên đại sự cho dân tộc: Chấm dứt hơn 20 năm đô hộ tàn bạo của giặc Minh đối với dân tộc, mở ra một thời kỳ phát triển huy hoàng về kinh tế, văn hóa và quân sự dưới triều đại Lê Sơ. Tiếc rằng, ngay sau ngày đất nước sạch bóng quân thù, triều đình nhà Lê thời ấy đã say quá lâu trong men chiến thắng mà vội vàng xa lánh trung thần. Và quy luật của các triều đại phong kiến là vậy. Cho nên nỗi buồn của Nguyễn Trãi thời ấy âu cũng là nỗi buồn nhân thế.
Mặc dù đã gần 600 năm trôi qua, song tấm lòng vĩ đại và nghệ thuật "Tâm công" của Nguyễn Trãi vẫn còn như lời nhắn nhủ với hậu thế rằng: Mỗi người hãy mang đến cho nhau một tấm lòng. Và không có cách xây dựng đất nước nào hữu hiệu, cơ bản bằng cách trao nhau một tấm lòng đầy yêu thương và tha thứ. Thế nên trách nhiệm của hậu thế là ngày ngày "Mở rộng cửa nhân, chờ khách tới/ Vun trồng cây đức để đời sau!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.