Clip: Cuộc sống dưới gầm cầu của cụ bà 74 tuổi có nhà mặt phố ở Hà Nội.
Nhiều năm nay, ở một góc dưới gầm cầu Yên Hoà, cây cầu bắt ngang sông Tô Lịch (Hà Nội) sừng sững một khu vực được dựng rào chắn khiến nhiều người khi phát hiện ra không khỏi tò mò.
Khu vực này có chiều dài tương đương bề ngang của cầu (tức gần 10m), được quây rào xung quanh và có phế liệu chất đầy, che kín bên trong. Ở một đoạn hàng rào có lỗ hổng để ra vào.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đằng sau "bức tường phế liệu" ấy chính là nơi trú ngụ của bà Nguyễn Thị Lụa suốt gần 10 năm qua.
Hàng ngày, bà Lụa qua các cửa hàng, quán ăn dọc đường Láng, đường Nguyễn Khang để nhặt phế liệu đem về đây. Sau đó bà bán cho chủ vựa đồng nát, kiếm được khoảng 40.000 - 50.000 đồng, đủ để trang trải tiền ăn uống trong ngày.
Tại đây lúc nào cũng la liệt các loại sắt vụn, giấy bìa các-tông, chai nhựa, bao tải…
Giữa đống phế liệu ngổn ngang ấy vẫn có một góc nhỏ được bà Lụa dải chiếu, mắc màn để làm chỗ ngủ. Do địa hình dốc và thấp nên ở đây bà Lụa chỉ có thể ngồi, khi đứng lên thì phải khom người.
Phế liệu được bà Lụa phân loại, chất đầy ở từng khe dưới gầm cầu, treo cả ở lối vào.
Tuy nhiên, bà Lụa không phải người vô gia cư. Bà có một căn nhà nằm trên mặt phố Nguyễn Khang, cách gầm cầu bà ở khoảng 50m. Do căn nhà chỉ rộng có 9m2, con trai bà sống cùng vợ và cháu nhỏ đã khá chật chội nên bà quyết định ra đây gầm cầu ở một mình cho thoải mái.
Thấy bà hàng ngày lọ mọ chui ra chui vào dưới gầm cầu, con trai cũng nhiều lần bảo bà về nhà ở cho đỡ bị người ngoài nói ra nói vào, suy diễn linh tinh nhưng vì thích ở đây nên bà Lụa không chịu về. "Chồng tôi mất đến nay cũng hơn 10 năm rồi. Nhà lại chật chội, cháu nhỏ thi thoảng đêm hôm cháu quấy khóc nên tôi ra ngoài này ở cho thoải mái, yên tĩnh", bà Lụa kể.
Cứ đến sáng sớm và chiều muộn, bà Lụa lại xách bao tải đi nhặt ve chai. Mặt nghiêng của bờ kè khiến chân bà Lụa bước đi xiêu vẹo, bà vừa đi vừa phải bám tay vào hàng rào để giữ thăng bằng.
Nói về cuộc sống hiện tại của mình, bà Lụa chia sẻ bà không thấy khổ mà trái lại còn tỏ ra hết sức lạc quan. "Nhiều cứ nghĩ tôi khổ nhưng không hề. Có lẽ tôi ở như vậy quen rồi nên thấy thoải mái. Mà trên đời này thiếu gì người hoàn cảnh éo le hơn. Như tôi vẫn là quá bình thường", bà Lụa nói thêm.
Phía UBND Phường Yên Hòa cũng từng nhiều lần làm việc với bà Lụa, động viên bà để bà về nhà ở với các con. Thế nhưng không lâu sau bà Lụa lại dọn xuống gầm cầu để sinh sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.