Nhà máy alumin Tân Rai: Rơi vào bế tắc!

Thứ sáu, ngày 22/02/2013 07:04 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hoạt động của Nhà máy Alumin Tân Rai đang rơi vào bế tắc khi dự án xây dựng cảng Kê Gà (Bình Thuận) nhằm vận chuyển bauxite từ Tây Nguyên xuống vừa được quyết định ngừng xây dựng, và giá bán sản phẩm thấp hơn giá thành sản xuất...
Bình luận 0

Mới chỉ nghiên cứu tiền khả thi

Ông Trần Văn Chiêu-Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (Vinacomin) cho biết, việc ngừng xây dựng cảng Kê Gà không phải là do vốn và kỹ thuật, hạ tầng. Mục đích xây dựng cảng Kê Gà là để phục vụ cho nhà máy alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) với khoảng cách địa lý gần nhất.

img
Vận chuyển quặng bauxite tại dự án Tân Rai (Lâm Đồng).

Tuy vậy, hiện nay cơ sở hạ tầng liên quan đến cảng như đường sá từ Tây Nguyên về chưa theo kịp và bảo đảm quy hoạch chung. Mặt khác, sản lượng sản xuất alumin của 2 nhà máy trên nằm trong khoảng trên 600.000 tấn/năm. Mức này không đáng kể để xây dựng một cảng nước sâu như cảng Kê Gà, chỉ khi nào sản lượng lên mức 20-30 triệu tấn/năm thì mới cần tính đến. Bên cạnh đó, hiện Bình Thuận đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân. Đây cũng là một phương án được tính đến trong quy hoạch so với Kê Gà.

Dự án cảng biển Kê Gà có tổng giá trị trên 20.000 tỷ đồng, chủ đầu tư là Vinacomin. Trước khi dự án được triển khai, Vinacomin đã khẳng định: “Cảng Kê Gà hình thành sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bauxite nhôm nói riêng cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ”. Tuy nhiên thực tế, việc xây dựng cảng đến nay cho thấy tính khả thi kém.

Thừa nhận nếu Chính phủ không dừng dự án thì tập đoàn cũng xin dừng đầu tư dự án này, nhưng đại diện Vinacomin vẫn khẳng định: Chi phí đã đầu tư dự án cảng Kê Gà chưa lớn vì cảng chưa được khởi công. Dự án cảng Kê Gà mới chỉ dừng ở mức nghiên cứu tiền khả thi.

“Cần rà soát lại hiệu quả dự án bauxite”

Dự án bauxite nhôm Lâm Đồng khi mới dự định được xây dựng đã có quá nhiều khuyến cáo cho rằng không nên triển khai bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, thị trường xuất khẩu bấp bênh mà chi phí vận chuyển lớn sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao. Ông Nguyễn Thành Sơn-Giám đốc Ban Quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng (thuộc Vinacomin), cho rằng đến nay Nhà máy Alumin Tân Rai mới chỉ đạt khoảng 20 - 40% công suất do chưa có đầu ra khiến chi phí khấu hao tăng và lỗ cũng tăng tương ứng.

Trước quyết định của Thủ tướng, Vinacomin sẽ phải xem xét lại dự án bauxite Nhân Cơ (tỉnh Đăk Nông). Căn cứ vào sản lượng dự án bauxite Nhân Cơ thì việc đầu tư cả một cảng lớn, hạ tầng đường sá trong bối cảnh hiện nay cần phải được tính toán một cách tổng thể.

Giá thành alumin xuất xưởng tại Tân Rai xấp xỉ 375USD/tấn nếu đạt 100% công suất. Nhưng do giá xuất khẩu theo đàm phán chỉ đạt 340USD/tấn nên dù xuất khẩu vẫn lỗ. Theo Vinacomin, dự kiến cả năm 2013 Tân Rai sẽ sản xuất được 300.000 tấn alumin (tức mới đạt 50% công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm), chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia. Theo ông Sơn, sau khi dự án cảng Kê Gà vừa được Chính phủ đồng ý dừng triển khai, hiệu quả kinh tế của cả dây chuyền sản xuất bauxite càng khó đạt như tính toán ban đầu của Vinacomin. Do vậy, ông Sơn cho rằng, Vinacomin sẽ phải rà soát lại tổng thể hiệu quả của cả 2 dự án là Tân Rai và Nhân Cơ, đặc biệt là Nhân Cơ.

TS Nguyễn Quang A: Khó khăn đã được báo trước

Báo chí vừa rộ lên câu chuyện bauxite gặp khó khăn, về việc Thủ tướng yêu cầu ngưng xây dựng cảng Kê Gà - cảng chuyên dụng cho việc chuyên chở bauxite, về nguy cơ phải tính toán lại thậm chí dừng sản xuất bauxite...

Nhà nước đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất alumina từ quặng bauxite ở Tân Rai và Nhân Cơ dù có sự phản đối của rất nhiều chuyên gia. Các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo dự án bauxite chắc chắn lỗ; các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo về sự hủy hoại môi trường, tàn phá đường sá; các tướng lĩnh cảnh báo về mối nguy hiểm an ninh quốc gia… Gần 3.000 người đã ký kiến nghị về vấn đề này từ đầu 2009. Thế nhưng dự án vẫn được tiến hành! Nay nhà máy Tân Rai vừa đi vào sản xuất và có cảnh báo ấy đã trở thành sự thật! Khó khăn của các dự án bauxite đã được báo trước từ rất lâu rồi, từ khi chưa động thổ nhà máy đầu tiên! Phải xem xét trách nhiệm của những người đã tham gia quyết định các dự án này. Các cựu lãnh đạo của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, các quan chức không chịu lắng nghe và ra quyết định sai lầm sẽ phải chịu trách nhiệm chính trị, kinh tế thậm chí hình sự nếu phát hiện ra sự dối trá trong đề xuất, bảo vệ dự án đang có nguy cơ đổ bể và gây ra sự lãng phí to lớn này.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Đừng theo kiểu “đâm lao phải theo lao”

Dự án bauxite Lâm Đồng đã bị phản đối từ cách đây 4-5 năm rồi. Lúc đó, nhiều chuyên gia kinh tế lên tiếng khẳng định rằng, dự án chắc chắn sẽ thất bại. Nguyên nhân là do về mặt kinh tế, Vinacomin đã không tính đến việc chuyên chở, giá thành, phương tiện vận chuyển... Vinacomin không đủ tiềm lực đầu tư, muốn Nhà nước đầu tư hạ tầng để mình sử dụng. Chính điều này cũng cho thấy, đây là dự án sẽ gặp khó khăn, thậm chí chết yểu. Giờ thực tế người ta cũng thừa nhận sẽ lỗ, chi phí đầu tư cao, không hợp lý. Giờ càng triển khai sẽ càng lỗ, càng gây ra nhiều hệ lụy. Giải pháp lúc này theo tôi là phải cắt lỗ, thiệt cũng chấp nhận. Chúng ta nên dừng toàn bộ dự án Nhân Cơ chưa xây dựng, dừng sớm ngày nào tốt ngày ấy. n

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem