Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Chiều 30/3, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, từ cuối năm 2021 đến nay, sự cố của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhà máy lọc dầu Nghi Sơn báo cáo kế hoạch tái sản xuất và cung ứng xăng dầu cho thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, cho tới nay, ngành chức năng vẫn chưa nhận được hồi âm.
"Đến nay, Vụ Thị trường trong nước chưa nhận được văn bản nào về việc cam kết giao hàng của Nghi Sơn cho thương nhân trong quý I và quý II/2022", ông Hoàng Anh Tuấn cho hay.
Ứng phó với tình trạng thiếu nguồn cung, Bộ Công Thương đã giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho các thương nhân đầu mối. Tuy nhiên, cũng theo ông Tuấn chia sẻ, việc nhập khẩu xăng dầu không thể "ngày một ngày hai".
Đặc biệt, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, các thương nhân đầu mối về cơ bản đều lấy hàng từ Nghi Sơn và Bình Sơn và chỉ nhập khẩu lượng hàng hoá mà 2 nhà máy này chưa đáp ứng được.
"Khi có ảnh hưởng về nguồn cung như vậy thì việc kết nối lại để đàm phán mua xăng dầu cần có thời gian. Trong khi nguồn cung trên thị trường thế giới lại bị ảnh hưởng bởi tình hình chính trị, cũng như chiến tranh Nga và Ukraine. Ngoài khó khăn này, doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn khi bị đội chi phí, kể cả chi phí vận tải, vận chuyển", ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.
Liên quan nội dung trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nguồn cung xăng dầu trong quý II/2022 (tháng 4,5,6) đang được điều hành không tính đến lượng xăng dầu do Nghi Sơn cung cấp.
"Riêng tháng 2/2022, Nghi Sơn chỉ cung cấp 50% các hợp đồng đã ký cho các đầu mối. Lượng 50% còn thiếu tương đương gần 17-20% thị phần cả nước. Nên trong tháng 2, tháng 3, ta đáp ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh là sự cố gắng rất lớn. Chúng tôi cũng hoan nghênh các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã thực hiện đúng các chỉ đạo, có sự chủ động, nỗ lực để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Đối với việc nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp trong quý II, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, theo báo cáo của doanh nghiệp và con số nhập khẩu thực tế của cơ quan Hải quan, Bộ Công Thương khẳng định quý II sẽ cố gắng đến mức cao nhất để đảm bảo đủ nhu cầu xăng dầu cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào và tiêu dùng của người dân.
Ngay trong tuần tới, Bộ Công Thương sẽ có buổi làm việc với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn để nắm được việc Nghi Sơn có thể cung ứng được lượng xăng dầu bao nhiêu ra thị trường trong quý III và có cam kết cụ thể để Bộ Công Thương ưu tiên. Phần thiếu sẽ lại giao cho các doanh nghiệp đầu mối.
"Mua xăng dầu không dễ như các hàng hoá khác. Bên cạnh đó, mua xăng dầu ở đâu sẽ liên quan trực tiếp đến mức thuế mà doanh nghiệp phải chịu, mua ở thị trường ASEAN thì thuế thấp, nhưng các thị trường khác thì thuế cao. Đó là khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, điều quan trọng nhất vẫn là đảm bảo nguồn cung xăng dầu đầy đủ cho nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và người dân", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.