Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng: 400 tỷ đồng làm Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL là quá ít
Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng: 400 tỷ đồng làm Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL là quá ít
Huỳnh Xây
Thứ bảy, ngày 16/05/2020 21:41 PM (GMT+7)
Liên quan đến các ý kiến, dư luận không đồng tình về việc xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Vĩnh Long, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi trực tiếp với nhà nghiên cứu văn hoá Nhâm Hùng.
Theo đó, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng, bản thân rất ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL.
"Đây là việc làm hết sức cần thiết và nên làm. Trước đây, bản thân tôi cũng nghe cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nêu lên ý tưởng này cùng với việc xây dựng Trung tâm văn hóa Tây Đô ở TP.Cần Thơ" - nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh.
Theo ông, đây là vấn đề lâu dài, không thể nói do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn mặn xâm nhập mà không làm.
Và điều cần quan tâm hiện nay là cách làm của địa phương như thế nào để đạt hiệu quả, làm sao để nó phản ánh đầy đủ bức tranh nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian qua.
Về vấn đề kinh phí thực hiện khoảng 400 tỷ đồng, chuyên gia Nhâm Hùng cho rằng "quá ít".
"Nước ta có nhiều bảo tàng kinh phí thực hiện rất lớn, có thể từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn. Do đó 400 tỷ đồng cho dự án quan trọng và có tầm quan trọng như thế này là quá ít" - ông giải thích.
Còn về diện tích, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng vẫn còn quá nhỏ, bởi khu đất 11,4ha để xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL chỉ bằng 1 khu du lịch nhỏ ở ĐBSCL. Nhỏ hơn cả khu du lịch Mỹ Khánh (TP.Cần Thơ) với khoảng 35ha.
"Bảo tàng nông nghiệp cấp vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng thì ít nhất diện tích thực hiện phải tương đương với một khu du lịch lớn" - nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần đưa "hạng mục sống" vào bảo tàng nông nghiệp để khách tham quan, tìm hiểu trải nghiệm thú vị.
Hạng mục sống này phải làm sao cho tái hiện được một cách tự nhiên 5 loại hình (ruộng, rẫy, vườn, chăn nuôi, thủy sản) nông nghiệp tiêu biểu vùng ĐBSCL.
Đây là cách kết hợp giữa văn hóa và du lịch, thể hiện được cách làm của người nông dân, nông thôn, người lao động vùng ĐBSCL hào phóng, nghĩa tình.
Về lộ trình thực hiện, tỉnh không nên chờ tới đề án hoàn thành mới mở cửa đón khách mà "làm được tới đâu thì tiến hành khai thác tới đó".
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần mời các chuyên gia tư vấn về văn hóa nông nghiệp, chuyên gia về du lịch hỗ trợ trong quá trình triển khai ý tưởng và thực hiện.
Theo đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL của UBND tỉnh Vĩnh Long, bảo tàng này dự kiến xây dựng tại khu đất 11,4ha thuộc ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm với tổng nguồn vốn thực hiện là 400 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Dự án được thực hiện theo 3 giai đoạn, kéo dài từ nay đến năm 2027 sẽ khai thác và sử dụng.
Theo thiết kế, khuôn viên bảo tàng được chia thành 4 khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chính, khu tái hiện làng quê Nam Bộ xưa, khu tổ chức sự kiện và khu công trình phụ trợ.
Hiện vật và tư liệu trưng bày tại bảo tàng được sắp xếp theo tiến trình lịch sử qua 4 thời kỳ: trước năm 1698 (nền nông nghiệp vương quốc Phù Nam và Chân Lạp); từ 1698-1858 (quá trình Nam tiến và khẩn hoang của các chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn); từ 1858-1975 (tổ chức sản xuất nông nghiệp thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hoà) và từ 1975 đến nay (nền nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL thời kỳ đổi mới và hội nhập).
Mục tiêu của đề án là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL.
Đồng thời, phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL. Đây là còn là nơi tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.