Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: 400 tỷ đồng khó có thể nói là ít hay nhiều

Hà Thúy Phương Chủ nhật, ngày 17/05/2020 06:32 AM (GMT+7)
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chia sẻ ý kiến về thông tin UBND tỉnh Vĩnh Long thông qua việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trị giá 400 tỷ đồng.
Bình luận 0
Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL: 400 tỷ đồng khó có thể nói là ít hay nhiều - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học. (Ảnh: I.T)

UBND tỉnh Vĩnh Long đã phê duyệt xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông nghĩ sao về việc này? 

- Việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp là hết sức cần thiết vì vai trò của nông nghiệp và đặc biệt là vựa lúa ở ĐBSCL. Bảo tàng giúp hiểu được những vấn đề về nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp, những vấn đề về nông dân gắn với việc khai phá, sản xuất thích ứng với môi trường, khí hậu ở vùng này. Đặt vấn đề xây dựng một bảo tàng về nông nghiệp ở ĐBSCL là rất nên. 

Nhưng xây một bảo tàng nông nghiệp đặt trong tầm của một tỉnh hay là vươn ra toàn bộ ĐBSCL thì lại là vấn đề khác. Tỉnh có vai trò quản lý của một tỉnh, phạm vi của một tỉnh, với một tỉnh thì dễ làm nhưng đặt vấn đề toàn bộ ĐBSCL lại vượt ra phạm vi của một tỉnh, nó sẽ hay hơn, thích thú hơn, nhưng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Với quy mô bảo tàng về nông nghiệp ở ĐBSCL thì một bảo tàng quốc gia hoặc khu vực là hợp lý. Nhưng một tỉnh làm một bảo tàng ôm cả ĐBSCL là phải phối hợp giữa tỉnh này với các tỉnh khác thì đó là vấn đề tôi băn khoăn. Nếu là làm bảo tàng nông nghiệp ở Vĩnh Long, của Vĩnh Long, về Vĩnh Long thì nó nằm trong tầm một tỉnh và có thể tác chiến một cách rất là thuận lợi. Nhưng nếu phối hợp với các tỉnh khác, muốn làm tốt thì phải họp lại các tỉnh, có ý kiến của Thủ tướng giao cho các tỉnh làm những gì cụ thể. 

Tôi cho rằng bảo tàng mở rộng ra ĐBSCL là rất hay nhưng rất phức tạp. Nếu tỉnh mà giải quyết được sự phức tạp đó, bảo tàng trình bày toàn bộ những gì về nông nghiệp ĐBSCL thì điều rất tuyệt vời. Tôi không biết khi đề xuất làm bảo tàng này thì tỉnh Vĩnh Long đã lường hết những vấn đề đấy chưa.

Theo như thông tin từ tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trưng bày được sắp xếp theo 4 thời kỳ lịch sử. Ông nghĩ sao về nội dung này và sức hút của nó với người xem? Để có được sự ngoạn mục thu hút khách đến bảo tàng như ông nói thì điểm mấu chốt nằm ở đâu?

- Theo thông tin trên báo chí, bảo tàng này đặt vấn đề trình bày 4 giai đoạn theo tiến trình lịch sử, tôi thiển nghĩ đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu đúng là như vậy thì chắc bảo tàng sẽ không có ai xem vì khó mà hấp dẫn. Nhiều người tưởng làm bảo tàng rất dễ nhưng thật ra làm bảo tàng là một nghề rất khó và phức tạp. Nói như TS Đặng Kim Sơn, cả nước hiện nay chỉ có hai bảo tàng đông khách là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) và Bảo tàng Dân tộc học VN (Hà Nội). 

Phần lớn bảo tàng hiện nay ở nước ta làm theo lối mòn, làm theo hình thức mà thiếu sáng tạo, đầu tư không đầy đủ nên không hay và đẹp, vì thế không ai đi thăm.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có ý nghĩa đối với quốc tế, mang vấn đề tình cảm và tâm lý nên khách quốc tế, nhất là khách Mỹ, muốn đến tìm hiểu những vấn đề về chiến tranh ở Việt Nam mà trước đây đất nước của họ đã tham dự. Bảo tàng Dân tộc học mỗi năm đón khoảng 500 – 600 nghìn khách. 

Còn lại đa phần bảo tàng rất ít khách, đặc biệt là các bảo tảng tỉnh. Khách ít không phải là lỗi của thiết chế bảo tàng. Ai đi ra nước ngoài đều đến thăm bảo tàng, bảo tàng là nơi thu hút khách du lịch đông nhất. Bởi vì ở các nước người ta làm bảo tàng rất hay, nội dung rất hấp dẫn, sáng tạo, trưng bày đẹp. 

Khi tôi thấy 4 giai đoạn lịch sử mà Bảo tàng Nông nghiệp Vĩnh Long muốn làm thì tôi cảm thấy họ đang đi theo lối mòn, không nghĩ đến câu chuyện về nông nghiệp mà người nông dân ở đây phải đối mặt và giải quyết, những vấn đề và câu chuyện như thế sẽ làm cho bảo tàng thu hút được khách. Việc làm theo tiến trình lịch sử ở những thế kỷ xa xưa lấy đâu hiện vật mà nói. Đó là cách đi theo lối mòn. 

Phải thay đổi hẳn tư duy, cách làm bảo tàng, cách giới thiệu bảo tàng nông nghiệp, tức là cách để giúp khách tăng thêm hiểu biết, thấy thích, tò mò. Bảo tàng 11ha, để tái tạo lại cách làm nông nghiệp xưa thì có lẽ là không nên lắm, phải cân nhắc. Nếu để thu hút du lịch thì người ta đi thẳng đến nơi các sông rạch, các bưng biền trực tiếp, làng xóm quanh đấy hay hơn nhiều. Việc tạo ra những cảnh quan giả như thế rất khó thu hút được khách. 

Tôi nghĩ rằng mấu chốt của bảo tàng không phải là phục dựng cuộc sống của ĐBSCL. Nội dung trưng bày trong tòa nhà bảo tàng mới là cốt lõi để thu hút khách du lịch. Nhưng muốn như thế phải tạo ra trưng bày thật ngoạn mục, thật hay thì mới được.

Muốn làm được điều đó cần phải có một đội ngũ chuyên gia nông nghiệp, chuyên gia bảo tàng và các kiến trúc sư thiết kế nội thất, trưng bày cực giỏi. Nếu chỉ có vài chuyên gia bảo tàng cũng không làm được, hoặc chỉ vài chuyên gia nông nghiệp cũng không làm được. Phải kết hợp chuyên gia nông nghiệp am hiểu về ĐBSCL để đề xuất nội dung hay nói được về những câu chuyện cốt lõi của nông nghiệp ĐBSCL cùng các nhà bảo tàng, các KTS nội thất tạo ra các kịch bản cùng các thủ pháp trưng bày bảo tàng. 

Còn hiện nay về nhân lực thực hiện công việc này tôi không biết tỉnh định làm như thế nào. Nếu không quy tụ được những điều đó thì sẽ rất khó khăn để tạo ra bảo tàng độc đáo, mới mẻ. Nếu tạo ra bảo tàng bình thường, bảo tàng không hấp dẫn, bảo tàng không có khách thì rất dễ, ai làm cũng được. Nhưng để tạo ra bảo tàng đông khách, có hiệu quả, mang lại lợi ích lớn cho xã hội thì không dễ chút nào. 

Muốn làm được điều đó lúc này cần phải có sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế liên quan đến bảo tàng và các thiết kế trưng bày. Chỉ một mình đội ngũ làm bảo tàng của chúng ta ở cả nước chứ chưa nói đến chỉ tỉnh Vĩnh Long là chưa đủ tầm để tạo nên một bảo tàng mong muốn. 

Trong điều kiện hiện tại, nếu không có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài thì đừng nói là sẽ có bảo tàng đông khách. Những bảo tàng có khách và gọi là đổi mới hiện nay của ta đều có bàn tay của các chuyên gia nước ngoài. 

Bảo tàng Dân tộc học có chuyên gia của Pháp tham gia làm từ đầu, có chuyên gia của Mỹ đào tạo xây dựng đội ngũ những người làm chuyên môn ở đó, cả chuyên gia của Nhật nữa suốt gần 20 năm vừa qua. 

Bảo tàng Phụ nữ được đổi mới cũng là nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia Pháp, Mỹ. Dinh Độc lập có khách đông nhưng cách trình bày những thông tin trưng bày cũng có sự đóng góp của nhóm chuyên gia Pháp, gần đây là chuyên gia Mỹ tham gia vào một trưng bày rất có hiệu quả. Đa phần các bảo tàng của chúng ta "tự biên tự diễn" không có khách xem, đó là thực tế.

Về thời gian cũng như kinh phí đầu tư của dự án này, theo ông có vấn đề gì khiến ông suy nghĩ? Thời điểm đưa ra để xây dựng có hợp lý không, thưa ông?

- Việc đặt ra kế hoạch 2020 – 2027 tôi nghĩ là không dài, thậm chí phải đến 2030, nếu họ đi từ con số 0 . Xây dựng một bảo tàng hoàn toàn mới trong vòng 7 năm có làm được không? Rất nhiều vấn đề từ xây dựng, đền bù, giải phóng mặt bằng, thiết kế rồi chuẩn bị nội dung, ý tưởng, kịch bản, thu thập tư liệu, hiện vật, thiết kế trưng bày, thi công... Để làm một bảo tàng ra tấm ra món trong một thời gian ngắn là rất khó.

Vấn đề đầu tư, 400 tỷ tưởng nhiều nhưng riêng Bảo tàng Quảng Ninh xây không đã 900 tỷ rồi, cộng thêm trưng bày thì chắc cũng 500-700 tỷ nữa. Như Bảo tàng Hà Nội cũng tầm 1000 tỷ đồng

Đừng nghĩ làm một cái bảo tàng hay trong vòng 5-7 năm là có thể ra ngay được. Trong khi đó, để đào tạo một con người có đầy đủ tri thức và phương pháp để tổ chức được một bảo tàng, xây dựng được nội dung như tôi nói thì chắc còn lâu. Phải có một tầm tư duy, muốn có phải đào tạo, mời chuyên gia, và làm những việc này trong sáng, đam mê chứ không phải vụ lợi vì tiền hay đơn thuần chỉ vì nhiệm vụ thì mới có một bảo tàng hay, hấp dẫn. Đấy là vấn đề con người.

Vấn đề đầu tư, 400 tỷ tưởng nhiều nhưng riêng Bảo tàng Quảng Ninh xây không đã 900 tỷ rồi, cộng thêm trưng bày thì chắc cũng 500-700 tỷ nữa. Như Bảo tàng Hà Nội cũng tầm 1000 tỷ đồng.

400 tỷ đồng không thể nói ít hay nhiều, cần phải tính đúng và tính đủ cho một bảo tàng hiện đại. Bảo tàng giờ không có công nghệ hiện đại thì cũng khó hay và cuốn hút.

Ta đừng gắn câu chuyện này với Covid. Vì tỉnh Vĩnh Long muốn có dự án thế chắc cũng phải chuẩn bị nhiều năm nay rồi, đến lúc chín muồi thì mới quyết định thông qua như vậy. Thời điểm không hẳn là vấn đề quan trọng mà vấn đề là bảo tàng đó có cần không – rất cần. Bảo tàng có nên làm không – rất nên làm. Bảo tàng Vĩnh Long có ổn không – rất ổn.

Nhưng vấn đề là làm như thế nào, quy mô ra sao, nếu là cả ĐBSCL thì cơ chế phối hợp với các tỉnh, cơ chế cho đội ngũ sẽ như thế nào... là những vấn đề mấu chốt.

- Xin cảm ơn PGS.TS!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem