Nhà ngoại giao lão luyện
Trong bộ pizama xắn quá đầu gối được gắn 2 miếng salonpas, ông vui vẻ ngồi tiếp chuyện chúng tôi trên chiếc giường cá nhân đầy các loại sách báo, tạp chí.
Trên chiếc bàn nhỏ đặt bộ ấm chén sứ Bát Tràng cũ và đầy các loại thuốc. Ông rút cuốn sổ tay ghi tên, điện thoại của chúng tôi một cách cẩn thận rồi đút cuốn sổ xuống chiếc gối ở đầu giường, ngước lên nhìn chăm chăm: “Các cậu đến sớm mới gặp được chứ mai kia là tôi phải đi Huế, rồi vào Nam tham gia các cuộc hội thảo sang đầu tháng 5 mới về”- giọng ông oang oang.
Ông bảo năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 30.4 là các nơi lại mời ông tham gia hội thảo, mà đã tham gia thì lại phải có tham luận. “Tính mình nó thế. Đã không nói thì thôi. Nói là phải có cái mới, lần sau không trùng với lần trước thì người ta mới nghe”- nhấp một ngụm trà, ông từ tốn nói.
Nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh (hàng thứ hai, ngoài cùng, bên trái) tại Hội nghị Paris. Tư liệu
Có thể nói ông Nguyễn Khắc Huỳnh vừa là chứng nhân vừa là lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam. Sinh năm 1928, ông bắt đầu nghề ngoại giao sau khi chuyển từ Bộ Tổng tham mưu sang.
Ông từng là thành viên Đoàn đàm phán nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 1968-1973, từng là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Mozambique, Zimbabwe, Zambia. Những tác phẩm như “Ngoại giao Việt Nam- phương sách và nghệ thuật đàm phán”, “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam, góc nhìn và suy ngẫm”, “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Paris” và hàng loạt các bài phát biểu, tham luận khác của ông thực sự là những công trình nghiên cứu giá trị và bài học quý giá cho các nhà hoạt động ngoại giao Việt Nam.
Đàm phán Paris: Chuyện bây giờ mới kể
Trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của mình ông Huỳnh tự hào nhất là giai đoạn ông tham gia cuộc đàm phán “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, được ký kết ngày 27.1.1973, tại Paris. Sau này chúng ta hay gọi là Hiệp định Paris.
“Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam, có lẽ chưa có cuộc đàm phán nào kéo dài như Hội nghị Paris. Gần 5 năm, với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng, đàm phán Paris là cuộc đấu trí giữa hai nền ngoại giao: Việt Nam và Mỹ.
Nhìn lại vị thế của Việt Nam kể từ khi bắt đầu bước vào bàn đàm phán đến khi Mỹ đặt bút ký vào Hiệp định Paris, chính thức thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đã có nhiều khác biệt cơ bản. Từ một nước bị giày xéo trong bom đạn, cái mà Việt Nam đem đến bàn đàm phán là một tinh thần quyết chiến quyết thắng, ý chí quật cường đấu tranh bền bỉ bảo vệ chân lý, giành độc lập tự do của cả một dân tộc.
Những thắng lợi vang dội trên chiến trường Việt Nam, đặc biệt là cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không” là đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam”- ông Huỳnh nói.
Ông rót một ly nước, nắm chặt hai bàn tay, ngồi tư lự, dường như quên mất sự có mặt của chúng tôi. Một lúc sau, ông tủm tỉm cười: “Sáng mùng 2 Tết Mậu Thân, 1968, anh Nguyễn Duy Trinh, lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại giao, cho gọi tôi, anh Phan Hiền và anh Trần Hoàn lên, bảo: “Chúng ta chuẩn bị để đàm phán với Mỹ về lập lại hòa bình tại Việt Nam”. Nghe anh Trinh nói chúng tôi hiểu rằng nền ngoại giao Việt Nam bắt đầu bước vào một trong những giai đoạn quan trọng nhất của mình. Và tôi gắn với đàm phán Paris từ đó”. Thì ra ông Huỳnh đang nhớ về những ngày quan trọng nhất trong cuộc đời ông.
“Để chuẩn bị cho cuộc đàm phán chúng tôi đã phải tìm các tài liệu, đọc lại tất cả các cuộc đàm phán nổi tiếng trong lịch sử thế giới để đúc kết kinh nghiệm. Khi lên đường đi đàm phán, mục đích của chúng ta là kiên trì đấu tranh trong đàm phán để đạt mục tiêu cao nhất là Mỹ chấp nhận rút quân và chấm dứt chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Để đạt mục tiêu đó là cực kỳ khó khăn vì Mỹ rất mạnh, giành thắng lợi với Mỹ rất khó. Thắng như thế nào, thắng đến mức nào thì Mỹ chấp nhận được và kết quả Hiệp định Paris là phải đạt được mục tiêu đó”- nhà ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh nói.
“Sau hơn 4 năm trời đàm phán, với rất nhiều thay đổi trên chiến trường, ta và Mỹ về cơ bản đã thống nhất được với nhau: Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tuy nhiên cuộc đàm tưởng như đã đi vào hồi kết thì tháng 12.1972 lại bế tắc chỉ vì hai từ… “Dân sự”.
Phía Mỹ, cụ thể là Kissinger tập trung đòi cho được "hai bên tôn trọng khu phi quân sự", để khẳng định 2 miền là hai quốc gia. Sau một tuần thảo luận, hai bên đi đến hai công thức gần giống nhau: "Hai bên sẽ thoả thuận về thể thức qua lại dân sự”- nghĩa là hai bên không được đưa quân đội qua lại. Tuy nhiên bất ngờ là từ Hà Nội điện sang: “Ta kiên quyết không ghi vấn đề khu phi quân sự theo cách của Mỹ”.
Trưởng đoàn đàm phán của ta là đồng chí Lê Đức Thọ xin dừng cuộc đàm phán để quay về Hà Nội xin ý kiến. Trước khi rời Paris ông dặn đi dặn lại Kissinger là Mỹ không được manh động và ông hứa là sau một tuần ông sẽ quay lại để ký hiệp định. Tuy nhiên phía Mỹ đã rêu rao rằng Việt Nam cố tình trì hoãn ký hiệp định và họ đã hành động: Ném bom B52 xuống Hà Nội và Hải Phòng để buộc Việt Nam phải ký hiệp định”- ông Huỳnh kể.
“Vậy, nếu không vì hai từ “Dân sự” thì liệu có tránh được việc Mỹ cho B52 thả bom xuống Hà Nội không?”- tôi hỏi ông Huỳnh. Trầm ngâm hồi lâu, ông Huỳnh nói: “Nixon muốn ký cho xong hiệp định trước Noel hoặc năm mới 1973. Trong hồi ký, Nixon thổ lộ: "Tôi nói với Kissinger và Haig rằng ngày 8.12 là thời hạn cuối cùng phải ký xong, trước khi Quốc hội họp lại".
Nixon tuy đắc cử, nhưng tình hình nước Mỹ rất căng thẳng, cả Thượng và Hạ viện đều do phái chủ hoà nắm. Đa số nghị sĩ đều muốn rút sớm, nếu cần thì bỏ Thiệu, chỉ cần lấy được tù binh Mỹ về… Vì vậy, nhân việc đồng chí Lê Đức Thọ về Hà Nội, chính quyền Nixon vu cáo ta kéo dài đàm phán. Mỹ dùng B52 đánh gấp để gây sức ép hòng sớm ký được hiệp định. Bằng chứng là ngày 18.12, bắt đầu đánh.
Ngày 22.12 Mỹ đã đề nghị ngừng bắn, nối lại đàm phán. Ở đây có điều trùng hợp: Cả hai phía đều thống nhất Mỹ đánh B52 là để gây sức ép. Phía Nixon thừa nhận: "Bất đắc dĩ tôi có quyết định mạnh mẽ nhất có thể thuyết phục Hà Nội rằng thương lượng một giải pháp công bằng tốt hơn tiếp tục chiến tranh". Còn Kissinger thì nói: "Nixon chọn con đường dùng vũ lực để ép một sự kết thúc (forcing a conclusion). Đồng chí Lê Đức Thọ về Hà Nội đã phải nói thẳng: “Dân sự hay quân sự thì có ý nghĩa gì đâu, vì quân ta đã đang nằm ở bên kia giới tuyến rồi”. Khi ấy Bộ Chính trị đồng ý. Ông quay sang Paris và hiệp định được ký kết.
Cần có sự thiện chí
Câu chuyện của chúng tôi với ông Nguyễn Khắc Huỳnh chuyển sang chủ đề hòa giải dân tộc. Chúng tôi nhắc tới chuyện các nhà lãnh đạo của ta đều khẳng định hòa giải dân tộc là việc cần làm đầu tiên sau giải phóng, nhưng đúng là chúng ta đã làm chưa được nhiều như kỳ vọng.
Trầm ngâm một lát, ông Huỳnh kể: “Cách đây chừng 15 năm khi tôi sang dự một cuộc hội thảo liên quan đến chiến tranh Việt Nam tại Trường Đại học Brown (Mỹ), Ban tổ chức đã bố trí một chương trình giao lưu với các giáo sư và khoảng 1.000 sinh viên của trường này. Một sinh viên hỏi tôi: Thưa ngài đại sứ, các ngài coi là “giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc” nhưng tại sao lại có chuyện hàng triệu người bỏ nước ra đi?”. Ngừng một lát ông Huỳnh quay sang chỉ vào tôi: “Nếu là cậu, cậu trả lời thế nào?”. Tôi trả lời xong, ông bảo: Nếu là thang điểm 10 thì cậu được 6 điểm thôi.
Quan điểm
Hòa giải không phải là tự xưng tụng, nhắc đến chiến thắng của mình một cách cao ngạo. Hòa giải là vấn đề tự thân và tình cảm, tâm thế thì phải chân thành, khiêm nhường. Vấn đề “hòa giải dân tộc” là một trong những nền tảng cơ bản của nước Việt để xây dựng một quốc gia phát triển hùng mạnh, có đầy đủ khả năng đối đầu với các thách thức nhiều mặt của thời đại”.
Ông cười: “Tôi đã trả lời thế này: Đó là chuyện rất đáng tiếc. Về nguyên nhân thì thứ nhất là trong suốt thời gian chiến tranh, quân đội, các nhà chức trách Mỹ cũng như chính quyền Sài Gòn qua mấy đời Tổng thống đều tuyên truyền nếu quân đội miền Bắc về sẽ có nạn tắm máu. Sau 30.4.1975 nhiều người đã lo lắng chuyện “tắm máu” vì vậy việc đầu tiên họ tính là ra đi.
Có mấy loại người ra đi: Người thuộc chính quyền cũ, những người thấy làm ăn không thuận lợi, người giàu có và sau là những người sợ “tắm máu”. Ta phải quy trách nhiệm của Mỹ đầu tiên. Có một số người nữa thấy kinh tế Việt Nam đã nghèo lại còn bị chiến tranh tàn phá nên cũng kiếm đường ra đi.
Một lý do nữa, chúng tôi chiến trận thì thạo nhưng làm kinh tế chưa nắm được tình hình, chưa làm tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân nên họ bỏ ra đi.
Nguyên nhân cuối cùng là việc thống nhất đất nước qua con đường chiến tranh thì đã làm tốt nhưng việc tranh thủ lòng người thì chưa làm tốt, chưa thực hiện hòa hợp tốt. Tôi cũng bổ sung thêm: Dù nguyên nhân gì và những người ra đi khỏi Việt Nam như thế nào, chúng tôi luôn luôn coi họ thuộc dân tộc Việt Nam và luôn luôn sẵn sàng mở cửa để ai về thăm, ai về nước, ai liên lạc lại, cả ba mức đó chúng tôi đều chấp nhận, mở cửa rộng rãi. Tôi nói vậy, mọi người vỗ tay rất sôi nổi”.
Câu chuyện của chúng tôi với ông Huỳnh đã dần đi đến hồi kết. Trước khi tiễn chúng tôi ra cửa ông Huỳnh bảo: Con đường đi đến hòa giải còn rất gian nan nhưng là cần thiết, cần thiện chí chân thành của cả các bên và cũng cần thái độ, chính sách đúng đắn. Nhìn rộng hơn, đấy còn là vấn đề được đặt ra ở quy mô thế giới chứ không chỉ trong nội bộ nước ta.
Hà Nội, tháng 4 năm 2015
Vui lòng nhập nội dung bình luận.