Mai Chiến
Thứ ba, ngày 24/08/2021 13:45 PM (GMT+7)
Giăng nylon, đánh bả sinh học, đào bắt... là biện pháp mà nhiều nông dân tại các vùng trên địa bàn tỉnh Nam Định đang làm để tiêu diệt "giặc" chuột nhằm bảo vệ an toàn cho các diện tích lúa mùa phát triển tốt, đạt năng suất cao.
Đi dọc các con đường dẫn ra ruộng trên địa bàn huyện Trực Ninh, phóng viên thấy nhiều nông dân đang cặm cụi chăng túi bóng nylon ở 2 đầu bờ để bảo vệ lúa mùa trước sự tàn phá của "giặc" chuột.
Bà Đinh Thị Dung (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh) cho hay: Vụ mùa năm nay, gia đình bà canh tác hơn 5 sào lúa, chủ yếu là Bắc thơm số 7. Sau một thời gian xuống đồng, hiện cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, đủ số dảnh và tràn đầy sức sống. Các hàng lúa thẳng tăm tắp, xanh mướt 1 màu mê hoặc.
Song, thời điểm này cũng bắt đầu vào giai đoạn chuột chạy ra ngoài, khỏi nơi ẩn trú để cắn phá lúa và gây hại mạnh khiến bà con nông dân lo ngay ngáy. Để chủ động, ngăn chặn đàn chuột hại lúa, bà Dung đang rốt ráo cắm cọc, chăng túi bóng ở 2 bên đầu bờ.
"Đơn vị đã yêu cầu các địa phương thực hiện diệt chuột thường xuyên nhưng cần xác định các đợt cao điểm (nhất là đợt diệt chuột đầu vụ) để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao".
Ông Trần Ngọc Chính
"Lúa mùa đang ở "thì con gái" nên chuột bắt đầu cắn phá rất mạnh. Chuột không chỉ gặm nhấm ở 2 bên đầu bờ, mà đã đi sâu vào trong ruộng, nếu chúng tôi không kịp chăng nylon và có biện pháp ngăn chặn sớm thì có thể sẽ mất mùa sớm" - bà Dung nói.
Ở bên cạnh ruộng nhà bà Dung, bà Bùi Thị Mai than thở: "Mặc dù tôi đã chủ động chăng túi bóng từ sớm nhưng ruộng lúa của tôi vẫn bị chuột phá nhiều. Chúng cắn phá không thương tiếc, nhiều khóm lúa non đổ gục chết dần, đau xót lắm".
Sau khi chủ động chăng túi bóng, làm sạch cỏ bờ, bà Mai dùng bả sinh học, cắm cờ túi bóng dưới ruộng lúa…, nhưng vẫn không ngăn chặn được đàn chuột phá lúa, bà đành cầu cứu lên chính quyền chờ hỗ trợ.
Cần tổ chức diệt chuột đồng loạt
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định, chuột hại là đối tượng dịch hại có khả năng sinh sản nhanh, nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Vụ lúa mùa năm 2020, mặc dù các địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức diệt chuột, nhưng vẫn có 456ha lúa bị chuột gây hại, trong đó diện tích hại nặng là 7ha.
Chi cục này nhận định, hiện nay tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng nhiều, cây trồng đa dạng xen canh, gối vụ là điều kiện thuận lợi cho chuột sinh sản phát triển quần thể nhanh, khả năng gây hại mạnh trong vụ mùa 2021.
Ông Trần Ngọc Chính - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định cho hay: Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ mùa 2021, đơn vị đã yêu cầu các địa phương thực hiện diệt chuột thường xuyên nhưng cần xác định các đợt cao điểm (nhất là đợt diệt chuột đầu vụ) để phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt nhằm đạt hiệu quả cao.
"Bà con có thể diệt chuột bằng nhiều hình thức; kết hợp nhiều biện pháp (gồm hoá học, sinh học, thủ công), trong đó biện pháp sinh học vả thủ công là chủ yếu. Tuyệt đối không dùng thuốc cấm, dùng điện và các biện pháp dễ gây nguy hiểm cho người, vật nuôi để diệt chuột. Thực hiện diệt chuột đúng kỹ thuật; chú trọng bảo vệ hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng và giữ vệ sinh môi trường…" - ông Chính nói.
Theo ông Chính, thời điểm này khi lúa bắt đầu đứng cái (phân hóa đòng) các địa phương trong tỉnh cần ra quân tổ chức diệt chuột đồng loạt đến hết ngày 15/8 theo phương châm "Nhà nhà diệt chuột, Người người diệt chuột".
Theo đó, bà con cần áp dụng diệt chuột bằng nhiều biện pháp như biện pháp canh tác, các gia đình cần vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ, bụi rậm, gò đống, ruộng bỏ hoang, khu nghĩa trang… phá nơi cư trú của chuột.
Hay dùng biện pháp sinh học bằng cách sử dụng bả diệt chuột sinh học Biorat. Bên cạnh đó, nông dân có thể sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt, hun khói, đổ nước… để bắt, diệt chuột.
Ông Chính cho hay: Từ cuối tháng 7, rầy lứa 4 nở rộ và tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh bệnh lùn sọc đen gây hại lúa ở diện rộng. Để bảo vệ lúa mùa, chúng tôi đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quan tâm làm tốt công tác thu thập mẫu rầy, mẫu lúa để giám định virus lùn sọc đen, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, quản lý giám sát bệnh sùng sọc đen hại lúa mùa 2021 làm cơ sở tổ chức phòng trừ đồng loạt tạo hiệu quả tích cực.
Các huyện phía Nam tỉnh và những vùng đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen trong những vụ trước cần tổ chức tốt việc phòng trừ rầy lứa 4 trong thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8 để phòng ngừa bệnh nguy hiểm này hại lúa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.