Nhà nước cần có trách nhiệm hỗ trợ cấp vốn, lãi suất cho các hãng hãng không

Thế Anh Thứ năm, ngày 26/11/2020 19:36 PM (GMT+7)
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, các hãng hàng không Việt cần được cứu và Nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất, tránh việc các hãng hàng không "tị nạnh" hay "choảng nhau" mà 3 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways) cần chung sức vượt dịch Covid-19.
Bình luận 0

Ngày 26/11, khi thảo luận về các phương án hỗ trợ, "giải cứu" các hãng hàng không Việt Nam thoát qua khỏi những khó khăn của đại dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn thẳng thắn cho biết: Khi chưa có dịch Covid-19 ngành hàng không Việt Nam luôn tăng trưởng mức 2 con số, riêng năm 2019 đã vận chuyển hơn 136 triệu hành khách, năng lực điều hành bay không ngừng nâng cao (hơn 900.000 chuyến bay).

Tuy nhiên, Covid -19 đã gây rối loạn hoạt động hàng không, làm tê liệt ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không đã phải hy sinh quyền lợi chính đáng để phục vụ chủ trương giãn cách xã hội, khoanh vùng dập dịch, dừng vận chuyển hành khách...

Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ cấp vốn, lãi suất cho các hãng hãng không - Ảnh 1.

Hãng hàng không Vietnam Airlines.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết: "Dịch Covid -19 khiến nhiều hãng hàng không phá sản và không rõ trật tự của các hãng hàng không có thay đổi hay không? Ví dụ như Singapore đang gặp khó khăn hơn chúng ta rất nhiều vì diện tích nhỏ, chỉ có 1 sân bay và khi đóng cửa tê liệt hoàn toàn vì không có thị trường nội địa.

Chia sẻ về những khó khăn mà các hãng hàng không đang lao đao, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet đề xuất tới Bộ GTVT và kiến nghị tới Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ hãng vay 4.000 tỷ đồng .

"Để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 - 5 năm, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi kể từ 2023 - 2025", bà Phương khẳng định.

Về phía Vietnam Airlines, đại diện hãng bay này cho biết, tính đến thời điểm này, thị trường nội địa có phục hồi nhưng sức mua yếu, giá vé lại giảm mạnh. Thị trường quốc tế "đóng băng" chủ yếu là các chuyến bay đưa công dân hồi hương. Các hãng hàng không liên tục đổ tải vào thị trường nội địa khiến dư thừa nguồn cung và cạnh tranh trực diện giảm giá vé nhằm thu hút khách và cạnh tranh giữa các hãng.

"Điều này khiến hiệu quả khai thác, tiềm lực tài chính giảm nghiêm trọng, khó cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài", đại diện Vietnam Airlines chia sẻ.

Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ cấp vốn, lãi suất cho các hãng hãng không - Ảnh 2.

Hãng hàng không Vietjet.

Tương tự như Vietjet, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt cho Vietnam Airlines.

Cùng với đó, kiến nghị giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ bay giảm thuế môi trường; mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế ở một số nước đã kiểm dịch tốt; không cấp phép bay cho các hãng hàng không cho tới năm 2024 (chỉ cấp phép hãng bay khi tự chủ nguồn lực, có kế hoạch bay và tiềm lực tài chính rõ ràng); Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho vay lãi suất 0% để trả lương cán bộ, công nhân viên...

Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ cấp vốn, lãi suất cho các hãng hãng không - Ảnh 3.

Hãng hàng không Bamboo Airways.

Trước những đề xuất của các hãng hàng không, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các hãng hàng không trước khi 'tị nạnh' được hơn phần hỗ trợ thì phải bàn với nhau mình có thay đổi cục diện được hay không.

"Những doanh nghiệp càng to và nhiều thị trường chắc gì sống được lâu do nợ nần nhiều vì dịch. Vậy, các hãng hàng không Việt sẽ đứng lên như thế nào, sống ra sao trong trật tự hàng không mới. Vì thế, các đơn vị liên quan nên phân tích những hãng hàng không đối thủ cạnh tranh với mình," ông Thiên phân tích.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên rất may là Chính phủ, các Bộ ngành đã khống chế được dịch giúp thị trường hàng không nội địa có thể hoạt động được. Đây là chỗ dựa quan trọng mà các hãng cần nắm bắt và tìm cách phát triển, do đó cần kích hoạt thị trường nội địa hàng không cũng như du lịch tạo nên sức cầu nội địa.

Về phần hỗ trợ vốn cho các hãng hàng không bước qua khỏi dịch Covid-19, PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, các hãng hàng không cần chứng minh với ngân hàng, ngành hàng không là mũi nhọn về kinh tế, hứng chịu thiệt hại nhiều nhất nhưng lúc đứng dậy cũng phải là đầu tiên.

"Việc tìm nguồn tài trợ cho hàng không phải đặt hướng thuyết phục các ngân hàng, Chính phủ rằng, tài trợ hàng không chính là tài trợ cho tương lai. Hàng không thế giới đứng dậy thì ta phải dứng dậy ngay lập tức, đồng thời đi kèm với dự báo được tương lai của ngành hàng không trong bối cảnh hiện tại," ông Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, các hãng hàng không Việt cần được cứu và Nhà nước phải có trách nhiệm như hỗ trợ cấp vốn, lãi suất cho tất cả các hãng, tránh việc các hãng hàng không "tị nạnh" hay "choảng nhau" mà 3 hãng (Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways) cần chung sức, đồng lòng để vượt qua dịch.

Để có những giải pháp hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.

Theo ước tính chi phí thuê máy bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 30 triệu USD, với Vietjet là 20 triệu USD. Chi phí đậu đỗ sân bay mỗi tháng của Vietnam Airlines là 6 tỷ đồng; Vietjet: 3,6 tỷ đồng; Bamboo Airways: 1,24 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2020, doanh thu Vietnam Airlines giảm 49,3 nghìn tỷ đồng và mức lỗ lên đến gần 16 nghìn tỷ đồng.

Trước những khó khăn mà các hãng hàng không trong nước phải đối diện với nguy cơ phá sản, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ trình UBTV Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện mức thuế 2.100 đồng/lít (giảm 30% so với quy định) với nhiên liệu bay trong cả năm 2021.

Bộ Tài chính dự báo, năm 2021 kinh tế thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, trong đó, nhiều lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành hàng không. Do đó, cần có các giải pháp căn cơ để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi trở lại.

Dự kiến, thị trường hàng không nội địa trong năm nay và sang năm 2021 sẽ phục hồi từng bước, nhưng còn nhiều khó khăn, riêng thị trường quốc tế cần thời gian dài. Theo Bộ Tài chính, thiệt hại của ngành hàng không là rất nghiêm trọng do số lượng khách hàng và chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh.

Đến nay, trong 10 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3,8 triệu lượt, giảm 73,8% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động của hãng như chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí chi thường xuyên khác.

Tháng 11/2020, Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo tờ trình báo cáo việc thực hiện Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua rà soát các nhóm đối tượng cụ thể, bộ này đề xuất tiếp tục điều chỉnh thời gian gia hạn, bổ sung đối tượng gia hạn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem