Nhà nước Vietnam Airlines sẽ "giết chết" hãng hàng không tư nhân
Nhà nước hỗ trợ riêng Vietnam Airlines sẽ "giết chết" hãng hàng không tư nhân
Minh Giang
Thứ hai, ngày 16/11/2020 14:01 PM (GMT+7)
Chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Vietnam Airlines được nhà nước rót thêm 12.000 tỷ đồng,... có thể sẽ khiến đối thủ "chết" biến mất khỏi thị trường, mà đối thủ ở đây chính là hãng hàng không tư nhân.
Chiều ngày 12/11/2020, Quốc hội đã họp riêng và thảo luận ở hội trường về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tháo gỡ, hỗ trợ riêng cho Vietnam Airlines mà không hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Được biết, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vietnam Airlines đã giảm 56,8% xuống 32.411 tỷ đồng, không đủ bù đắp giá vốn dẫn đến khoản lỗ gộp 7.707 tỷ đồng. Qua đó, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế hợp nhất 10.505 tỷ đồng và lỗ trước thuế công ty mẹ là 8.555 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, Vietnam Airlines ghi nhận 32.255 tỷ đồng đồng nợ vay ngắn và dài hạn đối với công ty mẹ, bằng 55% tổng tài sản và 35.056 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn hợp nhất, bằng 56% tổng tài sản. Chỉ số này chưa phải cao kỷ lục đối với Vietnam Airlines trong 13 năm qua và vẫn ở mức trung bình so với các doanh nghiệp lớn niêm yết chứng khoán trên sàn.
Dù vậy, năm 2020, khi Covid-19 ập đến, Vietnam Airlines đang đưa ra các tín hiệu cho thấy bức tranh tài chính không mấy khả quan khi nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 20.000 tỷ đồng. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, cả năm 2020, Vietnam Airlines có thể lỗ 13.000 tỷ đồng và sang năm 2021 vẫn lỗ nếu thị trường quốc tế không phục hồi.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia về lĩnh vực hàng không đặt câu hỏi: "Nhìn một cách tổng quát về phương án hỗ trợ "giải cứu" riêng Vietnam Airlines có làm thay đổi được toàn ngành hàng không hay không? hay là nên giúp đỡ các hãng hàng không khác?".
"Nếu Nhà nước chỉ "bơm" thêm vốn vào cho Vietnam Airlines thì rất bất công với các hãng hàng không hiện hữu khác, vì chúng ta đang thúc đẩy cạnh tranh, quốc tế họ sẽ đánh giá về vấn đề thị trường cạnh tranh", PGS-TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, nhà nước cần phải đánh giá lại, ngành hàng không lớn mạnh được như ngày hôm nay, có phải là do Vietnam Airlines hay là do có sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã tạo ra được sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng lên.
Nhìn thẳng nói thật! trước đây chỉ có Vietnam Airlines độc quyền là không tốt. Mặc dù, Vietnam Airlines có công ty con, có hãng hàng không trực thuộc nhưng cũng chẳng tạo là được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đơn cử là hãng hàng không Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines dù có vốn góp nước ngoài, nhưng bao nhiêu năm vẫn làm ăn "èo ợt" không có lãi. Có thể thấy Vietnam Airlines quản lý không hiệu quả như hãng hàng không tư nhân.
Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, kể từ khi có hãng hàng không tư nhân xuất hiện làm tạo ra thị trường cạnh tranh, thay đổi được tính độc quyền của Vietnam Airlines, khiến cho Vietnam Airlines phải thay đổi chiến lược kinh doanh, có những vé máy bay giá rẻ theo xu thế thị trường.
Rõ ràng, sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã làm Vietnam Airlines quản lý tốt hơn. Nhìn về tăng trưởng, lợi nhuận của Vietnam Airlines thì lại không bằng tư nhân. Do đó, Nhà nước chỉ giúp mỗi Vietnam Airlines là không công bằng với các hãng bay khác.
Tôi được biết có gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ vốn nhà nước bơm cho VNA và 4.000 tỷ cho vay ưu đãi để tăng vốn. Theo tôi, gói cho vay ưu đãi phải áp dụng cho tất cả các hãng hàng không thì mới công bằng, ta nên hỗ trợ theo tỷ lệ doanh thu, thị phần của các hãng từ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Hoặc là hỗ trợ cho các hãng có làm ăn có lãi, lãi càng lớn thì càng phải hỗ trợ, các hãng đang bị lỗ rồi thì càng không nên hỗ trợ.
Hỗ trợ theo tỷ lệ này thì chỉ có Vietjet và Vietnam Airlines là có lợi nhất, vì Bamboo Airways mới khai thác nên chưa thể đánh giá được họ. Hiện tại, đâu chỉ có mỗi Vietnam Airlines bị thua lỗ do dịch Covid-19, hay bão lũ, thiên tai, mà tất cả các hãng hàng không tư nhân cũng đang phải gánh chịu nhưng hậu quả này.
Hàng không tư nhân sẽ "chết"
Cùng chung quan điểm với PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, nhìn lại thực tiễn của nước ta trong giai đoạn 2015 - 2020, khi chính sách kinh doanh rõ ràng, nhiều tập đoàn tư nhân mạnh đã hình thành và phát triển tạo nên những tên tuổi lớn như: Vingroup, Massan, Vietjet, Thaco, Hòa Phát… đã vươn tầm quốc tế. Kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.
Theo ông Ngô Trí Long, Dự thảo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 một lần nữa xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; Tiến thêm một bước: "Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao..".
Để xây dựng một Việt nam hùng cường, khu vực kinh tế này cần được ưu tiên hỗ trợ phát triển. Cùng với đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà tư nhân có thể làm tốt. Tinh thần, cách làm ấy cần được thể hiện rõ trong việc hỗ trợ các hãng hàng không.
Tuy nhiên, việc Chính phủ chỉ trình ra Quốc hội đề nghị thông qua nghị quyết giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines do đại dịch Covid 19 gây ra cho thấy trên thực tế: " Vẫn có sự phân biệt, vẫn ưu đãi doanh nghiệp nhà nước hơn doanh nghiệp tư nhân." Hàng không tư nhân đã vươn lên chiếm lĩnh thị phần nội địa lớn nhất và đang tạo ra môi trường cạnh tranh thực sự với Vietnam Airlines về thị phần quốc tế.
Trong những năm gần đây, trên 70% tăng trưởng của ngành hàng không là từ hãng bay tư nhân. Từ chỗ Vietnam Airlines được độc quyền về thị trường, về vốn đầu tư, được ưu tiên được bay trong lúc đại dịch Covid 19 căng thẳng nhất đến lúc các hãng khó khăn nhất, bị cạn kiệt dòng tiền hoạt động, Vietnam Airlines lại được ưu tiên bổ sung 12.000 tỷ đồng từ vốn nhà nước.
Hiện nay, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines khoảng 6.600 tỷ đồng, nếu thêm 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ vay tái cấp vốn thì hãng này tiếp tục vượt trội so với hai hãng hàng không tư nhân. "Trong kinh doanh, lúc khó khăn, hơn nhau về vốn lớn như vậy có thể sẽ khiến đối thủ biến mất khỏi thị trường, điều sẽ dẫn đến là Vietnam Airlines sẽ giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng", ông Ngô Trí Long phân tích.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, Hàng không Việt Nam bị thiệt hại khoảng 4 tỷ USD trong năm nay. Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đã đề nghị hỗ trợ gói 25.000 tỷ đồng vay ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không. Trên cơ sở vai trò đóng góp đối với nền kinh tế, với xã hội và với quy mô thị trường của từng hãng, gói này sẽ được phân bổ phù hợp. Đây là đề xuất hợp lý, công bằng.
Tuy nhiên, trong khi Chính phủ chưa thông qua gói hỗ trợ chung cho ngành hàng không, chưa trả lời có hỗ trợ không bao giờ hỗ trợ mà đã đề nghị Quốc hội hỗ trợ bổ sung vốn cho riêng Vietnam Airlines thì đây rõ ràng là tạo lợi thế cho Vietnam Airlines và gây bất lợi cho các hãng bay khác.
Nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước và các điều ước quốc tế đều khẳng định doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp hàng không nói riêng đều được đối xử bình đẳng. Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.
"Vì vậy, cùng với việc hỗ trợ Vietnam Airlines thì Chính phủ cần đồng thời hỗ trợ cho các hãng bay tư nhân", ông Ngô Trí Lonh nhấn mạnh.
Ông Ngô Trí Long cho rằng, tạo mọi cơ hội để các doanh nghiệp có thể khai thác và có một môi trường bình đẳng, công khai và minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp. Xét cho cùng, đó cũng chính là thực hiện tối ưu nhất vai trò kinh tế của Nhà nước.
Ở đây, cũng cần lưu ý là ngân sách có hạn, nếu không cứu trợ, hỗ trợ được hết các hãng hàng không thì nên ưu tiên hỗ trợ cho hãng nào có khả năng hồi phục, đóng góp nhiều cho nền kinh tế, cho đất nước. Nhìn vào kết quả kinh doanh và đóng góp của các hãng hàng không hiện nay, không khó để biết hãng nào cần được ưu tiên 'chọn mặt gửi vàng'.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.