Nhà nước hồi giáo tự xưng và số tiền "siêu khủng" từ trộm cắp cổ vật

Thứ bảy, ngày 11/04/2015 08:23 AM (GMT+7)
Mỗi năm, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thu về tiền tỷ từ việc trộm cắp và bán đồ cổ, hầu hết các hiện vật đó đều rơi vào tay các nhà sưu tập tư nhân.
Bình luận 0
“Một tổ chức khủng bố được xây dựng với mô hình kinh doanh xác định rõ ràng” – đó là lời nhận xét của một nữ giáo sư ngành Tôn giáo mô tả về nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thực tế cũng cho thấy nhóm Hồi giáo cực đoan này là tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới, có khả năng tự cung cấp tài chính trên quy mô không hề nhỏ.

img
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) thu về tiền tỷ từ việc trộm cắp và buôn bán cổ vật.

Vậy nguồn tiền của IS đến từ đâu? Các phân tích cho thấy, ngoài lợi nhuận đến từ việc bán dầu, cơ quan nội tạng, bắt cóc, buôn người và cưỡng đoạt, thì thu nhập từ việc trộm cắp và bán đồ cổ không hề nhỏ. Ví dụ, chỉ riêng việc bán các mặt hàng cướp phá được từ khu vực al-Nabuk, phía tây của Damascus, IS đã kiếm được 36 triệu USD.

Tổ chức IS hoạt động ở khu vực khảo cổ học giàu nhất thế giới, là cái nôi của nền văn minh. Các khu vực khảo cổ tại Nimrud, Nineveh và Hatra bị IS phá hoại nghiêm trọng, cùng với đó là một dòng các cổ vật nghi có xuất xứ từ những nơi đó xuất hiện trên thị trường chợ đen.

IS đào bới các khu vực khảo cổ bằng cách sử dụng các thiết bị có sẵn hoặc phương pháp tiêu cực, thuê người dân địa phương để khai thác các ngôi mộ hay khu vực xây dựng. Cơ quan chức năng không thể xác định số hiện vật hay những hiện vật nào đã biến mất.

img
Các món đồ nhỏ sẽ dễ dàng vận chuyển và rao bán trên thị trường chợ đen

Có nhiều báo cáo cho thấy hàng nghìn cổ vật từ Syria và Iraq đang lưu hành tại thị trường chợ đen châu Âu. Trong số đó, có rất ít hiện vật được trưng bày trong các bảo tàng, đa phần các cổ vật sẽ rơi vào tay các nhà sưu tập tư nhân và biến mất.

Và nếu các cổ vật có bị thu hồi thì nó cũng khiến các nhà nghiên cứu mất thời gian hàng chục năm để kiểm chứng. Dự đoán được chiến tranh có thể gây thiệt hại khủng khiếp, các nhà khảo cổ, các giám đốc bảo tàng và các thành viên hội đồng nghệ thuật thế giới đã gặp gỡ các quan chức Lầu Năm Góc vào năm 2003 để thuyết phục họ bảo vệ các địa điểm khảo cổ, nhưng gặp thất bại.

Lầu Năm Góc đã thất bại trong việc ngăn chặn việc cướp bóc ở các Bảo tàng Quốc gia ở thủ đô Baghdad. Hơn 15.000 hiện vật, bao gồm đồ trang sức, đồ gốm, và tác phẩm điêu khắc đã bị đánh cắp khỏi bảo tàng.

Bất chấp các công ước quốc tế về bảo vệ cổ vật văn hóa, tổ chức khủng bố IS và các tay buôn bán cổ vật vẫn sống phây phây và thu lợi bất chính với hàng tỷ USD mỗi năm từ việc trộm cắp và buôn bán cổ vật. Bối cảnh tranh tối tranh sáng ở các nước xảy ra chiến tranh, bất ổn là môi trường thuận lợi cho những tay săn đồ cổ hoạt động.

Minh Khánh (lược dịch BBC)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem