Nhà ở cho sinh viên, phân khúc thú vị dành cho doanh nghiệp bất động sản Việt Nam

Tường Thụy Thứ ba, ngày 10/10/2023 20:45 PM (GMT+7)
Phân khúc lưu trú cho sinh viên ở Việt Nam được dự báo có thể sẽ tăng trưởng tích cực trong những năm tới, vì xu hướng này đã chứng tỏ tiềm năng cho giới đầu tư quốc tế.
Bình luận 0

Nhu cầu trong phân khúc này là có thật, nhưng thị trường Việt Nam với dân số 100 triệu người chưa khai thác, theo ông Marc Townsend, cố vấn cấp cao của công ty tư vấn Arcadia Consulting Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM.

"Điện thoại bạn sử dụng 5 -10 năm trước khác xa so với loại bạn đang dùng hiện nay. Xe cộ cũng vậy. Xe chạy điện đã nhiều lên. Không có gì là bất biến. Phân khúc này hiện nay còn để trống nhưng tình hình sẽ khác", ông Townsend nêu nhận định về thị trường lưu trú cho sinh viên (PBSA) ngày 10/10 tại TP.HCM.

Ước định tương lai của phân khúc nhà ở dành riêng cho sinh viên - Ảnh 1.

Ông Marc Townsend báo cáo về thị trường PBSA tại TP.HCM ngày 10/10/2023. Ảnh Tường Thụy.

Sinh viên TP.HCM chi bao nhiêu tiền để thuê chỗ ở

Tại TP.HCM hiện nay có 34 đại học/trường đại học, với tổng số sinh viên lên tới khoảng 585.000, gồm một số trường nước ngoài như RMIT (Úc), Công nghệ Swinburne (Úc), Fulbright Việt Nam (Mỹ), Đại học Việt-Đức VGU (tại Bình Dương nhưng xe rước sinh viên tại quận 3)…

Tại ký túc xá RMIT, giá phòng sinh viên là 10 triệu đồng/tháng/người (phòng 1 người), theo công ty Arcadia Consulting Việt Nam. Với Đại học Quốc gia VNU, giá là 140.000 đồng/tháng/sinh viên (phòng 8 người). Và chi phí ở nhiều đại học khác ở TP.HCM nằm trong khoảng 1,5 - 2 triệu đồng/tháng/sinh viên.

Giá thuê phòng trọ ở ngoài các ký túc xá rất đa dạng tùy theo chất lượng, khu vực, số năm đã sử dụng và các yếu tố khác, và công ty chưa có các số liệu cụ thể này.

Cũng tại TP.HCM, Đại học Tôn Đức Thắng có gần 12.000 sinh viên tại ký túc xá của trường, theo Arcadia Consulting. Đại học Kinh tế TP.HCM có 91 phòng ký túc xá tại 135A Trần Hưng Đạo quận 1 với hơn 760 sinh viên đang ở, và khoảng 800 sinh viên tại KTX 43-45 Nguyễn Chí Thanh quận 5. Ngoài ra, một số trường khác cũng có ký túc xá đáp ứng chỉ một phần cho số lượng sinh viên.

Các con số thống kê trên khá nhỏ so với số trúng tuyển đại học được công bố gần đây.

Ước định tương lai của phân khúc nhà ở dành riêng cho sinh viên - Ảnh 2.

Phòng ký túc xá của Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH). Ảnh: UEH

Lợi thế dành cho các công ty bất động sản Việt Nam

Ông Townsend cho rằng sinh viên thành phố cũng có nhu cầu ở ký túc xá, vì xu hướng ở nhiều nước là khi trở thành sinh viên năm ở tuổi 18 (đã trưởng thành), sinh viên cũng muốn bắt đầu tự lập, thay vì ở chung với gia đình. 

Theo ông, các dự án PBSA ở các nước phát triển thường ở ngoài khuôn viên trường đại học, liền kề với cộng đồng địa phương, gần các trung tâm thương mại bán lẻ, và gần dịch vụ giao thông công cộng.

"Tại Đông Nam Á, khái niệm PBSA vẫn đang trong thời kỳ khai sơ, và chúng tôi chưa thấy các nhà đầu tư tổ chức cũng như các đơn vị vận hành quốc tế thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng đây là lợi thế dành cho các công ty bất động sản Việt Nam tham gia lĩnh vực này", ông Townsend nói.

Ông khẳng định các doanh nghiệp sẽ cho rằng không có nguồn tài chính để làm, nhưng giới đầu tư quốc tế có nhiều nguồn vốn, đơn cử là các nhà đâu tư Singapore. Các tập đoàn kinh tế lớn của quốc đảo này luôn biết cần đổ tiền vào đâu, nhất là giáo dục và y tế.

Thị trường PBSA toàn cầu đạt doanh thu 9,1 tỷ USD vào năm 2022, và dự báo từ công ty nghiên cứu thị trường Zion Research, thị trường này sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm kép là 10,9%, lên quy mô 14,1 tỷ USD vào năm 2030.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem