Nhà ở của nhân dân tại thôn bản chủ yếu bằng gỗ, tỉnh Kon Tum lo ngại nếu động đất lớn sẽ sụp đổ
Nhà ở của nhân dân tại thôn bản chủ yếu bằng gỗ, tỉnh Kon Tum lo ngại nếu động đất lớn sẽ sụp đổ
P.V
Thứ hai, ngày 29/07/2024 18:53 PM (GMT+7)
Trong báo cáo nhanh về tình hình động đất ở Kon Tum, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum lo ngại, nhà ở của nhân dân tại các thôn bản đa số làm bằng gỗ, các kết cấu liên kết với nhau bằng liên kết mềm nên khó chống chịu được động đất cấp độ lớn.
Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum về tình hình động đất ở Kon Tum cho thấy, chỉ tính trong ngày 28/7/2024, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 4 trận động đất, trong đó có trận động đất vào lúc 04 giờ 17 phút 46 giây (GMT), ngày 28/07/2024 có độ lớn: 5.0; cấp độ rủi ro thiêntai là cấp 2.
Qua thống kê cập nhật nhanh từ UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện KonPlông cho thấy, chưa có thiệt hại nào về người nhưng có các thiệt hại về tài sản do động đất gây ra như sau: Một hộ ở thôn Măng Bút, xã Măng Bút bị rơi ti vi, hư hỏng hoàn toàn; trường trung học cơ sở và trạm y tế xã ở xã Đăk Ring bị nứt toạc các vách ngăn tường xây do động đất mạnh.
Cũng theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, trên địa bàn huyện Kon Plông có 06 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Các công trình đầu có tính toán thiết kế động đất cấp 7 - 8.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kon Plông còn có các công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ, vừa như thủy điện Đăk Pô Ne; thủy điện Đăk Lô; thủy điện Đăk Lô 02. Trên địa bàn huyện còn có 125 công trình thủy lợi.
"Qua kiểm tra 02 hồ có vị trí gần tâm chấn nhất trên địa bàn huyện Kon Plông là hồ Kon Chênh (xây dựng năm 2006) và hồ Đăk Khe (xây dựng năm 2007) cho thấy các công trình trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo an toàn không bị ảnh hưởng động đất xảy ra.
Đối với các công trình như: Trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III. Phòng ở học bán trú (103 phòng với 690 học sinh bán trú) chủ yếu là công trình cấp VI. Các công trình này khi thiết kế chưa tính đến tác động của động đất đến công trình.
Đối với các công trình nhà ở trên địa bàn huyện Kon Plông, nhà ở khu vực trung tâm huyện chủ yếu là nhà cấp IV được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông. Nhà ở của nhân dân tại các thôn bản đa số làm bằng gỗ, các kết cấu liên kết với nhau bằng liên kết mềm chỉ đạt 03 cứng nhưng không xác định được cấp.
"Đối với các loại công trình có kết cấu cứng khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông… nếu cường độ động đất lớn sẽ sập đổ", báo cáo chỉ rõ.
Từ thực tế đó, huyện Kon Plông sẽ chỉ đạo các đơn vị có liên quan trong quá trình thiết kế các công trình cần tính toán thêm tác động của động đất của công trình để đảm bảo tính ổn định của công trình.
Trước mắt, UBND huyện Kon Plông đã triển khai các biện pháp phòng chống sạt trượt, lở đất do động đất xảy ra trên địa bàn huyện; tiếp tục phối hợp với các đoàn công tác tỉnh, của Trung ương để kiểm tra, đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng; cung cấp tờ rơi, hướng dẫn kỷ năng ứng phó, ổn định tâm lý nhân dân trên địa bàn; tập huấn cho lực lượng xung kích, nhân dân cách phòng tránh và diễn tập tình huống; kiểm tra các các trình hạ tầng trên địa bàn huyện, kết cấu các công trình có chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Kiểm tra, đánh giá, khảo sát các khu dân cư, nhà ở trên địa bàn huyện để định hướng trong việc ứng phó; rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, nhà dân đã bị sụt lún, rạn nức từ trước do thiên tai, lụt bão gây ra để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời.
Phối hợp với Viện vật lý Địa cầu cập nhật thông tin tình hình động đất và định hướng công tác tuyên tuyền; Phối hợp với các Thủy điện nắm bắt tình hình về hoạt động các nhà máy thủy điện.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ đạo, các tổ xung kích; bổ sung phương án phòng chống thiên tai, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai các cấp độ rủi ro trong tình hình mới trên địa bàn huyện, xây dựng kế hoạch tuyên truyền về công tác ứng phó động đất trên địa bàn huyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.