Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Từ chức rồi Nguyên vẫn là Nguyên!

Ngọc Anh (thực hiện) Thứ tư, ngày 14/06/2017 14:07 PM (GMT+7)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên- Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội vừa ra tuyên bố từ chức, ra khỏi hội. Trước sự việc gây xôn xao dư luận, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với ông.
Bình luận 0

img

Ông nghĩ gì quyết định viết đơn từ chức? Một quyết định được xem là "hiếm" trong môi trường các tổ chức hội văn học nghệ thuật hiện nay.

- Tôi ra tuyên bố từ chức chứ không phải viết đơn xin ai cả, tuyên bố là nói rõ quan điểm của mình. Bằng tuyên bố này, tôi tự mình chấm dứt mọi hoạt động của tôi với tư cách là hội viên và lãnh đạo của Hội Nhà Văn Hà Nội cũng như của Hội Liên Hiệp Văn Học Nghệ Thuật Hà Nội. Tôi đã có ý định từ chức từ khá lâu, chỉ là lựa chọn thời điểm đưa ra. Khi tuyên bố như vậy, điều tôi nghĩ là để phản đối sự can thiệp vào công việc chuẩn bị đại hội khóa XII của Hội Nhà văn Hà Nội, cũng như để tỏ rõ thái độ của tôi đối với Ban chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội khóa XI.

Trong tuyên bố từ chức của ông, ông có nhắc đến việc Đại hội chậm trễ để nhằm loại trừ khả năng ông vẫn được tín nhiệm làm lãnh đạo Hội khóa mới, liệu điều này có bằng chứng cụ thể gì hay chỉ là cảm nhận của riêng ông?

- Điều này có bằng chứng ở các văn bản, giấy tờ. Đến mức có một công văn của Sở Nội vụ Hà Nội gửi xuống hôm trước thì hôm sau đã phải xin thu hồi. Thực ra, việc tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội vào tháng 11.2010 đã là sự bất ngờ không vui với nhiều người. Đi các địa phương, nhiều anh em văn nghệ sĩ khen Hà Nội dám "dùng" tôi, và Hà Nội cũng được tiếng tốt về việc đó. Điều này thì tôi cũng đã nhiều lần nói thẳng với những người có trách nhiệm ở Hà Nội. Nhưng lần này cách hành xử như thế lại làm mất điểm, lại mang tiếng xấu.

img

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên là một MC rất có duyên trong nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật

Quyết định từ chức của ông thực sự gây sửng sốt cho nhiều người, bởi theo thói thường, người đời vẫn hay bám lấy chút danh vị gì đó để "làm sang" cho mình, ông không tiếc vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hay sao?

- Tôi trước và sau khi làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội vẫn là tôi thôi, “Nguyên vẫn là  Nguyên” như nhiều hội viên nhận xét. Vì tôi không nghĩ đó là một chức tước, bổng lộc gì to, một địa vị gì ghê gớm để mà tranh giành, đấu đá. Trong công việc Hội tôi cố gắng làm theo phương châm của nhà thơ Vũ Cao khi ông ở vị trí tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội là “lãnh đạo văn nghệ sĩ là không lãnh đạo gì cả”, chỉ nên tìm cách tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng của mình. Nghĩ thế, và bản tính tôi vốn không quan cách, trịnh trọng, nên tôi làm các việc của Hội một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, vô tư. Vì vậy, khi từ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội tôi không tiếc cho mình, mà tiếc và lo cho Hội.

 Nhiều năm qua, nhìn lại mình ở vị trí Chủ tịch Hội Nhà văn HN, ông tự thấy mình làm được gì và chưa làm được những gì?

- Tôi đã cùng Ban chấp hành tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa uy tín của giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã có từ khóa X để giải thưởng này trở thành một giá trị văn chương của Hội; đã mở ra được các cuộc sinh hoạt chuyên đề vào ngày 10 hàng tháng (bắt đầu từ 2013) để cung cấp cho hội viên thông tin về các vấn đề của mọi lãnh vực xã hội; đã tổ chức được Hội nghị những người viết văn trẻ thủ đô lần thứ hai, sau hơn hai chục năm ngắt quãng;  đã làm được những cuộc hội thảo có chất lượng về một số nhân vật văn học nổi tiếng ở Hà Nội và cả nước.

Nhưng tôi vẫn còn nhiều việc đã nghĩ tới nhưng chưa làm được hoặc chưa kịp làm. Thí dụ như một giải thưởng mang tên nhà văn Tô Hoài cho các tác phẩm viết về Hà Nội của người Việt trong và ngoài nước. Giải sẽ mang tên “Hà Nội của tôi” do Hội Nhà văn Hà Nội lập ra và trao hai năm một lần vào ngày sinh của nhà văn Tô Hoài. Tôi tiếc và lo cho Hội không biết có duy trì phát huy được những cái tốt, cái hay đã làm được trong nhiệm kỳ qua hay không. Nếu Hội tiếp tục được chiều hướng tích cực này thì tốt.

img

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên  

Bạn bè, người thân nói gì về quyết định từ chức của ông? 

- Sau khi tôi đưa “Tuyên bố từ chức và ra hội” lên facebook của mình thì lập tức đã có nhiều “còm” và nhiều cuộc điện thoại chúc mừng tôi, bày tỏ sự đồng tình với tôi. Điều này cho tôi thêm sức mạnh và tự tin vào quyết định của mình, cũng như vào công việc sắp tới. Nhân đây cho tôi gửi lời cám ơn tới tất cả mọi người đã chia sẻ cùng tôi.

Sau khi từ chức, ông sẽ sống và làm việc ra sao, có điều gì thay đổi? Ông có kế hoạch cụ thể nào có thể tiết lộ cùng bạn đọc?

- Tôi thôi làm Hội nhưng vẫn làm Văn vì đó là chuyên môn, nghề nghiệp của tôi mà. Cố nhiên, khi còn làm Hội thì thời gian có phần phải dành cho công việc chung, ví như dù đi đâu làm gì tôi cũng cố thu xếp vào ngày 10 hàng tháng có mặt ở trụ sở 19 Hàng Buồm để điều hành các cuộc sinh hoạt chuyên đề. Nay phần thời gian đó lại là của mình. Công việc của tôi vẫn là viết phê bình nghiên cứu, dịch thuật, đi nói chuyện, giảng bài, làm MC các sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Tôi vừa ra cuốn sách tiểu luận phê bình thứ hai nhan đề “Khát vọng thành thực” thuộc loại sách “Nhà nước đặt hàng” tại Nxb Hội Nhà văn, và cũng đang sắp xếp bản thảo cho vài cuốn nữa. Về dịch thuật thì hiện nay tôi đã có hai cuốn sách dịch chờ xuất bản, lại có hai cuốn đang dịch. Năm nay tôi còn định có cuộc gặp gỡ bạn bè, độc giả nhân ba mươi năm dịch thuật của mình. Tóm lại, tôi không còn làm việc Hội, nhưng vẫn có mặt cùng các hội viên, đồng nghiệp, công chúng trong đời sống văn học ở thủ đô và cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem