Sau sáp nhập, đặt tên xã phường theo tên huyện cũ có gắn số thứ tự: Đừng làm mất đi nhận diện về văn hóa!

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 27/03/2025 15:26 PM (GMT+7)
Liên quan đến chuyện đặt tên xã, phường theo tên huyện cũ có gắn số thứ tự, nhà nghiên cứu Cao Văn Chư đã bày tỏ nhiều sự trăn trở của mình với Dân Việt.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cùng tờ trình kèm theo, để chuyển Bộ Tư pháp thẩm định. Theo đó, về nguyên tắc đặt tên, dự thảo nghị định nêu rõ tên gọi của xã, phường mới hình thành sau sắp xếp cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, đảm bảo tính hệ thống, khoa học; khuyến khích đặt tên của xã, phường theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu thông tin.

Bộ Nội vụ khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp; tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Đặt tên xã, phường theo tên huyện cũ có gắn số thứ tự: "Đừng làm mất đi những nhận diện về văn hóa!" - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: LTH

Thông tin này nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi đã được đưa ra.

Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư – nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi. Ông Cao Văn Chư từng xuất bản cuốn sách "Câu chuyện Địa danh học và Địa danh dân gian Việt Nam" – một công trình nghiên cứu đầy tâm huyết về địa danh học.

Là người nghiên cứu về địa danh và địa danh dân gian, ông thấy ông bà ta ngày xưa đặt tên đất, tên làng, tên xã, tên huyện dựa trên những yếu tố nào?

- Ông bà ta ngày xưa thường đặt tên đất, tên làng, tên xã theo tiếng Hán Việt hoặc tiếng Nôm hoặc theo tiếng dân tộc. Họ chọn lớp từ đẹp (mỹ tự) trong tiếng Hán Việt để đặt tên cho vùng đất của mình. Những từ hay được dùng nhất ở khu vực Nam Trung Bộ là An, Phúc, Lợi, Lộc, Xuân, Đại, Cát… Điều này người ta gọi là định danh theo phép ấn định, tức là đặt tên cho một vùng đất theo ước vọng, mong muốn của mình. Vấn đề này thường là do cơ quan có chức năng ấn định.

Nhưng cũng có những vùng đặt tên theo tiếng Nôm – ngôn ngữ thuần Việt như: Lim, Ó, Á, Nành, Mía, Gióng, Trèm, Chèm, Sét… Hoặc theo ngôn ngữ dân tộc mình như: Mã Pí Lèng, Nậm Pồ, Chư Prông, Krông Ana… Cái này người ta gọi là định danh theo phép mô tả. Tức là đặt tên theo đặc điểm nổi bật của vùng đất này.

Ví dụ, Krông Ana trong tiếng Ê Đê có nghĩa là sông cái, cũng có thể hiểu đó là sông mẹ, sông con gái. Đồng hành cùng Krông Ana còn có Krông Nô, cũng được hiểu là sông đực hay là sông cha, sông con trai.

Trong lịch sử có rất nhiều lần đổi tên thôn, xóm, làng, xã, huyện, tỉnh. Tuy nhiên, chưa có giai đoạn lịch sử nào tháo dỡ hết toàn bộ đơn vị hành chính để sắp xếp lại địa giới và đặt lại tên địa danh hành chính. Trong địa danh học rất đề cao tính kế thừa.

Đặt tên xã, phường theo tên huyện cũ có gắn số thứ tự: "Đừng làm mất đi những nhận diện về văn hóa!" - Ảnh 2.

Cổng chào huyện Krông Ana ở Đắk Lắk. Ảnh: Nguyễn Ngọc Bảo

Tính kế thừa thể hiện ở chỗ, địa danh ngay ở vị trí địa lý đó người ta đã quen rồi thì nên gắn với cái tên đó. Chẳng hạn, nói đến Đà Nẵng là người ta hình dung ngay ở vị trí đó, nếu đổi tên Đà Nẵng thành một cái tên lạ thì người ta sẽ không nhớ Đà Nẵng nằm ở chỗ nào. Ở đây, địa danh chính là vị trí địa lý và dấu hiệu nhận diện vùng đất đó để người khác dễ nhận diện.

Trong đặt tên đơn vị hành chính, rất cần phải có tính kế thừa. Vì cái tên gắn với bao nhiêu thứ từ lịch sử, truyền thống, văn hóa, tâm tư, tình cảm, kỷ niệm… để không xóa đi hết những điều thân thuộc đã gắn với con người ở vùng đất đó.

Vậy ông nghĩ sao về ý tưởng đặt tên đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính theo tên huyện cũ gắn với số thứ tự? Ví dụ như: xã Mèo Vạc 1, Mèo Vạc 2, Mèo Vạc 3 hay Cư M'ga 1, Cư M'ga 2, Cư M'ga 3...?

- Tôi nghĩ, đặt tên đơn vị hành chính phải hết sức linh hoạt và thận trọng, nhất là cấp xã, phường. Vì có những tên huyện có từ thời xa xưa, lịch sử tồn tại hàng nghìn năm, gắn với bao thế hệ ở vùng đất đó nhưng cũng có những tên huyện mới ra đời sau này.

Với những cái tên mới ra đời sau này có thể thay đổi cũng được nhưng cái tên đã tồn tại từ lâu thì phải nghiên cứu rất kỹ. Chẳng hạn, tôi lấy ví dụ như huyện Núi Thành ở tỉnh Quảng Nam là có tên sau năm 1975 thì cũng không nhất thiết phải cố giữ bằng được mà có thể thay đổi. Nhưng có những huyện ra đời từ thời nhà Lê như huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi thì nên cố gắng giữ lại. Vì cái tên không chỉ là địa danh hành chính mà còn để nhận diện về vùng đất và con người ở mỗi nơi.

Với những cái tên tồn tại chưa lâu đời thì chúng ta có thể chọn một cái tên khác nhưng tên lâu đời thì nên bảo tồn để cho nó có tính kế thừa và nhận diện dễ dàng hơn.

Khi hoạch định đơn vị hành chính, cần phải tính đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, đặc thù phát triển trong việc đặt tên. Không nên xóa sổ một cái tên chỉ vì để thuận tiện trong việc lưu trữ dữ liệu. Vì như thế là xóa sạch những dấu hiệu để nhận diện thông qua tên gọi. Có thể, trong sách vở vẫn còn ghi về địa danh đó nhưng trong đời sống hàng ngày sẽ không còn được nhắc đến về sau nữa.

Theo ông, việc đánh số thứ tự trong tên xã, phường sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính có khiến cho tên xã, phường bị mất đi yếu tố văn hóa trong mỗi cái tên?

- Thực ra, việc ghi thêm số thứ tự trong tên xã, phường sau khi hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ thuận lợi cho việc số hóa, cập nhật dữ liệu. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ làm mất đi bản sắc của mỗi xã, phường và mất đi tính mềm mại trong tên gọi.

Chẳng hạn, bây giờ chúng ta đi đến một tỉnh có 20 đơn vị hành chính cấp xã, mà 20 đơn vị hành chính đó chỉ có khoảng 10 xã có 10 cái tên nhang nhác nhau. Ví dụ, xã A1, xã A2, xã A3, xã B1, xã B2, xã B3… chúng ta thấy có một cái gì đó rất xa lạ, rất công nghiệp. Muốn nhận diện xã A1 khác với xã B1 như thế nào, chúng ta lại phải cất công tìm hiểu. Và đó chính là việc mất đi tính nhận diện, mất đi tính định vị địa lý và mất đi bản sắc văn hóa trong các tên gọi nếu đặt theo cách đó.

Chúng ta hoàn toàn có thể đặt tên đơn vị hành chính cấp xã, phường theo đặc thù văn hóa, theo điểm nổi bật nhất của vùng đất đó, khu vực đó. Thay vì gắn số thứ tự, chúng ta có thể đặt theo hướng, theo vị trí địa lý. Ngày xưa các cụ đặt Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Nam Trung hay Bình Đông, Bình Đoài, Bình Nam, Bình Trung, Bình Bắc… nghe rất thân thương mà cũng rất thuần Việt.

Chúng ta cũng không nên máy móc trong việc đặt tên xã, phường theo huyện cũ. Vì thực tế, có nhiều địa phương được đặt tên theo ngôn ngữ Hán Việt, những có những địa phương đặt tên theo ngôn ngữ của cộng đồng dân tộc sinh sống ở đó.

Rõ nhất là ở các tỉnh thuộc địa bàn vùng Tây Nguyên và Tây Bắc như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng… Trong khi những vùng đất này bây giờ không chỉ có người dân tộc sinh sống mà có cả những người Kinh, các dân tộc thiểu số khác đến định cư. Nếu vẫn đặt tên cứng nhắc theo huyện cũ thì sẽ tạo ra một sự chênh lệch về văn hóa.

Ông có đề xuất hay kiến giải gì cho việc đặt tên đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại?

- Có 3 yếu tố mà tôi muốn nhấn mạnh, đó là tên đất, tên làng, tên xã gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa và vị trí địa lý của mỗi vùng đất nên khi đặt tên cần nên có sự linh hoạt, có tính kế thừa và có sự đồng thuận. Đồng thuận ở đây là đồng thuận giữa lãnh đạo chính quyền với người dân. Lãnh đạo thì hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác cũng trở thành dân, dân thì sẽ sống với tên đất, tên làng, tên phường, tên xã.

Nên nghiên cứu thật kỹ, đưa ra nhiều phương án và tham vấn ý kiến chuyên môn của các chuyên gia (địa danh học, lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa) để chọn cái tên đẹp nhất.

Ngoài ra, cũng cần có phương án sao cho thật tối ưu để tên gọi các đơn vị hành chính cần tạo thuận lợi cho việc cập nhật dữ liệu lên ngân hàng dữ liệu quốc gia.

Cảm ơn nhà nghiên cứu Cao Văn Chư đã chia sẻ thông tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem