Nhà thiết kế Cao Minh Tiến: Người Việt có động thái nào để bảo vệ áo dài?

Hà Thúy Phương Thứ bảy, ngày 23/11/2019 14:55 PM (GMT+7)
Nhà thiết kế Cao Minh Tiến bức xúc trước việc nhà thiết kế Trung Quốc "chiếm đoạt" áo dài Việt Nam và mong mọi người có động thái mạnh mẽ để bảo vệ áo dài.
Bình luận 0

Nhà thiết kế (NTK) Cao Minh Tiến chia sẻ, anh được biết đây là show trình diễn thời trang của một công ty sản xuất vải của Trung Quốc, trong đó họ nói rằng vải của họ đã đồng hành cùng nhiều trang phục của các nước Đông Nam Á. Họ có đưa ra hình ảnh những bộ áo dài kết hợp với nón lá, giống trang phục áo dài của Việt Nam, nhưng lại không nhắc tên Việt Nam mà nói rằng đó là trang phục hiện đại lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống Trung Quốc thời Mãn Thanh.

img

Thiết kế gây tranh cãi trong show thời trang của Trung Quốc 

Áo dài cho đến giờ vẫn được thế giới công nhận là của Việt Nam. Mặc dù trong thực tế, trang phục của các nước khác nhau vẫn có nhiều nét tương đồng, giống nhau. NTK Cao Minh Tiến chia sẻ: Nếu nhìn vào áo dài và hỏi 10 người thì 9 người đều trả lời đây là cổ Tàu. Tất nhiên mình là người Việt Nam, mình trân trọng áo dài, mình thiết kế áo dài, nhưng tất cả những bộ trang phục mình thiết kế đều có cách tân, sáng tạo. Kết cấu áo dài và xường xám khá giống nhau. Nói về kết cấu thì chỉ có từng đấy thứ, tà, vạt, xẻ nên nói về kết cấu thì khó để chứng minh được cái gì là của ai. Trang phục truyền thống của Thái Lan là vải quấn, có quần có thể giống Campuchia nhưng Campuchia lại có áo khoác khác hoàn toàn với Thái Lan. Nhật Bản thì Kimono có phần cổ giống Hanbook nhưng tỉ lệ dài ngắn khác nhau và phần dưới của mỗi trang phục khác hẳn.

Theo như NTK Cao Minh Tiến, "đây là câu chuyện lớn, tế nhị..., nhưng theo như truyền thống của người Việt, tôi cho rằng tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Anh cho rằng nhiều nhà thiết kế hay nghệ sỹ Việt Nam hiện tại coi áo dài là quốc phục nhưng lại chưa đề cao trang phục dân tộc trong các cuộc thi hay mỗi khi có sự kiện ở nước ngoài. Theo quan sát của Cao Minh Tiến, ngay cả trên thảm đỏ, nhiều người không lấy áo dài là sự lựa chọn hàng đầu hay góp sức truyền bá, bảo vệ áo dài trước thế giới.

img

NTK Cao Minh Tiến: "Các nghệ sĩ không lấy áo dài là lựa chọn đầu tiên mỗi khi đi ra các sự kiện quốc tế"

Dưới góc độ là người từng thiết kế nhiều bộ sưu tập áo dài, Cao Minh Tiến cho biết các NTK Việt Nam khi thiết kế lên một sản phẩm áo dài hầu hết sử dụng nguồn nguyên vật liệu nhập ngoại, hoặc từ Trung Quốc, không có gì gọi là mang tính truyền thống hay giữ bản sắc của Việt Nam về mặt chất liệu. Việt Nam cũng có những nguyên liệu vải tốt, cao cấp như lụa Bảo Hà, Bảo Lộc, Nha Xá, Hà Đông… nhưng bây giờ không được chuộng lắm. Có thể do người tiêu dùng, có thể do nguồn nguyên liệu khan hiếm nên ít người sản xuất. Chính vì thế, nếu một món ăn dân tộc mà tất cả các nguyên liệu đều nhập khẩu thì không còn hương vị truyền thống.

NTK Cao Minh Tiến đưa ra ví dụ trang phục Kimono của Nhật Bản có dòng vải riêng đáng quý và người thiết kế rất cẩn trọng khi sử dụng chất liệu. Mỗi khi có những sự kiện đặc biệt, người Nhật đều sử dụng quốc phục truyền thống Kimono. Tại Hàn Quốc, gần như tất cả người đi du lịch đến đất nước này đều chụp ảnh với trang phục Hanbook. Họ có khu vực riêng dành cho chụp hình làm mọi người thấy thích thú và trân trọng. Còn ở Việt Nam chưa có nhiều động thái, kể cả là dịch vụ để đề cao sản phẩm áo dài ngay cả trong các show trình diễn, cuộc thi, nhiều người đi ra nước ngoài dự event cũng không lấy sự lựa chọn đầu tiên là áo dài.

img

NTK Cao Minh Tiến

NTK Cao Minh Tiến cho rằng sự việc này xảy ra cũng là một bài học cho bản thân chúng ta. Có cảm giác khi mọi người cứ nghĩ áo dài đã là của mình, đến khi xảy ra chuyện thì mới tạo ra dư luận như vậy.

Rất nhiều năm gần đây, trang phục dân tộc của các người đẹp dự thi các cuộc thi sắc đẹp thế giới không còn là áo dài, hầu hết là những bộ trang phục lấy cảm hứng từ Lạc Long Quân, Âu Cơ, rất gợi cảm hoặc rất nhiều chi tiết, nặng nề... Có thể trang phục áo dài dân tộc không hiệu quả cho các người đẹp dự thi trên sâu khấu, nhưng nhiều người cũng không mặc áo dài đi chụp sự kiện hay họp báo. Diễn viên cũng vậy, không nhiều diễn viên mặc áo dài đi lên thảm đỏ quốc tế để nói là tôi là người Việt Nam và tôi mặc bộ trang phục dân tộc của nước tôi.

img

Một thiết kế áo dài trong show thời trang của Trung Quốc.

Theo NTK Cao Minh Tiến, đây là bài học cho cả quá trình sau này, từ Bộ VHTTDL cho đến việc kiểm duyệt tất cả các bộ trang phục dân tộc, quốc phục đi ra quốc tế dự thi, chứ không phải như bây giờ mọi người đang mang những thứ hiện đại đi thi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem