Nhà thơ Bút Tre - cuộc đời dung dị và chuyện giải nỗi “oan thơ”

Chủ nhật, ngày 06/09/2015 09:01 AM (GMT+7)
Là một nhà thơ có lối phóng bút tự do, chân chất và “mộc” ngay như bút danh của ông - “Bút Tre”, thế nhưng từng có một thời chính cái giản dị mộc mạc trong thơ Bút Tre ấy bị xem là sự non nớt, tùy tiện trong nghệ thuật, phải kiểm điểm… và cuộc đời ông cũng mộc mạc, đầy sóng gió như chính những vần thơ của ông vậy. Đến mãi sau này, người ta mới thấy hết được cái hay, cái ý nghĩa trong thơ Bút Tre.
Bình luận 0

Chuyện giải nỗi “oan thơ” hàng thập kỷ

Về thăm gia đình cố nhà thơ Bút Tre vào những ngày đầu tháng 9, chúng tôi rất đỗi ngỡ ngàng trước cảnh vật quê nghèo của nhà thơ quá cố. Căn nhà cấp 4 nằm im lìm khuất lấp sau vườn na đương độ ra hoa. Phía trước sân vườn, ngôi mộ của nhà thơ Bút Tre nằm lặng lẽ.

img

Chân dung nhà thơ Bút Tre. 

Nhà thơ Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (SN 1911 - 1987, quê ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), nguyên Trưởng ty Văn hoá Phú Thọ, là người khởi xướng cho phong trào thơ vè, tức là dòng văn thơ có phong cách gần gũi với lời ăn, tiếng nói hàng ngày của người dân thôn quê, vừa mộc mạc, vừa chân chất lại rất đỗi gần gũi, giản dị. Thơ ông có lối gieo vần rất riêng, thường mang lại nụ cười sảng khoái cho người dân lao động sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. Cũng chính vì phong cách thơ đặc biệt của mình mà có thời Bút Tre đã phải chịu nhiều oan khuất.

Gặp người con dâu của cố nhà thơ - bà Vi Thị Lương - trong căn nhà cũ của gia đình được xây từ những năm 1978, bên chén trà nóng thơm nồng, bà vui vẻ kể cho chúng tôi nghe về những kỉ niệm thời bố chồng còn sống: “Ông cụ yêu thơ đến lạ lùng, ông có thể lấy được cảm hứng thơ ngay từ những điều dung dị nhất, không ai ngờ tới, ví dụ như trồng cây, hoặc đơn giản chỉ là con đường làng, tiếng còi xe, con đò: “Con đò dịch đít sang ngang/ Bên kia có một cái làng thò ra”. Cũng chính vì dành quá nhiều tình yêu mến cho thơ ca, với lối viết thơ, gieo vần đầy ngẫu hứng và bất ngờ mà nhà thơ Bút Tre không ít lần bị mắc oan chỉ vì những bài thơ do mình sáng tác.

Theo bà Vi Thị Lương, nói về thơ Bút Tre, ông Vũ Kim Biên - là bạn thân của nhà thơ và cũng là người nghiên cứu văn hóa dân gian - tường tận rất rõ. Ông Vũ Kim Biên từng kể về những nỗi oan khuất của nhà thơ Bút Tre rằng: “Bút Tre không bao giờ viết về những điều nhảm nhí và cũng không chủ định làm thơ gây cười. Tuy nhiên, ông vốn tính dễ dãi, đôi khi sa vào tự nhiên chủ nghĩa, viết nhanh, viết một lèo không cần sửa nháp nên thường mắc rất nhiều lỗi như ngôn ngữ đơn giản, thô mộc, kém tinh tế, còn nhiều lỗi chính tả, thấy vần là ghép làm cho ý thơ chạy lung tung, chuyện nọ xọ chuyện kia, chính vì thế, mặc dù không chủ định làm thơ gây cười, nhưng một số câu thơ của ông khiến độc giả khi đọc lên vẫn không nhịn được cười”. Chẳng thế mà ngay khi in 3 tập thơ “Quê hương Phú Thọ”, “Phú Thọ lớn lên” và “Rừng cọ đồi chè”, Bút Tre bị phản đối kịch liệt từ Trung ương đến địa phương, yêu cầu phải rút kinh nghiệm từ công tác xuất bản đến nội dung nghệ thuật.

Sau khi bị chê trách là thơ Bút Tre có sự non nớt, tùy tiện về nghệ thuật, ông Đăng không bao giờ cho in thơ nữa nhưng vẫn sáng tác cho mình hoặc cho bạn bè, những người hiểu, thấy hay thì đọc.

Phải hàng thập kỷ sau này, người ta mới thấy được cái hay, cái đẹp của nhà thơ Bút Tre. Nhiều người đã đi tìm, sưu tập thơ của ông để in thành tập thơ Bút Tre. Người có công đầu trong việc giản nỗi “oan thơ” ấy phải kể đến nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn. Bà Lương nhớ lại: “Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn nghiên cứu giải thích, mình phải thấy cái hoàn cảnh lúc bấy giờ, cái dòng văn học bác học thiếu tiếng cười nhưng cái nhu cầu về tiếng cười, với dân chúng thì lúc nào cũng cần. Tiếng cười dân gian có chức năng đả phá, hoặc cũng có đôi chỗ tục tằn. Như vậy thì không thể lưu hành trong xã hội lúc bấy giờ… Thơ Bút Tre đã đóng góp cho xã hội tiếng cười đang thiếu….”.

Vị trưởng ty dung dị một thời

img

Bà Lương trò chuyện với PV.

Bà Lương nhắc tới những kỉ niệm với bố chồng: “Chắc chắn tôi và các con, các cháu sau này sẽ không bao giờ có thể quên được. Ông (nhà thơ Bút Tre) đã dạy cho con cháu rất nhiều bài học làm người, ông dung dị mà thoải mái, ngay cả trong những bữa ăn, giấc ngủ. Ông thường nấu món sắn lên ăn, rồi gọi là súp, ông cứ bảo, “Tây người ta thường gọi cái món này là súp, tôi đang ăn súp đấy”. Trông ông ăn ngon miệng lắm, đến cả việc nhổ nấm ngoài vườn về nấu, ông cũng ăn rất ngon”.

Nhớ lại cái thời đói khổ của những năm đất nước còn bao cấp, bà kể: “Ít thấy vị trưởng ty nào dân dã, gần gũi như ông cụ. Ông làm việc và sống rất thanh bạch. Mỗi tháng, gia đình được trợ cấp 13 cân gạo, nói là gạo nhưng thực chất là nửa sắn, nửa gạo, nhưng sắn thì bị mốc vì bảo quản trong kho, chỉ có thể làm thức ăn cho lợn. Thêm vào đó, mỗi tháng được hơn một cân thịt, nhưng ông hào phóng và thoải mái lắm, chia thịt làm ba phần, cho gia đình các con mỗi người một phần…”.

Về hưu, tài sản duy nhất của vị trưởng ty văn hoá Phú Thọ là những cuốn sách tiếng Anh, tiếng Pháp. Căn nhà đơn sơ, lợp lá cọ có lần bị tốc mái trong trận mưa. Sau, ông Đăng được xét duyệt cho vay vốn làm nhà, nhưng cũng chỉ đủ để làm nhà tạm với xoan và tre lợp ngói cho chắc chắn để ở. Cũng vì căn nhà đó mà mãi sau này, gia đình mới trả hết nợ.

Nói về cuộc sống của nhà thơ Bút Tre, ông Hoàng Văn Hữu - một giáo viên nghỉ hưu, là hàng xóm của gia đình nhà thơ - cho biết: “Ông ấy sống thoải mái và vô tư lắm, từ ăn mặc đến cách sống, thói quen, cái gì cũng bình dị như những người dân bình thường khác. Mặc dù là trưởng ty về hưu nhưng gia đình chẳng có của nải gì cả, thậm chí đến bộ ấm chén cũng không có. Tài sản lớn nhất trong nhà và ông trân trọng nhất có lẽ là cái đài cassette - cái mà ông bán đi được hơn 400.000 đồng, rồi lấy tiền đấy góp vào làm được cái nhà ngói ba gian”.

Mặc dù gặp nhiều sự phản đối về phong cách thơ của mình nhưng nhà thơ Bút Tre lại chính là người đi tiên phong, khởi xướng cho một trường phái thơ có vần điệu, như những câu hát đối, khoáng đạt, bình dị mà gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày. Cho đến ngày nay, nhắc đến thơ Bút Tre, người ta hiểu ngay rằng đó là một thể loại thơ dân gian, người sáng tác không còn là một tác giả cụ thể mà rất nhiều người sáng tác rồi truyền khẩu mà Đặng Văn Đăng (nhà thơ Bút Tre) là người đi tiên phong trong trường phái này. Nhiều bài thơ theo trường phái thơ Bút Tre vẫn còn được lưu giữ cho đến tận ngày nay như: “Anh đi công tác Pơ - lây -/cu dài dằng dặc biết ngày nào ra?/Còn em em vẫn ở nhà/Cửa (nhà) mình em mở người ra kẻ vào”.

Cho đến nay, những bài thơ, tập thơ của cố nhà thơ Bút Tre không còn được lưu giữ tại gia mà được rất nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu sưu tầm, cất giữ. Gia đình cố nhà thơ Bút Tre cũng luôn tự hào về điều này. “Trước lúc ra đi, ông thanh thản lắm, ông luôn nói với con cháu rằng, ông sống không để lại được gì cho con cháu ngoài cái tiếng của một nhà thơ. Ông luôn dặn con cháu phải biết sống trung thực, thẳng thắn, không được ki bo nhưng nhất định phải cần kiệm, đói cho sạch, rách cho thơm”, bà Lương bồi hồi nói.

Kết thúc buổi trò chuyện, bà Lương lại đi ra đầu vườn, quét những mảnh lá vàng rơi đầy trên mộ của người cha, người ông đáng kính. Mặc dù từ giã cõi đời đã lâu, nhưng hình ảnh và tấm gương của nhà thơ Bút Tre - một con người dung dị, thuần hậu mà chất phác - luôn ngời sáng. Cho đến nay, độc giả mới thấu hiểu rằng, thơ ca Bút Tre gây cười, đàm tiếu, nhưng thật tâm như chính cuộc đời cách mạng của ông. Đó là những tình cảm nồng hậu và chân thành từ một con người luôn hết lòng với đất nước, với cuộc đời.

Nguyễn Khang (Báo Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem