Nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi viết bằng cái tình, cái hồn của dân"
Nhà thơ Nguyễn Duy: "Tôi viết bằng cái tình, cái hồn của dân"
Minh Thi
Chủ nhật, ngày 26/12/2021 14:22 PM (GMT+7)
Dù làm thơ thế sự, cách tân hay thơ lục bát, Nguyễn Duy luôn hướng về quê nhà với một nỗi đau thầm lặng. Thơ ông ngang tàng, kiêu bạt đến đâu rồi vẫn về lại tâm thức Việt và cái nhìn tiệm cận với tình yêu tổ quốc.
Sáng 26/12, nhà thơ Nguyễn Duy khép lại buổi trò chuyện cuối năm của Cà phê thứ Bảy trẻ bằng suy nghĩ về thơ và thời cuộc của ông. Người đọc vẫn ghi dấu trong đầu bài thơ "Thời mắc dịch" mà ông mới viết trong năm nay: "Hồn vía quay quay cuồng cuồng/đột quị con đường chen chúc sống/chen chúc chợ đời chen chúc hồi hương/chen chúc tiêm phòng chen chúc nhà thương/chen chúc thở/chen chúc lò thiêu xác"...
Lục bát – dòng thơ yêu thích của các thi nhân
Chia sẻ về thơ lục bát – một trong những thế mạnh và có nhiều phá cách của nhà thơ, Nguyễn Duy cho biết: ông theo đuổi thể loại này từ khi mới vào nghề, nổi lên với "Tre Việt Nam" và đến nay vẫn tiếp mạch.
"Nói về thơ lục bát, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được thơ lục bát Việt Nam ta từ đâu mà có. Từ lâu, tôi đã đọc những nhà thơ nôm cổ điển, thời Nguyễn Trãi chưa có thơ lục bát. Đến thời Nguyễn Du trở lại đây mới thấy các văn bản thơ lục bát. Có người nói Trung Quốc có thơ lục bát, nhưng không dẫn chứng. Cũng có người nói, thể loại này có ảnh hưởng thơ Chăm nhưng cũng không có dẫn chứng. Nên với tôi, thơ lục bát là của người Việt Nam", nhà thơ nhấn mạnh.
Cũng theo Nguyễn Duy, thơ lục bát được phát triển từ đầu thế kỷ 20 với "Sông Lấp" của Tú Xương. Những nhà thơ từ Tản Đà đến Xuân Diệu, Huy Cận và đặc biệt Nguyễn Bính đều làm lục bát rất hay.
Riêng Nguyễn Bính "đưa được hồn quê của người Việt vào thơ. Có những bài cứ ám ảnh, cứ như người nhà quê nói với nhau, mà lại rất hay".
Nguyễn Duy còn ấn tượng với thi pháp trong thơ lục bát của Bùi Giáng. "Bùi Giáng đã thổi vào lục bát truyền thống một cái hồn thi pháp mới. Ông dùng chữ, phần lớn là chơi chữ, nghĩa thì ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Bùi Giáng là 1 nhân vật lạ lùng, thơ của ông ám ảnh tôi từ những ngày đầu.
Tôi nhớ năm 1992, lúc đó tôi có làm số phụ bản cho báo Văn Nghệ – Diễn đàn văn nghệ. Chính tờ Diễn đàn văn nghệ là tờ báo chính thống đầu tiên in lại thơ lục bát của Bùi Giáng sau 1975. Một thứ thơ rất vu vơ mà gợi cho mình chút gì xa thẳm rất thơ. Có loại thơ có nghĩa, có loại chỉ có chữ, mà gợi cho mình gì đó. Thi pháp thơ lục bát của Bùi Giáng chính dùng chữ để gợi ra cái gì đó. "Dạ thưa phố Huế bây giờ/Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" (thơ Bùi Giáng). Những con chữ gợi lên trong tâm tư một điều gì đó xa thẳm".
Ở Văn đàn Sài Gòn, nhà thơ còn nhắc đến một người làm thơ lục bát cũng khá kỳ dị là Nguyễn Đức Sơn. Thơ ông gọi là cách tân thì không phải, mà thổi vào lục bát một hồn thơ mới.
"Thở phào rồi lại thở phèo
Thở lui thở tới trong veo cái đầu!
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không"...
Theo Nguyễn Duy, nếu thơ trong Nam nhiều cái mới, thì văn đàn phía Bắc vẫn tiếp mạch hơi thơ lục bát truyền thống khá bền bỉ. Phạm Công Trứ, Đồng Đức Bốn… là những ví dụ. "Lá bùa chẳng biết làm gì, ăn mày đút túi lại đi ăn mày" (Đồng Đức Bốn).
Thơ lục bát Nguyễn Duy và hơi thở đương đại
Vì đâu thơ lục bát Nguyễn Duy lại có một dấu ấn khó phai trong lịch sử thơ Việt như vậy?
-Mở đầu sự nghiệp bằng thơ lục bát, đến bây giờ tôi vẫn tiếp tục mạch thơ này. Có thể, một số đề tài trong lục bát liên quan đến dân và vua. Tôi xuất thân từ dân, dân ở quê tôi là dân nghèo Thanh Hóa, "ăn rau má phá đường tàu". Cái nghèo của dân đã ám vào tôi lúc còn nhỏ. Tôi viết bằng cái tình của dân, cái hồn của dân, cái lời của dân.
Tôi nhớ có vụ lũ ở quê tôi, dân đi ăn mày, ăn xin đầy đường và lúc đó đã viết bài "Dân ơi": Năm nay lại lụt trắng đồng/Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng/Làng ta lại lóp ngóp làng/Lòng ta lại ếch nhái hoang cả lòng/Bà con mất bữa nhiều không/Những ai bị gậy phiêu bồng chân mây..." với "Nén nhang bái tổ khấn thầm dân ơi".
Viết về vua tôi cũng viết bằng lục bát. Tôi nhớ bài tưởng niệm vua Duy Tân: "Mặt trời vẫn mọc đằng Đông/lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/bao triều vua phế đi rồi/người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…".
Thơ lục bát là thơ của người Việt Nam, mang tâm hồn, âm điệu, ngôn ngữ của người Việt Nam.
Ngoài việc tiếp thu thơ lục bát truyền thống, tôi cố gắng đưa vào cách nghĩ mới, vần điệu mới vào lục bát. Tôi rất thích những bài thơ ngăn ngắn, lục bát của ngày hôm nay, của những cái mới mẻ. Sau 1986, khi tôi ra Hà Nội, lúc đó kinh tế thị trường mới mở. Tôi ngồi ở các quán cơm bụi nghe người ta nói bằng ngôn ngữ xã hội rất mới.
"Giọt rơi hơi bị trong veo
mắt đi hơi bị vòng vèo lôi thôi
Chân mây hơi bị cuối trời
em hơi bị đẹp anh hơi bị nhàu"
Ra đời trong hoàn cảnh đó.
Hay "Cơm bụi ca" với:
"Cực kỳ gốc sấu bóng me
cực ngon cực nhẹ cực nhoè em ơi
đừng chê anh khoái bụi đời
bụi dân sinh ấy bụi người đấy em".
Ở Hà Nội thời đó, người ta đưa những từ sinh hoạt đời thường vào nghị trường và đưa những từ nghị trường nghiêm túc ra chợ. Tôi ra chợ Ngọc Hà, bà bán rau lúng búng. Bà bên cạnh nhắc: "Bà phải phát biểu đi cho ông ấy quyết chứ".
Đố em bán gió cho trời
Để anh đánh thuế mọi người buôn nhau
Đố em mua chịu nỗi đau
Để anh hóa giá bảy màu giấc mơ...
Xin nhà thơ nói rõ về những bài lục bát xa xứ của ông?
-Sau này tôi cũng theo mạch thơ thiền, thơ thiền hiện đại. Còn trong Lục bát xa xứ, tôi đưa những bài rất khác, những sự vật, con người chưa từng đi vào thơ, kể cả khi tôi đi hát xẩm cùng người gẩy đàn Mexico. Dù ở đâu thì tổ quốc vẫn ở trong lòng. Cùng với hơi thở lục bát mình mang theo là tâm tình hướng về nhà. "Mon men ngứa nỗi buồn vui không màu"...
Hiện nay, trên trang web Thi viện có hơn 250 bài thơ của tôi với hơn 100 bài lục bát. Trong đó, có một số bài đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ được sử dụng sớm nhất và lâu nhất là "Tre Việt Nam".
Thơ tôi đi vào đời sống công chúng khá phong phú. Hai tập tuyển thơ đáng chú ý là tập 99 bài Sáu và tám (1994) và Tuyển thơ lục bát (2017).
Ông nghĩ gì về việc giới trẻ hiện nay không thích thơ, thậm chí còn sợ phải học thơ trong trường?
-Hiện nay đúng là mối quan tâm đến văn hóa đọc bị hạn chế, quan tâm đến văn học và thơ lục bát nói riêng lại càng eo hẹp hơn. Trong khi đó, muốn tạo nên con người cân bằng cả phần hồn, phần xác, phần tình, phần mơ mộng thì không thể thiếu được văn hóa đọc, không thể thiếu mối quan tâm đến văn học.
Năm 2000, tôi được mời sang Hoa Kỳ giới thiệu tập thơ song ngữ "Distant Road" (Đường xa), được xuất bản tại Mỹ vào năm 1999. Tôi đi giới thiệu sách ở nhiều trường ĐH, trung học ở Mỹ. Lúc đó, nước Mỹ có chủ trương đưa văn học vào nhà trường, mời các nhà văn, thơ từ các nước trên thế giới và ở Mỹ đến giảng dạy để đưa không khí văn học đến với lớp trẻ.
Ngay nước Mỹ còn lo sự thiếu hụt văn chương trong nhà trường, thì ở nước mình cũng vậy, mà như vậy dễ mất cân bằng trong tâm tính. Bên cạnh việc bồi dưỡng tiếng Anh đi làm thuê thì thế hệ trẻ cũng phải bồi dưỡng tâm tính, làm chủ bản thân mình với một nền tảng văn hóa.
Văn hóa đọc và văn chương là nhu cầu cân bằng tâm tính, cân bằng năng lượng làm người của chúng ta.
Theo ông, thơ tự do làm sao cho hay?
-Mỗi một loại thơ có một thế mạnh của nó. Thơ tự do cũng phải có vần, có nhạc, đặc biệt là nhạc điệu. Thơ lục bát ngoài vần điệu còn có niêm luật chặt chẽ (luật bằng trắc), nên khó hơn. Thơ lục bát có vần dễ thuộc hơn nhưng hạn chế sự tung tẩy của người làm thơ. Thơ tự do phóng khoáng, phong phú hơn, giờ cũng chẳng cần vần nữa, có khi như văn xuôi, miễn có cấu tứ của thơ là được rồi.
Mỗi người có sở thích của mình. Mỗi loại thơ có cái hay và khó của nó. Thơ lục bát ai cũng có thể làm nhưng để có bài thơ hay cực kỳ khó.
Thơ gì cũng phải có ý và tứ thơ chứ không phải cứ tràng giang đại hải, cứ có vần là được. Xin các bạn nhớ cho điều đó.
Có thể nói gì về thơ thế sự của Nguyễn Duy? Xin ông nói rõ hơn về hoàn cảnh ra đời của bài thơ "Đánh thức tiềm lực"? Thơ thế sự có khiến ông lao đao trong việc ra mắt các tập thơ về sau?
-Thơ tôi rất hiếm trên thị trường, từng in 16 tập thơ cũ, nhưng thơ từ 1997 về trước không còn nữa. Đến 2010, tôi bị lận đận mãi mới ra được tuyển thơ, vì thơ thế sự đụng chạm nhiều thứ, kể cả vùng cấm. Tập tuyển thơ in 2 lần cũng không còn để bán. Xin tái bản cũng chưa được, giờ có những bài không được cho in nữa.
Tập song ngữ có gần đầy đủ các bài khó in: Đánh thức tiềm lực (80-82), Nhìn từ xa tổ quốc (88), Kim mộc thủy hỏa thổ (90-92).
Đánh thức tiềm lực là bài thơ thế sự dài đầu tiên tôi công bố, viết từ 1975. Cùng hệ lục bát, hệ thơ văn xuôi, thơ tự do, thơ thế sự từng có từ trước 1975.
Kim mộc thủy hỏa thổlà kiểu bài thơ ở nước ta chưa có ai viết như thế cả. Khi viết xong, tôi nghĩ mình nên dừng lại. Nó cũng là bài thơ mà bản thân khi tôi viết không nghĩ nó sẽ ra như vậy. Hình như ý thức về sáng tạo không theo kịp thực tế mà bài thơ được làm ra. Tôi viết bài thơ dài thế sự sau cùng của tôi là vào năm 1990. Gần đây có bài mới là "Thời mắc dịch" chưa in.
Bài thơ Kim mộc thủy hỏa thổ in tạp chí Cửa việt 1992, và đến 2007 mới được in lại trong Tuyển thơ Tinh hoa thơ Việt của NXB Hội Nhà Văn, năm 2010 mới được in trong tuyển thơ của tôi.
Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Duy.
Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhà thơ Nguyễn Duy hay tôi đều thuộc thế hệ lớn lên yêu văn học nhưng ngơ ngác, ngây thơ trước cuộc đời. Còn các bạn trẻ ngày nay thông minh lắm, giỏi kiếm tiền, kiếm danh và kiếm lợi. Anh Nguyễn Duy nổi tiếng về thơ, nhưng nếu trong thời thị trường thì chắc anh cũng chỉ biết làm thơ thôi, không thể thích nghi như các bạn trẻ được.
Cuộc khủng hoảng ngôn ngữ tiếng Việt rất buồn, rất đau xót. Chúng ta sẽ mất nhiều cái khác. Tiếng ta còn, nước ta còn, còn không thì nói "mất nước" theo nghĩa khác, đất nước ấy không còn như trong thơ Nguyễn Duy nữa. Các bạn trẻ ít đọc văn học, ca dao tục ngữ. Một thế hệ bây giờ không thích thơ, mà thích hát, không phải hát nhạc phổ thơ, mà là một thứ nhạc khác. Điều này đẩy những người như bọn tôi vào trong bóng tối.
Thế hệ chúng tôi ai cũng thích thơ. Chúng ta sống làm người, phô diễn ngôn ngữ tinh tế chứ không phải chỉ chăm chăm kiếm tiền. Thế hệ những nhà thơ như Nguyễn Duy có ngôn ngữ phong phú, từ thế hệ tinh hoa, đến tầng lớp trung lưu và cả chợ búa. Các nhà ngôn ngữ nên nghiên cứu thơ Nguyễn Duy để làm giàu thêm tiếng Việt, làm cho ngôn ngữ đời hơn, thật hơn, chứ không làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Cảm ơn anh Nguyễn Duy vì câu chuyện xúc động ngày hôm nay. Chúc anh Nguyễn Duy mạnh khỏe, vượt qua mùa dịch và có thêm năng lượng làm việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.