Nhà thơ Vi Thùy Linh: Tết Trung thu 2018 của tôi

Nhà thơ Vi Thùy Linh Chủ nhật, ngày 23/09/2018 07:15 AM (GMT+7)
Trung Thu năm nay rơi vào thứ Hai ngày 24.9, nhưng không khí hội rộn ràng đã từ giữa tuần trước, cao điểm vào ngày 23.9 (tức 14.8 nguyệt lịch). Hai buổi tối cuối tuần trước Trung Thu, tôi hối hả mà không kịp đưa các con dự hết các hoạt động hấp dẫn dành cho thiếu nhi.
Bình luận 0

Đó là những ngày mà nhà tôi có 4 đứa trẻ náo nức ùa ra phố: 2 con của tôi và chính vợ chồng chúng tôi!

Tết cổ truyền lớn thứ hai trong năm, sau Tết Nguyên đán, lại là hội tuổi thơ của mọi thế hệ. Trung Thu là ngày hội thơ nhất, rộn ràng nhất và bay bổng nhất. Được ngóng chờ nhất bởi nhi đồng, thiếu niên, Trung Thu là Tết của trẻ em phương Đông, theo truyền thống ngàn đời nay, không chỉ với nền văn minh lúa nước, mà ở nhiều nước châu Á, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản (Đông Á).

Tôi rất mong được thưởng trăng, một thú vui tao nhã từ ngàn xưa, vào kỳ trăng đẹp nhất. Được trở về thơ bé khi cùng hai con nhỏ ngắm trăng, cho trăng "đi theo" mình. Lại nhớ tới bài viết của GS Nguyễn Văn Huyên bằng tiếng Pháp trên Tạp chí Đông Dương năm 1942: "Cùng với phong tục trở nên tinh tế hơn, với sự phát triển của nền văn hóa cổ điển và sự tỏa sáng của ý thức hệ Nho giáo chính thống, các nghệ sĩ đã biến tết Trung thu thành một cái tết ngắm và thưởng trăng. Cả những con cá chép, soi mình trong ánh trăng dưới đáy nước hoàn toàn trong trẻo vào tiết Trung thu, đối với họ là biểu tượng sự thi đỗ.

Đêm đó, cá chép tìm cách nuốt trăng để đạt đến sự hoàn thiện, hòng có thể "vượt vũ môn" vào đầu Hè tới. Vì thế, ở tết Trung thu - tết của lớp tuổi trẻ học trò này, người ta bày lên bàn dành cho trẻ con tất cả các hình trạng nguyên, tiến sĩ... của khoa thi ngày xưa, hình bàn thờ gia tộc, các đình làng - nơi mà các vị tân khoa sẽ phải đến long trọng làm  lễ khi vinh quy về làng. Trung thu ở nước Việt Nam thành một ngày tết mang tính chất phức tạp thú vị, đến nỗi cũng như tất cả các lễ hội có đặc tính dân gian khác, nó làm cho ai cũng quan tâm và sung sướng, bất kể họ thuộc giai tầng nào hay lứa tuổi nào trong nước".

img

Bé Heo và bé Híp thực hành làm bánh trung thu tại Trường Mầm non Anh Quốc. Ảnh: Phạm Oanh

Tối 18.9, tôi đã mua hai con cá chép màu đỏ và vàng, có cán treo dây tay cầm, lắp pin vào, bật nút cá vừa quẫy và có thể chạy vòng vòng trên mặt sàn, vừa có tiếng hát trẻ con: "Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/Em rước đèn đi khắp phố phường...". Sáng 19.9, trường mầm non Anh Quốc nơi hai con tôi đang học tổ chức làm bánh dẻo bằng bột gạo nếp rang. Các con được quan sát, thực hành làm bánh và chiều tan học về, mỗi con có hai chiếc bánh nhỏ xinh (khuôn hình Doreamon, mèo) khoe bố mẹ.

Lần lượt ngày 20, 21.9, lớp của con gái và con trai tôi được làm đèn lồng bằng giấy. Với tôi, 2 chiếc đèn lồng đầu đời do con tôi làm, là chiếc đèn đẹp nhất. 17h30 chiều 22.9, con gái tôi lên sàn diễn lần đầu, làm "người mẫu" diễn thời trang trên sân khấu sảnh trước tòa nhà 50 tầng Discovery mới khánh thành gần nhà và trường, nơi các cháu thường xuyên đến chơi sau giờ học. Sau diễn là phá cỗ sớm. Đây là chương trình của trường các cháu tổ chức, còn chương trình Trung thu của tòa nhà thì diễn lúc 20h tối 22-23.9, thời điểm mà nhiều khu tập thể, phường, quận, tổ chức Hội rằm cho thiếu nhi.

Rất nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn danh cho các con tập trung ở trung tâm Hà Nội, quận Hoàn Kiếm. Nghệ sĩ xiếc Nguyễn Hoài Oanh- giám đốc Công ty Đông Đô chuyên tổ chức biểu diễn nghệ thuật, không khi nào thiếu những chương trình dành cho trẻ em có quà tặng và làm từ thiện. Chị thường làm sự kiện tại Cung Văn hóa Việt Xô, biểu diễn bên trong, còn ngoài sảnh là các bối cảnh, nhân vật mặc đồ thú bông để giao lưu, nô đùa, chụp ảnh cùng các cháu.

Trung thu năm nay Công ty Đông Đô có 2 suất diễn vào 2 ngày trước và đúng Rằm "Biệt đội siêu anh hùng phá cỗ cùng Xuân Bắc - Tự Long", có múa lân sư rồng, múa hát thiếu nhi, xiếc thú ảo thuật, đặc biệt là 2 nhân vật chính do cặp nghệ sĩ là bạn thân từ thời học trường ĐHSKĐA Hà Nội luôn sát cánh bên nhau với tâm huyết cống hiến cho trẻ em, nhất là các cháu nghèo: NSND Tự Long - NSƯT Xuân Bắc. Tôi không tiếc con những món quà chính đáng và luôn ý thức đưa con ra các không gian thiên nhiên tham dự các sự kiện nghệ thuật để các bé tiếp thu cái hay vẻ đẹp nhạy bén và tự tin trước đám đông. Đi chơi cùng con mệt, nhưng vui, vì được sống lại tuổi thơ của mình.

img

Niềm vui trung thu trong mắt trẻ thơ. Ảnh: Phạm Oanh.

Cô Tấm đã đi vào cổ tích nhớ thương như những xe đạp rong khắp phố ngõ Hà Nội lâu nay vắng thị. Tôi thường có quả thị đầu mùa khi đến thăm tư gia bên hồ Tây của nhà khoa học xuất sắc, kỹ sư hóa thực phẩm Nguyễn Thị Anh Nhân, "mẹ đẻ" bia Halida. Bà coi trọng thức quà tự nhiên, ăn uống thanh tao, lành sạch. Bác Anh Nhân vẫn chế biến dấm hồng quanh năm, muối hành hồng dịp Tết. Bác như bà tiên hiền hậu luôn sống vị tha, yêu thương, giúp đỡ những người khó khăn. Song nhà khoa học ấy không thể "phù phép giấc mơ hồng" cho những đứa trẻ ngày nay, kể cả cháu bà, biết nhớ quả thị và cô Tấm.

 Tết Trung Thu của tôi, 30 năm trước trở lại, là những chiếc bánh dẻo -  nướng thập cẩm hình vuông mà công đoàn cơ quan bố mẹ tặng, phần thưởng theo giấy khen của năm học trước. Chỉ có bánh nhân truyền thống. Trung Thu bây giờ, các kiosque bánh được mở bán trước hơn tháng, mẫu mã đẹp, đa dạng, nhân bánh phong phú: đậu đỏ, trà xanh, jăm bông... hàng chục thương hiệu: Kinh Đô, Hữu Nghị, Long Đình, Malays, Thu Hương, Madame Hương... rồi một số hãng bánh ngọt cũng làm bánh Trung Thu. Vậy mà tôi lại ngắm biển hiệu Hải Châu, Hải Hà, nhớ hồi bánh kẹo ít ỏi hiếm hoi thời bao cấp và sau bao cấp. Hồi ấy, mẹ thường mua cho chị em tôi những chiếc mặt nạ giấy bồi hình chú Tễu, thằng Bờm, có khi là các nhân vật của phim Tây Du ký, bộ phim truyền hình dài tập thực hiện từ năm 1986, năm nào VTV cũng phát lại mà trẻ con người lớn vẫn thích xem.

Bây giờ, chỉ còn duy nhất gia đình ông bà Hòa Lan trên phố Hàng Than còn giữ nghề làm mặt nạ giấy bồi hơn 50 năm nay, từ thời cha mẹ họ. Những trò chơi dân gian đã mất đi nhiều. Đồ chơi Trung Quốc tràn ngập, những sản phẩm hàng loạt và độc hại khiến những người ham lợi, ham lãi hào hứng hơn là gìn giữ những đồ chơi thủ công.

Hạt bưởi phơi khô, xâu dây thép đốt khi phá cỗ rước đèn, đánh trống, múa lân. Bây giờ trẻ em nông thôn cũng không phải nơi nào đều còn cánh đồng bãi cỏ để thả diều, ngắm trăng sao mơ mộng. Trẻ con thành phố thiếu sân chơi, các cậu bé thường phải đá bóng trong ngõ, đường đi, và chẳng thể có triển khai "bóng đá trong nhà" vì nhà chật hẹp.

Dù thế giới ngày nay ngập thiết bị thông minh, đâu thể chế tạo, nhân lên xúc cảm. Trung Thu sẽ không ra hồn, nếu thiếu tiếng trống, những đoàn múa lân, rước đèn rộn rã. Bởi thế, đón đêm Rằm đặc biệt nhất là trong năm, các khách sạn, siêu thị lớn nhất nước ta lại coi việc tổ chức Tết Trung Thu là sự kiện quan trọng. "Hành trình đoàn viên - Đêm trăng hạnh phúc" trên toàn hệ thống 60 Trung tâm Vincom từ 15-24.9 lần đầu tái hiện mối xứ sở hạnh phúc cùng nhiều hoạt động trong không gian cổ tích, với hệ thống đèn lồng rực rỡ.

Du khách quốc tế đến Việt Nam dịp Tết truyền thống này, họ đều trân trọng, hào hứng hòa mình vào sự kiện thú vị quý báu ấy.

Trung thu cho mọi người lớn được trở về tuổi thơ. Khi đưa các con đi mua đồ chơi, phá cỗ, hòa mình vào lễ hội rước đèn Trung Thu, những khát vọng của tôi thuở nào vẫn còn cháy sáng, lại bừng sáng trong mắt cười, miệng reo của các con.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem