Nhà tình báo Vitaly Pavlov – bậc thầy về công tác tổ chức
Nhà tình báo Vitaly Pavlov – bậc thầy về công tác tổ chức
Thứ ba, ngày 15/08/2023 14:33 PM (GMT+7)
Pavlov chứng tỏ là một nhà tổ chức tài năng, biết sử dụng các điệp viên gạo cội, đồng thời bản thân ông cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Chiến dịch “Bông Tuyết” nổi tiếng do ông trực tiếp lãnh đạo đã ngăn chặn được Nhật Bản tấn công Liên Xô.
Vitaly Pavlov sinh ngày 30/9/1914 tại thành phố Barnaul. Năm 1930, học xong lớp 7, ông vào làm việc tại nhà máy sửa chữa đầu máy xe lửa Barnaul và tiếp tục học bổ túc văn hóa. Năm 1933, ông vào học Trường Giao thông đường bộ Siberia ở thành phố Omsk. Sau khi tốt nghiệp, Vitaly Pavlov đến văn phòng Ban Giám hiệu nhận quyết định công tác. Và ông vô cùng ngạc nhiên khi biết mình được điều về Bộ Dân ủy Nội vụ ở Moscow.
Nên nhớ rằng vào thời điểm đó, Tổng cục Trại giam (GULAG) tham gia xây dựng nhiều công trình kinh tế quốc dân. Vì vậy, Bộ Dân ủy Nội vụ cần các kỹ sư nhiều ngành khác nhau. Pavlov hy vọng sẽ được phân công về một công trường xây dựng nào đó trong hệ thống GULAG, nhưng thực tế lại hoàn toàn bất ngờ. Ông, một sinh viên mới tốt nghiệp, được mời làm việc tại cơ quan tình báo đối ngoại của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô.
Pavlov đồng ý ngay lập tức và được giới thiệu về Trường Đặc nhiệm, nay là Học viện Tình báo đối ngoại. Trong thời gian học tại trường này, Pavlov đã bộc lộ năng khiếu ngoại ngữ. Ông học tiếng Anh rất giỏi. Có lẽ chính vì vậy mà sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về phòng tình báo đối ngoại. Từ một thực tập sinh, sau một thời gian ngắn, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng phòng 1 của Cục 5, Tổng cục An ninh Quốc gia (GUGB) thuộc Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô.
Việc bổ nhiệm này hoàn toàn bất ngờ đối với một sinh viên vừa mới tốt nghiệp Trường Đặc nhiệm. Nhưng điều ngạc nhiên nhất là chẳng bao lâu, Pavlov được mời tham gia điều tra hoạt động "phá hoại" của các nhân viên tình báo từng làm việc ở nước ngoài.
Ngoại giao nội bộ
Mong muốn loại bỏ các cán bộ cũ (thời Bộ trưởng Yezhov) trong Bộ Dân ủy Nội vụ, Lavrenty Beria đã đi quá đà. Tại nhiều nước, trong đó có Mỹ, Canada, Anh, Đức, các bộ phận tình báo đối ngoại của Liên Xô do các cán bộ cũ thành lập đã thực sự ngừng hoạt động. Luồng thông tin mật nhận được từ đó đã giảm mạnh. Nhân tiện xin nói, chính vì hầu hết cán bộ an ninh đã bị tống vào tù hoặc bị xử bắn nên xảy ra tình trạng thiếu nhân sự, và Beria kêu gọi các đảng viên cộng sản tham gia lực lượng an ninh, trong đó có Pavlov.
Nhưng các nhân viên an ninh mới hầu như thiếu kinh nghiệm làm việc, mà tình hình lúc bấy giờ hết sức đáng lo ngại. Bản thân Beria cũng sợ rằng trước thềm Thế chiến II, chính ông ta có thể trở thành "kẻ thù nhân dân", vì đã cố tình phá hoại các cơ quan tình báo, khiến Liên Xô đánh mất những thông tin cần thiết. Đó là lý do vì sao người đứng đầu Bộ Dân ủy Nội vụ khét tiếng đã đột ngột giảm mức độ thanh trừng của mình. Các điệp viên bị triệu hồi từ nước ngoài về không còn bị bỏ tù hoặc xử bắn, mà chỉ bị sa thải khỏi cơ quan an ninh hoặc hạ tầng công tác.
Trong hồi ký của mình, Pavlov viết rằng việc tham gia ủy ban điều tra hoạt động "phá hoại" của các điệp viên làm việc ở nước ngoài đã để lại cho ông ấn tượng xấu. Thành phần ủy ban gồm có Beria, Vsevolod Merkulov, đại diện của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng Công tố Liên Xô, và những người mới bổ sung như Pavlov. Các điệp viên huyền thoại của Bộ Dân ủy Nội vụ được mời đến và hỏi những câu như: "Anh được tình báo Mỹ (Đức, Nhật, Anh, Pháp, v.v.) tuyển mộ bao giờ?". Theo Pavlov, các điệp viên đã tỏ ra bình tĩnh và dũng cảm, đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc một cách khá chuyên nghiệp.
Sau đó, Pavlov được giao lãnh đạo các nhà tình báo gạo cội như Iskhak Akhmerov, Vasily Zarubin, Aleksandr Korotkov. Làm sao một sinh viên mới tốt nghiệp trường đặc nhiệm, chưa bao giờ ra nước ngoài, lại có thể lãnh đạo những người đã nổi tiếng cả trong công việc tuyển mộ, khai thác thông tin cực kỳ bí mật lẫn các chiến dịch đặc biệt? Vitaly Pavlov cho rằng cần phải học hỏi những chuyên gia đó. Nhưng đồng thời, bên ngoài phải làm ra vẻ bắt họ phục tùng.
Pavlov đã đi một bước mạo hiểm: ông mời các "lão làng" (ở đơn vị ông họ được gọi là "thực tập sinh") đến gặp và thành thật trình bày quan điểm của mình. "Các anh hiểu biết nhiều hơn tôi về hoạt động tình báo và tôi không có ý định lãnh đạo các anh. Nhưng để đơn vị hoạt động tốt, không thể thiếu sự cống hiến hết mình của mọi người. Và nếu chúng ta đạt được thành tích cao thì mọi thứ sẽ thay đổi" - ông nói.
Bị một "cậu nhóc" lãnh đạo, các "lão làng" quả thật cảm thấy bất bình. Nhưng họ thích sự thẳng thắn của Pavlov. Bởi, ông chủ mới của họ thực sự rất mạo hiểm: chỉ cần câu chuyện này đến tai một cộng sự thân cận nào đó của Beria, là anh ta có thể mất đầu như chơi. Thế là mọi người quyết định ủng hộ. Chính vì vậy mà Cục 5 của Tổng cục An ninh quốc gia, Bộ Dân ủy Nội vụ, hoạt động khá hiệu quả.
Những "lão làng" và "cậu nhóc"
Mùa hè năm 1940, đang giữ chức Cục phó Cục 5, Pavlov được mời đến họp với người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Pavel Fitin bàn về tình hình ở Viễn Đông. Sau các cuộc đụng độ quân sự tại Khalkhin Gol và gần hồ Khasan, giới lãnh đạo Liên Xô cuối cùng nhận ra rằng Nhật Bản là mối đe dọa nghiêm trọng đối với biên giới phía đông của Liên Xô và tình báo Liên Xô được giao nhiệm vụ mới: đảm bảo an ninh vùng biên giới phía đông Liên Xô.
Ngay trong cuộc họp đầu tiên, Pavlov đã kiên quyết yêu cầu đưa Iskhak Akhmerov và Vasily Zarubin, hai "thực tập sinh" của Cục 5, vào danh sách những người tham gia cuộc họp. Lý do của yêu cầu này là cả hai "thực tập sinh" đều đã làm việc ở Viễn Đông và Mỹ.
Pavel Fitin cũng là một cán bộ trẻ. Được nhận vào Bộ Dân ủy Nội vụ năm 1938, chỉ sau một năm rưỡi, ông được phụ trách Cục Đối ngoại của Bộ Dân ủy Nội vụ. Và ông cũng hiểu rằng mình còn thiếu kinh nghiệm làm việc. Đó là lý do tại sao ông đồng ý với đề xuất của Pavlov: Zarubin và Akhmerov được đưa vào danh sách những người tham gia các cuộc họp về Viễn Đông.
Sau khi đọc các báo cáo mới nhất từ Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ, Akhmerov và Zarubin đã rút ra kết luận thống nhất: trong trường hợp Đức tấn công Liên Xô, Nhật Bản có nhiều khả năng tham chiến. Nhưng làm thế nào tránh được điều đó? Akhmerov đưa ra giải pháp.
- Phải làm sao để Mỹ xung đột với Nhật - ông nói - Lúc bấy giờ, Nhật Bản sẽ không đủ sức tấn công Liên Xô, họ phải tập trung giải quyết vấn đề của mình.
- Vậy làm thế nào để đạt được điều đó? Fitin hỏi. - Theo tôi được biết, Quốc hội và Thượng viện Mỹ kịch liệt phản đối các hành động quân sự và ủng hộ sự trung lập.
Quả đúng như vậy. Mặc dù ngay từ năm 1933, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên lên án chủ nghĩa phát xít, ông cố gắng tránh đụng độ với trục Berlin-Rome. Ví dụ, trong cuộc xung đột Italo-Ethiopia (1935) và Nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939), các quốc gia chống phát xít không thể mua vũ khí của Mỹ, vì Roosevelt kiên quyết giữ thái độ trung lập.
Năm 1939, sau khi Đức bắt đầu giành chiến thắng ở châu Âu, Roosevelt thấy cần xem xét lại quan điểm trung lập của mình. Hơn nữa, sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự đã tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người thất nghiệp trong thời kỳ Đại suy thoái (khủng hoảng kinh tế ở Mỹ từ năm 1929 đến 1933). Mỹ bắt đầu bán vũ khí cho Vương quốc Anh, còn sau khi Đức tấn công Liên Xô, Mỹ đã mở một khoản vay không lãi suất trị giá một tỷ USD để mua vũ khí, thiết bị, thực phẩm và thuốc men cho Liên Xô. Nhưng hiện tại, Mỹ vẫn kiên quyết giữ thái độ trung lập. Và chính "thực tập sinh" Akhmerov, cấp dưới của Pavlov, đã tìm được giải pháp.
Chiến dịch quan trọng nhất
-Trong thời gian công tác ở Washington, chúng tôi đã ít nhiều làm dao động dư luận Mỹ, - Akhmerov nói. - Chính nhờ sáng kiến của chúng tôi, "Đài tưởng niệm Tanaka" đã được công khai.
Fitin không suy nghĩ lâu, ngay lập tức ông ra lệnh vạch ra những biện pháp cần thiết để lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến. Chiến dịch "Bông tuyết" bắt đầu và kết thúc vào tháng 12/1941 bằng cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng và Mỹ quyết định tham chiến. Người Nhật thực sự chuyển hướng sang Mỹ, không còn nghĩ đến việc tấn công Liên Xô nữa. Điều này giúp Liên Xô điều động một số sư đoàn từ Viễn Đông tham gia trận Moscow. Trong hồi ký của mình, Pavlov coi chiến dịch này là quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Việc nghiên cứu cẩn thận chiến dịch này cho phép tình báo Liên Xô ngay sau khi Đức tấn công Liên Xô cung cấp cho Điện Kremlin phương án bảo vệ biên giới phía đông của đất nước. Đích thân Vitaly Pavlov đến Mỹ dưới vỏ bọc khách du lịch để chuyển báo cáo phân tích do Moscow chuẩn bị cho thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Harry White. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông đã thành công rực rỡ. Năm 1942, Pavlov được cử làm phó phòng tình báo đối ngoại của Liên Xô tại Canada.
Năm 1945, Igor Guzenko, phụ trách bộ phận mật mã của Đại sứ quán Liên Xô tại Canada, đã chuyển cho cơ quan tình báo Canada hơn một trăm tài liệu mật của phòng tình báo đối ngoại Liên Xô. Hành động phản bội này đã khiến hàng chục nhân viên tình báo Liên Xô bị bắt và một số nhà ngoại giao Liên Xô bị coi là nhân vật không được hoan nghênh. Pavlov nằm trong số đó.
Sau khi bị trục xuất khỏi Canada, Vitaly Pavlov tiếp tục làm việc tại phòng đối ngoại thuộc Tổng cục I của KGB. Sau đó ông chuyển sang phụ trách Cục "C" thuộc Tổng cục I của KGB Liên Xô.
Từ năm 1971 đến 1973, Vitaly Pavlov là Hiệu trưởng Trường đại học Cờ Đỏ của KGB. Sau khi nghỉ hưu năm 1987, ông đã xuất bản một số cuốn sách về hoạt động của các điệp viên Liên Xô. Vitaly Pavlov qua đời năm 2005.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.