Nhà văn, họa sĩ tuổi Dần Trần Thị Trường: "Mê say điều gì, tôi phải làm bằng được"

Khánh Yến Thứ tư, ngày 02/02/2022 15:00 PM (GMT+7)
"Hồi bé tôi không ý thức rằng mình tuổi gì, nhưng mê say cái gì tôi luôn làm bằng được. Lớn lên, tôi nghe mọi người bảo nhau: "À nó tuổi Dần nên nó thế!", nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Nhà văn Trần Thị Trường sinh năm 1950, tuổi Canh Dần, cầm tinh con hổ. Bà được bạn đọc biết đến từ năm 1990 với tiểu thuyết đầu tay "Lời cuối cho em" do NXB Thanh Niên ấn hành. Cũng từ đó, nhà văn Trần Thị Trường chinh phục khán giả với nhiều tác phẩm hay viết về thân phận phụ nữ, đi vào nội tâm nhân vật. Văn của bà tế nhị, giàu sức gợi, thể hiện sự tinh tế và giàu trải nghiệm.

Ở tuổi 70, nữ nhà văn này lại tiếp tục chinh phục một đỉnh cao mới, đó chính là hội họa. Hơn 40 bức tranh được bán hết veo ngay tại triển lãm cá nhân đầu tiên, cùng nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao sau đó, bà cho thấy mình không chỉ coi lĩnh vực này là một cuộc dạo chơi.

Nhà văn, họa sĩ tuổi Dần Trần Thị Trường: "Mê say điều gì, tôi phải làm bằng được" - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Thị Trường. (Ảnh: NVCC)

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thị Trường về những cảm xúc đầu năm mới Nhâm Dần 2022 cũng như niềm đam mê bà dành cho nghệ thuật:

Vậy là năm Nhâm Dần đã tới, đánh dấu nhà văn bước sang tuổi 72. Cảm xúc của bà trong những khoảnh khắc đầu tiên của năm tuổi có gì đặc biệt?

- Tôi vẫn sống hết cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn, sự nỗ lực của mình, dù là năm tuổi hay không tuổi. Nói cách khác, tuổi tác không phải điều mà tôi lo lắng, có chăng chỉ là sự háo hức khi chuyển giao sang một năm mới, tự hỏi mình có làm được những điều tốt đẹp như mình mong muốn hay không. 

Cái háo hức của người ở tuổi 70 đương nhiên rất khác thời tuổi trẻ. Háo hức của lớp trẻ là háo hức những thứ mình chưa biết, còn háo hức của tuổi già là tự hỏi mình sẽ làm được những gì hay ho cho những năm tháng còn lại của mình.

"Bước qua ngọn núi này, tôi lại muốn trèo lên một ngọn núi khác. Tuy đã ở tuổi 72 nhưng tôi vẫn thấy mình sung sức và có thể leo được tiếp. Đó có lẽ cũng chính là cá tính của tôi, một phụ nữ tuổi Dần. Tôi vẫn còn cảm xúc thì tại sao tôi phải dừng lại?"

- Nhà văn Trần Thị Trường -

Người ta nói phụ nữ tuổi Dần mạnh mẽ quyết liệt nhưng vất vả, đa đoan. Nhìn lại chặng đường đã qua, bà thấy điều này có đúng?

Người ta vẫn hay nói:"Tính cách làm nên số phận". Những người phụ nữ tuổi Dần mà tôi đã gặp đa phần đều mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước đi táo bạo để đạt tới thành công. Những quyết định ấy có thể khiến những người xung quanh khó chấp nhận và đồng cảm, tạo nên sự cô đơn trong tinh thần của người tuổi Dần dù sống chung, hoặc dẫn tới gia đình đổ vỡ. Đối tác của họ có lẽ không tự tin, hoặc không cảm thấy mình được chia sẻ. 

Hồi bé, tôi không ý thức rằng mình tuổi gì, nhưng khi mê say thứ gì, nhất định tôi phải làm bằng được. Lớn lên, tôi nghe mọi người bảo nhau: "À nó tuổi Dần nên nó thế". 

Đang học dở Đại học Mỹ thuật, tôi thấy bế tắc nên quyết định đi nước ngoài lao động. Lúc thấy tạm ổn định, tôi nhận ra mình không có quá nhiều nhu cầu về vật chất nên trở về Việt Nam viết văn, làm báo. Thời gian đó, tôi phụ trách mảng văn hóa nghệ thuật, từng làm các show ca nhạc cho cố nghệ sĩ Ngọc Tân. Sau khi anh Ngọc Tân mất, tôi lại làm việc với anh Phó Đức Phương về bản quyền âm nhạc.

Lúc nghỉ hẳn ở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi lại quyết định dành thời gian cho hội họa. Tôi làm gì cũng chuyên nghiệp, quyết liệt, chứ không coi đó chỉ là cuộc dạo chơi ngắn ngủi.

Nhà văn, họa sĩ tuổi Dần Trần Thị Trường: "Mê say điều gì, tôi phải làm bằng được" - Ảnh 3.

Bức tranh về hổ do nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường vẽ. (Ảnh: NVCC)

Sự chuyên nghiệp ở đây cụ thể như thế nào, thưa bà?

- Dấn thân vào bất kỳ lĩnh vực nào, tôi cũng tìm hiểu kỹ càng, tìm thầy giỏi học cho tới nơi tới chốn. Thời gian làm báo, tôi tìm hiểu rất sâu, rất kỹ về âm nhạc, chính vì vậy nên thường được các nghệ sĩ tin tưởng, gửi gắm. Với hội họa, tôi vẽ đến khi nào tác phẩm của mình ưng ý mới thôi. Nhiều người mà tôi không tiện nói tên ở đây, họ chỉ vẽ amateur, đẹp hay không đẹp không thành vấn đề, đơn giản là thỏa mãn cảm xúc nội tại. Tôi thì không chấp nhận điều đó. Tác phẩm của tôi phải có giá trị, phải được người trong nghề công nhận như một người vẽ chuyên nghiệp. 

Sau 8 tháng cầm cọ, tôi đã có một cuộc triển lãm cá nhân và một số lần triển lãm nhóm. Tranh của tôi được nhiều người mua và trân trọng, đánh giá cao.

Sự quan tâm mà bà đang dành cho hội họa có khiến thời gian dành cho văn chương phần nào giảm sút?

- Đúng là như vậy. Thật ra, những khi không vẽ tôi vẫn đọc để xem người khác viết gì, và thường trực trong người khát khao viết thêm cuốn nữa. Thế nhưng, hiện tại, thời gian tôi dành cho hội họa rất nhiều. Cũng bởi vậy, tôi cũng chưa biết khi nào mình sẽ trở lại với văn chương. Tôi đang sung sức, dồi dào và hài lòng với việc ngồi cầm cọ… 

Nghề văn, càng sống, càng trải nghiệm nhiều viết sẽ càng hay. Nếu sức khỏe và cảm xúc còn, tôi tin mình vẫn có thể hình thành một cuốn tiểu thuyết nữa từ trải nghiệm về những năm tháng mà tôi đang sống.

Nhân dịp Tết Nhâm Dần, nhiều họa sĩ đã vẽ những bức tranh về hổ để đón chào năm mới. Ắt hẳn bà cũng có một bức tranh của riêng mình?

- Đúng vậy, tôi vẽ một bức tranh bằng bột màu nho nhỏ và giữ lại làm kỷ niệm. Mỗi người vẽ tranh hổ một kiểu, còn con hổ của tôi vừa mạnh mẽ, vừa có chút hiền hậu. Nó phần nào cũng giống tính cách của tôi - quyết liệt nhưng nhân văn, không tranh cãi, thắng thua bằng được. 

Bà có thể chia sẻ đôi chút về dự định của mình trong năm mới?

- Nếu may mắn, năm tới tôi mong mình sẽ tiếp tục hoàn thành một triển lãm cá nhân. Tôi rất hi vọng nó sẽ được đón nhận như triển lãm lần đầu. Càng ngày, tôi thấy mình càng vẽ tốt hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem