Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức đã vĩnh biệt chúng ta: “Nhiệm vụ hoàn thành”
Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức đã vĩnh biệt chúng ta: “Nhiệm vụ hoàn thành”
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh
Chủ nhật, ngày 21/06/2020 13:37 PM (GMT+7)
"Nhiệm vụ hoàn thành" là tên một trong những kịch bản mới nhất của nhà văn, nhà viết kịch Xuân Đức viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, do Nhà hát kịch nói Quân đội nhân dân dàn dựng và đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá.
Xuân Đức là một tác giả lớn của văn học và sân khấu hiện đại Việt Nam với nhiều tác phẩm còn mãi với thời gian: Các tiểu thuyết lớn Người không mang họ, Bến đò xưa lặng lẽ, Cửa gió (2 tập)… và rất nhiều kịch bản sân khấu, được nhiều nhà hát, đoàn kịch trong nam ngoài bắc dàn dựng và luôn nhận được nhiều giải thưởng.
Anh đã được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Với tôi, anh không chỉ là đồng nghiệp, cao hơn, anh còn là thầy, người đã hướng dẫn, cổ vũ, nắn nót góp ý từ những trang viết đầu đời của tôi.
Suốt cuộc đời cầm bút của mình, anh luôn cần mẫn với trang viết, tác phẩm mới liên tục ra đời, ngay từ những năm tuổi trẻ với tác phẩm kịch nói nổi tiếng Tổ Quốc (viết chung với nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm). Đến ngày hôm nay, ngay trước khi anh mất, thì bút lực của anh vẫn tiếp tục chảy, mạnh mẽ, say đắm, với 2 vở diễn cuối cùng của mình: Người con gái sông Bồ (Nhà hát kịch nói Quân đội) và Những đứa con thời loạn (Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế).
Anh không dạy tôi viết nhưng anh cho tôi cách sống, cách hiểu cuộc đời, cách chuyển tải thông điệp cuộc đời vào từng trang viết, từng nhân vật. Anh đọc cho tôi nghe tiểu thuyết, kịch mà anh mới viết xong, để từ đó tùy tôi rút ra bài học cho mình.
Anh không chê bai ai bao giờ nhưng cũng không quá khen ngợi ai. Anh điềm tĩnh, cứng cỏi, bao dung và mặn mòi với tác phẩm, với bạn bè, luôn cố tìm một cách gì đó tốt nhất cho trang viết của mình, không thoả hiệp với đạo diễn nhưng không quá cứng nhắc khi đạo diễn xử lý kịch bản.
Khi vui quá hay buồn quá, anh chỉ cười hậc lên vài tiếng, và im lặng, và hạ giọng nói rất nhỏ, như tự nói với anh, về nhân tình thế thái.
Tôi có quá nhiều kỉ niệm với anh, coi anh như người nhà mình, nhưng giữ một khoảng cách riêng, đủ cho anh chiếu cố, cho anh động viên, cho anh góp ý.
Anh hiểu sâu sắc và tận cùng mọi thứ nhân gian nhưng khéo léo và khôn ngoan đưa vào tác phẩm, đủ cho người xem, người đọc ngộ ra, không quá cực đoan, không quá giễu cợt nhưng không hời hợt. Nhiều nhân vật, trang văn, chi tiết anh thể hiện trong tác phẩm luôn chứng tỏ người viết có một vốn sống lớn, một nhận thức lớn, một góc nhìn lớn, hướng tới sự khao khát về điều thiện.
Ai nhờ anh viết gì anh đều viết, tận tâm và hiệu quả cao. Ngoài số lượng tác phẩm văn học và sân khấu kịch đồ sộ và có tiếng vang, sẽ ít người biết rằng anh còn có hàng trăm tác phẩm kịch ngắn, tiểu phẩm ngắn, những chương trình văn nghệ quần chúng cơ sở mà cứ đi thi là giật giải cao. Cũng ít ai biết rằng, anh có biệt tài về việc viết văn bia, ngôn từ rất lay động, cảm xúc rất mãnh liệt, cấu tứ rất chặt chẽ. Văn bia của anh có mặt ở nhiều địa chỉ di tích đặc biệt, đọc là nhớ, sâu sắc, nhân văn và chân thành.
Anh từng là sĩ quan, tác giả kịch bản của đoàn kịch nói quân đội trong nhiều năm.
Sau khi chuyển ngành ra khỏi quân đội, anh làm quản lý văn hoá, làm tới chức Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị rồi nghỉ hưu.
Nhường hết những gì tốt đẹp nhất cho các con, vợ chồng anh lui về Cửa Việt, làm một ngôi nhà nhỏ mà anh luôn tự hào và hóm hỉnh gọi là "biệt phủ" để nuôi đàn gà, đàn vịt, trồng cây ăn quả và ở đây trong những năm qua liên tục cho ra đời hàng loạt kịch bản sân khấu.
Hôm qua, tôi từ Hà Nội về Huế, đang ăn cơm với bạn bè, và mỗi khi ăn cơm với bạn bè lại lôi chuyện "xấu" của nhau ra kể để vui vẻ. Trong những chuyện "xấu" đó có cả anh Xuân Đức, khi tôi kể món nhuận bút chương trình văn nghệ quần chúng của một địa phương nhờ anh mà đạt giải nhất rồi trả cho anh 5 gánh chè xanh hái ở vườn… vào cái thời kỳ gian khó của những năm 80 thế kỷ trước.
Nhưng ngay khi đó thì chúng tôi nhận điện thoại anh Xuân Đức bị ngã do trèo thang để treo phông vải che nắng ở nhà. Anh ngã. Vào cấp cứu bệnh viện Đông Hà và vô phương cứu chữa.
Chúng tôi hấp tấp dừng bữa cơm, lên xe chạy vội ra Đông Hà. Tới nhà anh là 21h10 phút. Anh đi lúc 21h. Tôi đau đớn nắm lấy bàn tay anh vẫn còn chút hơi ấm nóng cuối cùng, nghẹn lại khi kêu tên anh.
Còn nhớ, mới tuần trước, tôi khoe với anh về chương trình sân khấu thực cảnh Ký ức Vĩ tuyến 17 sắp làm mà chính anh là tác giả kịch bản văn học. Anh nghe tin ấy, rất vui.
Giờ thì anh nằm đấy rồi, bạn bè văn chương, nghệ sĩ chạy tới với anh, bần thần và đau đớn.
Chị Phú vợ anh ngồi lặng ở góc nhà, không nói, chị ngồi, nhìn anh nằm trên giường, giây phút chia lìa tới quá nhanh. Mới năm ngoái, bạn bè, các con mới tổ chức kỷ niệm 45 năm tình vợ chồng của anh.
Tôi muốn gửi tới bạn đọc bài thơ của anh Nguyễn Hữu Thắng, bạn thân của nhà văn Xuân Đức viết khóc anh ngay trong đêm anh mất (21h ngày 20.6.2020):
Vui lòng nhập nội dung bình luận.