Theo ý tưởng ban đầu của đề án, tượng rùa vàng có kích thước vừa phải với chiều dài từ 2,5 - 3,5m, chiều cao (cả phần đế) khoảng 2,5m và dự kiến đúc bằng đồng và vàng. (Ảnh: VietNamNet)
Sau khi Hà Nội bác dựng mô hình 3D Kinh Kong tại Hồ Gươm được dư luận đồng tình bởi đây chỉ là ý tưởng quảng bá du lịch cho bộ phim “Kong: Skull Island (Đảo đầu lâu)” của nước ngoài sản xuất có quay một số cảnh ở Việt Nam. Hồ Gươm là một di tích lịch sử là biểu tượng văn hóa của Hà Nội của nước Việt quyết không thể để những ý tưởng ăn sổi ở thì xâm phạm. Có lẽ cú thở phào thoát nạn chưa dứt thì lại tiếp đến đề xuất dựng tượng Rùa vàng tại chính nơi có truyền thuyết rùa thần hoàn kiếm lẫy lừng sử sách. Thực hư câu chuyện thế nào?
Theo tin dẫn từ một số báo ông Tạ Hồng Quân trong tư cách một công dân Thủ đô vừa gửi đến UBND TP Hà Nội ý tưởng dựng tượng Rùa vàng ở khu vực Hồ Gươm. Ông Tạ Hồng Quân cho biết ý tưởng này ông đã manh nha từ năm 2011 khi cá thể Rùa cuối cùng ở hồ đang có những triệu chứng bất ổn về sức khỏe. Cá thể Rùa này đã chết đầu năm 2016. Từ ý tưởng ông đã dựng thành đề án với kích thước tượng đề xuất ban đầu chiều dài từ 2,5 đến 3,5m, cao (cả chân đế) 2,5m. Chất liệu tượng bằng đồng nguyên chất và vàng với trọng lượng từ 6 đến 10 tấn. Địa điểm đặt tượng tại khu vực gần ngã tư Hàng Khay-Đinh Tiên Hoàng. Kinh phí dựng tượng không sử dụng ngân sách mà từ nguồn xã hội hóa.
Người đề xuất đề án này cho rằng việc dựng tượng Rùa vàng ở Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) sẽ trở thành biểu tượng độc đáo của Việt Nam và duy nhất của thế giới có giá trị văn hóa tinh thần, tâm linh... Đề án của ông được nhà sử học Dương Trung Quốc ủng hộ bằng những phát biểu chính thức. Hiện đề án tượng Rùa vàng đang được dư luận quan tâm cân nhắc.
Trong giới chuyên môn giáo sư Phan Huy Lê tỏ ra không đồng tình với đề án này khi ông phủ nhận ý kiến của mình trong bản đề xuất của tác giả Tạ Hồng Quân. Liệu Hồ Gươm có cần một bức tượng như thế?
Vẫn biết Rùa Hồ Gươm từ lâu được coi là linh vật và Hồ Gươm là một phần không thể thiếu trong ký ức trong tình cảm của không chỉ người Hà Nội nhưng những gì sáng tạo thêm cho hồ tôi nghĩ đó đều là những xâm phạm trái lẽ. Một Hồ Gươm với làn nước xanh như thạch cùng Tháp Rùa lung linh khi đêm về đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người. Ai đến cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn cùng chiêm ngưỡng Tháp Bút, Đài Nghiên dù chỉ một lần cũng thấm đẫm những gì tinh túy nhất của hồn cốt Hồ Gươm.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến
Thậm chí từng gốc cây cổ thụ của Hồ Gươm cũng là những vết dấu tâm tưởng của những thế hệ người Hà Nội. Cây lộc vừng chín gốc thân ngả ven hồ từng đi vào văn học không ít lần. Lớp người chúng tôi từ tấm bé đã có nhiều kỷ niệm với gốc cây thân thương này. Đám học trò tinh nghịch quăng sách vở ngồi la đà trên thân cây là là mặt nước rồi buông mình từ đấy tắm táp thật kỳ thú. Những ai đã một lần cùng bạn tình ngồi uống cà phê hóng gió từ gác nhà Thủy Tạ ngắm nhìn một Hồ Gươm mênh mang hẳn sẽ chẳng thể nào quên. Liệt kê những gì tưởng rất đỗi bình dị của Hồ Gươm, tôi muốn nói đến sự khảm sâu của những gì Hồ Gươm vốn có đã ăn vào ý thức, tình cảm của mọi người. Những thêm nếm nhằm tăng ý nghĩa cho Hồ Gươm thực sự là điều không cần thiết.
Một dạo người Hà Nội đã phản ứng quyết liệt khi không gian Hồ Gươm bị xâm phạm. Đó là những ngôi nhà xung quanh hồ mang kiến trúc phá vỡ trật tự không gian vốn có. Chẳng hạn như nhà “Hàm cá mập” và một số ngôi nhà cao tầng khác. Những lý lẽ khoa học được đưa ra biện giải nhưng mọi người vẫn không thể chấp nhận những gì xâm phạm vào không gian vốn có của Hồ Gươm dù chỉ là bằng cảm tính. Gần đây nhất lại có ý tưởng xây dựng “Tuyến đường ghi danh” ở Hồ Gươm. Ngay lập tức một doanh nghiệp đã đề nghị thành phố cho đầu tư dưới hình thức BOT. Tức là họ sẽ bỏ tiền ra xây dựng sau đó kinh doanh thu tiền để hoàn vốn. Tôi thật sự kinh sợ ý tưởng này. Những con đường quốc lộ khoác áo BOT khắp đất nước chưa đủ để kiếm chác hay sao mà đến một nơi như Hồ Gươm văn vật linh thiêng họ cũng mang ra để mua bán kinh doanh.
Hồ Gươm sau khi trở thành tuyến phố đi bộ mỗi cuối tuần càng thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng, thăm thú và ngơi nghỉ thư giãn tâm hồn. Một không gian Hồ Gươm như vốn có xin hãy được gìn giữ bình an đừng xâm phạm. Xã hội hóa tượng Rùa vàng là một khái niệm mịt mùng.
Hồ Gươm không cần tượng Rùa vàng để lưu danh ngàn năm.
Ai sẽ bỏ tiền làm tượng? Và một khi đã bỏ tiền họ sẽ đổi lại điều gì ở Hồ Gươm? Người Hà Nội mãi lưu giữ hình ảnh Rùa linh vật ở Hồ Gươm trong tâm khảm. Những tiêu bản Rùa hiện đang được lưu giữ ở đền Ngọc Sơn cũng chỉ là chứng nhân làm phong phú thêm huyền tích Rùa lịch sử. Hồ Gươm không cần tượng Rùa vàng để lưu danh ngàn năm như ý kiến của những người đề xuất và ủng hộ. Xin hãy đừng đụng đến Hồ Gươm.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (VietNamnet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.