Xin chào Đức Minh, là một thành viên nhóm đã sáng tạo ra cây đàn Đó, anh nói gì trước những lùm xùm liên quan đến cây đàn gần đây?
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh - cha đẻ của cây đàn Đó
Tôi cũng buồn khi thấy sự việc xảy ra như vậy và không muốn nói sâu về vấn đề này nữa. Mặc dù tôi có giấy tờ pháp lý để đưa ra công luận, nhưng việc đó không đáng để tôi quá bận tâm, vì tôi còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới và muốn đầu óc bình yên để làm nghệ thuật mà thôi.
Còn thực sự bản chất của sáng tạo là chia sẻ, nên tôi cũng chỉ muốn nhắc nhở ai đó đã từng rất thân quen với nhau nhưng lại có hành động chộp giật như vậy.
Anh có thể chia sẻ nhân duyên nào có được để sáng tạo ra cây đàn Đó? Ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Nhóm đàn Đó có 5 thành viên: 3 nghệ sĩ xiếc, 1 nhạc sĩ - là tôi và 1 hoạ sĩ.
Nhóm làm việc trong chương trình Làng Tôi từ 2009-2012 (êkip đạo diễn gồm: nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý, đạo diễn Tuấn Lê, nhà sư phạm Nguyễn Lân) và có thời gian lưu diễn rất thành công ở châu Âu trong vòng 3 năm. Chính vì sự thành công này mà nhóm quyết định tách ra khỏi chương trình Làng Tôi để xây dựng một nhóm nghệ sĩ độc lập với mong muốn đi tiếp con đường thành công đó với những phương pháp sáng tạo mới mẻ từ êkip sáng tạo Làng Tôi, nhìn một cách khác là tụi tôi đã tốt nghiệp trường Làng để bước sang một giai đoạn mới.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức Minh và nhóm đã nghiên cứu, sáng tạo ra cây đàn Đó và những nhạc cụ khác
Chương trình Làng Tôi là một show nghệ thuật tổng hợp, với ngôn ngữ chính là xiếc với chất liệu là tre, vì lẽ đó nhóm đã có rất nhiều kinh nghiệm làm việc với tre và quyết định sẽ lấy tre làm nguồn cảm hứng để đi tiếp.
Năm 2012, nhóm đã thuê một khu đất rộng bên Ngọc Thuỵ, Long Biên, dựng một sân khấu bằng tre để tập luyện và tìm tòi sáng tạo ở đây, với mong muốn mình sẽ làm một chương trình âm nhạc và tung hứng (nhạc cụ là đạo cụ, đạo cụ là nhạc cụ). Công việc và tiêu chí của nhóm là phải tạo ra càng nhiều chất liệu sáng tạo càng tốt, như vậy mới đủ chất liệu để dựng được nhiều chương trình khác nhau.
Nhóm đã gặp khó khăn gì khi nghiên cứu làm ra cây đàn Đó?
Nói đến khó khăn thời điểm đó thì nhiều lắm, nhưng có thể nói với đam mê cháy bỏng, muốn làm một cái gì đó cho âm nhạc, cho nghệ thuật mà tôi và cả nhóm không còn cảm thấy trở ngại bởi những khó khăn đó.
Hoạt động của nhóm gần như full time từ sáng đến tối mịt mới về đến nhà, vì là việc sáng tạo nên rất đam mê và có nhiều cảm hứng. Các loại tre nhóm nghiên cứu để làm đàn Đó không phổ biến ở đồng bằng, nên cả nhóm thường xuyên phải lên rừng để tìm những loại tre phù hợp. Thời gian 1 năm đầu cả nhóm đã rất vất vả vì vừa phải làm lại vừa phải mò, kể cả âm thanh của đàn và kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ mới, kỹ thuật mới.
Nhóm xác định đây là con đường mình phải đi, dù có thành công hay không thì vẫn phải tiếp tục, nên luôn ý thức về cách làm rất bài bản và từ từ, chậm mà chắc.
Từ lúc cây đàn Đó được hình thành sau một năm làm việc liên tục mỗi ngày, dường như cả nhóm không ai bảo ai đều tự có một slogan “Mỗi ngày là một câu hỏi cho nguồn cảm hứng của ngày mai”. Vì vậy mà nhóm đã phát triển, tìm tòi thêm được nhiều nhạc cụ mới như trống chum, con tè, trống thanh, trống lợn...
Hoạ sĩ Nguyễn Đức Phương, nickname Phương Giò đã ghi chép lại toàn bộ quá trình sáng tạo của nhóm bằng những phác thảo 3D, sau đó anh cũng tìm tòi sáng tạo chất liệu của riêng mình là đất và chuyển hoá thành tác phẩm. Bây giờ những tác phẩm của Phương đã là một công trình rất hoành tráng, với kế hoạch sắp tới sẽ triển lãm về nhóm đàn Đó trong suốt 7 năm lao động nghệ thuật.
Giới làm nghề đã rất ngưỡng mộ sự sáng tạo của anh và cả nhóm. Nhóm đã biểu diễn ở những chương trình nào và tạo tiếng vang từ cây đàn Đó? Dự định của nhóm tới đây là gì?
Năm 2014 nhóm kết hợp với nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý là người sáng lập Làng Tôi và Trung tâm thể nghiệm âm nhạc dân tộc Phù Sa Lab. Anh Nguyễn Nhất Lý là người đã tạo mọi điều kiện, môi trường để nhóm tiếp tục phát triển ở Phù Sa Lab. Tại đây nhóm đã cùng anh Lý xây dựng được những tác phẩm như Lời Của Tre, Chém Gió concert, và đặc biệt là năm 2017 nhóm đã tham gia vào dự án SeaSound xây dựng một dàn nhạc bản địa Đông Nam Á.
Qua dự án Seasound, anh Lý muốn tạo ra một môi trường sáng tạo tự do cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp Việt Nam muốn xây dựng một dàn nhạc bản địa theo đúng nghĩa, chứ không phải bầu, tranh, sáo, nhị như mình vẫn tưởng nhạc dân tộc Việt Nam chỉ có vậy.
Sau dự án này nhóm vẫn tiếp tục xây dựng các các chương trình của mình như Lời Của Tre, Chém Gió...
Ngoài ra còn có những hoạt động cá nhân của tôi trong các dự án của nhạc sĩ Nguyên Lê, các hoạt động âm nhạc đương đại (có sử dụng đàn Đó) cho một vài dự án đang trong quá trình hoàn tất sẽ được thực hiện trong năm 2019.
Cám ơn Nguyễn Đức Minh!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.