Nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1932, quê gốc ở Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên, nhưng ông lại trưởng thành ở đất Kiến An, Hải Phòng. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946) khi ông mới 14, 15 tuổi, học văn hoá ngoài vùng kháng chiến. Năm 1949, ông đi bộ đội, học trường sĩ quan lục quân, rồi được xếp vào văn công.
Nhạc sĩ Xuân Giao
Khi còn sống, ông đã từng kể lại: “Đang buổi họp thì nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi là một trong số những người không trở về nhà mà ở lại đoàn phục vụ đợt tiếp quản thủ đô”.
Nhạc sĩ Xuân Giao đến với âm nhạc là duyên nợ tình cờ, mê say sáng tác thơ nhưng bị âm nhạc quyến rũ, ông vừa học vừa làm, mày mò tự học và kết hợp với năng khiếu bẩm sinh. Tuy không qua trường lớp nào nhưng các bài hát ông sáng tác vẫn hay, nhiều bài "đứng" được đến tận ngày nay.
Ông bắt đầu con đường âm nhạc từ một diễn viên hát giọng nam trầm của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Từ năm 1960, ông là cán bộ biên tập Nhà Xuất bản Âm nhạc.
Vừa làm công tác biên tập vừa sáng tác, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là trong kháng chiến chống Mỹ như “Bài ca biên phòng”, “Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh”, “Đi tới những chân trời”, “Cô gái mở đường”, “Chào sông Mã anh hùng”...
Trong đó, “Cô gái mở đường” vẫn được xem là một trong những khúc ca hay nhất viết về thanh niên xung phong ở đường Trường Sơn. Nhạc sĩ Xuân Giao từng được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Xuân Giao, khán giả yêu âm nhạc sẽ còn mãi hát và yêu mến các ca khúc đằm thắm tình yêu mà ông dành cho cuộc đời.
Lễ viếng và truy điệu nhạc sĩ Xuân Giao sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 ngày thứ 3, 26.8 tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.