Nhạc sĩ Giáng Son kể lại khoảnh khắc được gặp nhạc sĩ Chu Minh cách 2 tiếng trước khi ông qua đời
Nhạc sĩ Giáng Son kể lại khoảnh khắc được gặp nhạc sĩ Chu Minh cách 2 tiếng trước khi ông qua đời
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 17/10/2023 11:32 AM (GMT+7)
Nghe tin nhạc sĩ Chu Minh – người bạn vong niên của bố mình là nghệ sĩ Hoàng Kiều đang rất yếu, nhạc sĩ Giáng Son phi ngay vào bệnh viện lúc nửa đêm. Chị không ngờ đó là khoảnh khắc cuối cùng được gặp người thầy kính yêu của mình.
Cuộc gặp cuối cùng của nhạc sĩ Giáng Son với nhạc sĩ Chu Minh trên giường bệnh
Nhạc sĩ Chu Minh – một cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam vừa rời cõi tạm vào sáng nay (17/10). Ông ra đi khi Hà Nội đang trong những ngày vàng ươm nắng Thu. Sự ra đi của ông ở tuổi 90 (dù đã biết trước) nhưng vẫn khiến người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò… không tránh khỏi nỗi niềm thương tiếc.
Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, sở dĩ nhạc sĩ Chu Minh được giới làm nghề tôn vinh là "cây đại thụ" của nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam là bởi ông có quá nhiều đóng góp cho âm nhạc. Ông sáng tác thành công ở cả hai thể loại thanh nhạc và khí nhạc.
Với thanh nhạc, ông là tác giả của nhiều ca khúc, trong đó có hai ca khúc "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam", "Người là niềm tin tất thắng" (thơ Đỗ Trung Thông) và ca kịch "Tiếng ru"… Với khí nhạc, ông là tác giả của nhiều tác phẩm đồ sộ như: Tổ khúc giao hưởng "Khăn quàng đỏ", Concerto cho piano "Tuổi trẻ", Giao hưởng một chương "Ngã ba Đồng Lộc", tổ khúc giao hưởng "Miền nam tuyến đầu", Ouverture "Thành phố Hồ Chí Minh"…
Trong lĩnh vực giảng dạy, ông là nhà sư phạm âm nhạc uy tín, là thầy dậy của nhiều nhạc sĩ tài năng trên khắp đất nước như: Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Phó Đức Phương, Đôn Truyền, Đức Trịnh, Trần Lệ Chiến…
Nhạc sĩ Giáng Son cũng chia sẻ với Dân Việt rằng, vào 23h30 tối qua, khi nhạc sĩ Đức Tân nhắn tin cho chị biết nhạc sĩ Chu Minh đang nguy kịch, các chỉ số đang rất thấp, chị ngay lập tức phi vào bệnh viện Việt Xô thăm thầy.
"Vào đến nơi, tôi được Tú My (con gái nhạc sĩ Chu Minh – PV) kể là mấy tiếng trước đó, mọi người đều tưởng thầy đã đi rồi, hai tay đã buông thõng ra rồi… nhưng sau đó các chỉ số lại tăng, các phản ứng sự sống lại xuất hiện mạnh mẽ, bàn tay hồng hào trở lại. Khi tôi ghé tai nói: "Con chào thầy, con là Giáng Son, con bố Hoàng Kiều đây ạ!" thì thấy có phản ứng ở ngón tay của thầy. Mọi người cứ trêu đùa thì thầy còn nhăn lông mày khó chịu, cử động chân tay một chút. Đến khoảng 1h sáng thì tôi với nhạc sĩ Đức Tân ra về. Vậy mà 3h30 Tân đã nhắn: "Thầy Chu Minh mất rồi Son ạ!".
Tôi không được học trực tiếp thầy Chu Minh nhưng qua các tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc của thầy, tôi được mở mang rất nhiều điều. Hồi xưa thầy Chu Minh và bố Hoàng Kiều là những người bạn vong niên nên càng kính trọng thầy hơn! Tôi luôn nhớ mãi những lời thầy nói với tôi cách đây mấy năm: "Bác biết con có những nỗi buồn trong cuộc sống nhưng con hãy cố gắng lên, sự nghiệp âm nhạc của bố con giờ trao cả cho con đó".
Nhạc sĩ Mai Kiên bày tỏ, anh vinh dự được là thế hệ học trò áp chót của GS. Nhạc sĩ Chu Minh. Trước đây, anh được nghe các tiền bối kể, nhạc sĩ Chu Minh sẵn sàng gạch hết cả bài hát hoặc ném sách vở ra ngoài cửa sổ nếu viết không ra hồn. Nhưng khi học nhạc sĩ rồi, anh thấy thầy mình rất gần gũi, ân cần, chỉ bảo nhẹ nhàng, tận tình.
"Tôi rất cảm phục thầy. Tôi đã học được nhiều điều quý giá từ thầy mà mãi sau này luôn khắc ghi", nhạc sĩ Mai Kiên nói.
Một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và vẻ vang
Nhạc sĩ Chu Minh (tên thật là Triệu Đạt Hiền) sinh năm 1931 trong một gia đình công chức khá giả gần phố cổ Hà Nội. Từ nhỏ, ông tỏ ra là người có niềm say mê âm nhạc. Chu Minh bắt đầu được gia đình cho học đàn vĩ cầm từ năm 11 tuổi. Niềm đam mê âm nhạc lớn dần lên khiến thời gian ông dành cho cây đàn chiếm gần hết thời gian lên lớp học văn hoá. Ngày toàn quốc kháng chiến, tuy mới 15 tuổi nhưng nhạc sĩ Chu Minh đã tình nguyện tham gia cách mạng.
Ông bắt đầu sử dụng bút danh Chu Minh để sáng tác các ca khúc "Việt Trung Xô" và "Chiến thắng biên giới" vào năm 1950. Sau đó, Chu Minh là một trong 10 người được cử đi học Trung Nam Nghệ thuật học viện tại Vũ Hán (Trung Quốc) với chương trình trung cấp ngắn hạn về âm nhạc.
Thập niên 1950, ông là một những người đầu tiên thành lập Đoàn văn công nhân dân Trung ương trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Khi phụ trách ở Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, ông thường xuyên được mời vào Phủ Chủ tịch biểu diễn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe.
Cuộc kháng chiến của Việt Nam đã giúp nhạc sĩ Chu Minh hình thành một nhân sinh quan mới, là cơ sở để ông sáng tác một số ca khúc được phổ biến trong vùng chiến dịch như "Hoa sen" hay "Ta yêu cụ Hồ". Sau hiệp định Gienève năm 1954, nhạc Chu Minh cùng một số nghệ sĩ và nhạc sĩ như: Thái Thị Liên, Lưu Hữu Phước tham gia Đoàn Hợp xướng Hoà Bình đi thu thanh một số ca khúc, hợp xướng, nhạc dân tộc, nhạc chèo tại thành phố Thượng Hải trong 6 tháng. Đĩa nhạc đầu tiên này có tên "Tiếng hát Việt Nam". Ông cũng từng xuống tiếp quản Hải Phòng sau khi là "vùng 300 ngày". Trở về Hà Nội, Chu Minh viết hàng loạt bài ngợi ca hòa bình như "Ánh lửa tình yêu", "Lúa hợp tác", "Lớp người công nhân"…
Năm 30 tuổi, ông lại được cử đi học đại học âm nhạc tại Khoa Sáng tác, Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh. Người mà ông thụ giáo là thầy Tô Hạ - một nhà soạn nhạc đã có nhiều năm học tập ở Hoa Kỳ. Có lẽ bởi thế, Chu Minh đã hoàn toàn thay đổi tư duy ca khúc thành tư duy khí nhạc. Trong khoảng thời gian này, ông viết nhiều tác phẩm ở các hình thức và thể loại khác nhau, trong đó có "Liên ca khúc" dựa trên 6 bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ khúc giao hưởng "Miền nam tuyến đầu" gồm 3 chương.
"Miền nam tuyến đầu" được Chu Minh sáng tác trong 2 tháng của năm 1963, từng được Nhạc viện Trung ương Bắc Kinh tổ chức biểu diễn vào cuối năm, đồng thời còn được Trần Quý chỉ huy trong buổi biểu diễn tại Novosibirsk năm 1987. Tác phẩm còn trở thành một trong những "tác phẩm kinh điển" và thành công của nền âm nhạc giao hưởng mới Việt Nam, và liên tục được phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tốt nghiệp đại học, khi về nước, ông được phân công lên làm Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật Tây Bắc. Tuy nhiên, khi đàn anh là nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Thứ trưởng Bộ Văn hóa Lê Liêm nghe giao hưởng "Miền Nam tuyến đầu" thì đã ngay lập tức giới thiệu nhạc sĩ Chu Minh với Trường Âm nhạc Việt Nam. Hiệu trưởng Tạ Phước nghe xong giao hưởng thì đề nghị ngay nhạc sĩ Chu Minh về trường dạy đại học và làm Chủ nhiệm Khoa Sáng tác (sau này là khoa Lý luận – Sáng tác – Chỉ huy). Ông tiếp tục sáng tác thanh nhạc và khí nhạc, qua đó dần tạo được phong cách sáng tác riêng cho mình.
Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, những cảm xúc đau xót và tiếc thương người cha già vĩ đại của dân tộc đã giúp ông sáng tác "Đất nước nghiêng mình". Cùng lúc, ông cũng sáng tác thêm "Người là niềm tin tất thắng" rồi nhờ nghệ sĩ dương cầm Hoàng Mãnh và ca sĩ Bích Liên thu thanh phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Những sáng tác tiêu biểu cho thanh nhạc của Chu Minh đã thể hiện được sự đóng góp của ông vào âm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, viết cho thanh nhạc và khí nhạc, nhạc sĩ Chu Minh còn viết nhạc múa như "Trừ Văn Thố", "Lũy hoa" cùng một số lượng lớn âm nhạc cho điện ảnh với khoảng 20 bộ phim truyện và phim tài liệu.
Ca kịch "Tiếng ru" một màn, ba cảnh được hoàn thành năm 1971 là tác phẩm mà ông viết về đề tài công nhân vùng mỏ. Năm 2019, một đêm nhạc mang tên "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam" được tổ chức với tư cách là món quà tri ân của thế hệ các nhạc sĩ, nghệ sĩ dành tặng Chu Minh.
Nhạc sĩ Chu Minh được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật cho các tác phẩm "Nước non tên người", "Ngày ấy Người đi dặm dài thế kỷ", "Tên Người đẹp mãi Bến Tre", concerto cho piano "Tuổi trẻ"...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.