Là người con của đất Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển rất đa tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, từ sáng tác nhạc, viết văn, viết báo, nghiên cứu biên khảo, dịch thuật…
Anh tên thật là Võ Hợi sinh ở Tam Kỳ, nhưng nguyên quán ở Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Vào Sài Gòn năm 18 tuổi, anh học Đại học Sư phạm (ban Việt – Hán) và ở Đại học Văn khoa Sài Gòn (ban Triết học Đông Phương); sau khi tốt nghiệp đã về Bạc Liêu dạy học ở trường Trung học công lập của tỉnh. Anh xem Bạc Liêu chính là quê hương thứ hai của mình.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ.
Những năm tháng sống ở Bạc Liêu đã cho Vũ Đức Sao Biển nhiều kỷ niệm và cảm xúc, sau này anh đã viết một loạt ca khúc về quê hương Bạc Liêu mang âm hưởng dân ca Nam bộ, đậm đà chất liệu từ bài "Dạ cổ Hoài lang" nổi tiếng của nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Nhiều ca khúc đã đi vào lòng người như Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Điệu buồn Phương Nam, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu… bên cạnh bài hát nổi tiếng nhất của anh, viết năm 1968: Thu, hát cho người.
Hơn 100 ca khúc của anh đã được các NXB Trẻ, Đồng Nai, Thiên Vương, Khai Hóa in thành 7 tuyển tập: Một ngày cho tình yêu, Thu hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu Hoài Lang – Trăm khúc tình ca…
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thường hay nói chuyện về âm nhạc, về tác phẩm của Kim Dung.
Những ca khúc của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển rất dạt dào cảm xúc, anh quan niệm: “Tôi cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong mọi sáng tác âm nhạc là cảm xúc phải trung thực”, “Sáng tác là tạo ra cái mới, phải làm ra cái mới tinh tuyền chứ không thể lặp lại chính mình”.
Những ca khúc của anh mang hơi thở của nhiều vùng miền, từ những ca khúc về quê hương Bạc Liêu, đồng bằng sông Cửu Long với những ca khúc: Bolero trên bến Bắc Cần Thơ, Bài ca Vĩnh Long, Thương về Cà Mau, Chào Cửu Long Giang… cho đến những ca khúc về quê hương xứ Quảng của anh: Sông Thu ngày ấy, Rượu hồng đào, Tam Kỳ tươi đẹp, Huyền thoại Ngũ Hành Sơn, Phố Hoài, Ngàn năm Mỹ Sơn, Cảm xúc Đà Nẵng, Nhớ Quảng Nam…
Tất cả đều mang dáng vẻ riêng có của anh, không lặp lại, nhất là phải đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ.
Ngoài viết nhạc, anh còn là nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nghiên cứu biên khảo, dịch thuật… Đã có hơn 40 cuốn sách phong phú về thể loại từ tiểu thuyết, truyện ngắn, hồi ký, bút ký, biên khảo, tiểu luận, tản văn, phóng sự, tiểu phẩm trào phúng (với bút danh Đồ Bì)… đến dịch truyện Tiếu ngạo giang hồ (8 tập) cùng với Lê Thị Anh Đào, Trần Hải Linh, đã được các NXB Trẻ, Văn hóa – Văn nghệ, Đồng Nai, Long An xuất bản.
Anh còn là nhà báo kỳ cựu cộng tác với nhiều tờ báo: Pháp luật TP.HCM, Thanh niên, Tuổi trẻ Cười, Kiến thức Ngày nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh...
Bên cạnh sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn được “phong” là "nhà Kim Dung học Việt Nam" vì anh còn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu hầu như toàn bộ tác phẩm của nhà văn Kim Dung, nhất là đã biên khảo 6 cuốn sách: Kiều Phong – Khát vọng của tự do, Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân, Từ AQ đến Vi Tiểu Bảo, Thanh kiếm và cây đàn, Nhân vật Kim Dung nhìn qua lăng kính pháp luật, Những vụ án kinh điển trong tiểu thuyết Kim Dung được NXB Trẻ ấn hành.
“Đó là cách gọi từ năm 1998, sau khi NXB Trẻ in bộ Kim Dung giữa đời tôi, công trình tôi nghiên cứu về tác phẩm Kim Dung. Họ gọi như vậy có lẽ bởi tôi dành quá nhiều thời gian nghiên cứu sâu, kỹ và có phương pháp”, anh từng tâm sự. “Các nhân vật của Kim Dung tôi đều thích cả vì mỗi người một tính cách, phản ánh cả mặt tốt và xấu của con người”.
Sau hai năm chống chọi với bệnh ung thư vòm họng, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã qua đời tại tư gia vào lúc 23 giờ 25 phút ngày 6/5. Anh đã để lại trong lòng thân hữu biết bao sự trân trọng và quý mến về một nhạc sĩ, một nhà báo, nhà giáo, nhà văn tài hoa, luôn khiêm tốn và hết lòng về sự nghiệp, về con đường nghệ thuật suốt đời mình đã chọn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.