Là một trong năm nhạc sĩ đầu tiên, cùng Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, thành lập nên Hội nhạc sĩ Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Tý nổi tiếng với những sáng tác như Dư âm, Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Dáng đứng Bến Tre... Có sự nghiệp thành công, nhưng ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý rơi vào cảnh ốm đau, bệnh tật. Ông hay tủi thân và thường than thở về sự thiếu quan tâm của những người xung quanh.
Trong căn phòng chưa đầy 10m2, bề bộn đồ đạc phủ bụi, người nhạc sĩ già nằm lẻ loi trên giường. Dù đôi mắt, gương mặt vẫn còn vẻ tinh anh, ông gần như liệt giường từ cách đây một tháng, sau lần thứ ba bị tai biến. Mọi hoạt động của ông đều phải nhờ sự hỗ trợ từ người giúp việc đã ngoài 50 tuổi. Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc TV và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc. Từ khi nằm liệt giường, chiếc loa nằm lăn lóc ở một góc bàn, ông chỉ có thể sử dụng điều khiển từ xa để xem TV...
Giữa những tủi hờn khi nói về sự cực khổ của cuộc sống hiện tại, khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi. Ông say sưa kể về mối tình với một cô gái 16 tuổi, người đã tạo cảm hứng cho bài hát Dư âm.
“Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.
Nói về hai người vợ đã đi qua cuộc đời mình, nhạc sĩ cho biết ông nặng tình với cả hai. Người vợ sau là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, được ông ưu ái dành tặng bài hát Mẹ yêu con. “Khi lấy tôi, bà ấy đã có một đời chồng và bốn người con riêng. Tôi không quan trọng hay câu nệ gì cả, tôi chỉ yêu cái đẹp thôi. Bà vợ thứ hai của tôi đẹp lắm!” - ông nói rồi chỉ tay lên bức ảnh cưới được ông lồng khung và để ở vị trí dễ thấy nhất trên tường.
Sau những câu chuyện tình, nhạc sĩ còn hào hứng nhắc lại những tháng ngày hoạt động trong đoàn văn công 304. Ông tỏ vẻ tiếc nuối khi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm.
|
Người giúp việc trên 50 tuổi đút cơm chiều cho nhạc sĩ. Ảnh: Châu Mỹ.
|
Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng vì giờ cơm chiều. Trước khi ăn, ông được người cháu đút cho một thìa mật ong. Nhạc sĩ nằm nghiêng, với tay lấy ca nước để sẵn trên đầu giường, uống một ngụm rồi chờ được đút cơm. Bát cơm có thịt lợn và rau xúp lơ ninh nhừ. Ông ăn nhanh và tỏ vẻ ngon miệng. Cô Thương, người chăm sóc nhạc sĩ, chia sẻ: “Cho ông ăn như cho trẻ con ăn vậy. Thức ăn phải ninh nhừ, cơm phải trộn đều với canh. Ông nhõng nhẽo lắm, bữa nào cũng hỏi hôm nay thức ăn có gì”.
Quan điểm
Cô em mới 16 tuổi, một hôm ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô...
Chị Hoa, người làm vật lý trị liệu cho nhạc sĩ được gần một tháng cho hay: “Ông cụ tội nghiệp lắm, cô đơn lắm nên khóc hoài. Tôi biết ông là nhạc sĩ nổi tiếng, bài hát
Dáng đứng Bến Tre của ông khiến chúng tôi nhớ mãi. Sự nghiệp lừng lẫy như vậy mà cuối đời thảm não quá”.
Niềm an ủi còn lại với người nhạc sĩ già là Hội nghệ sĩ vẫn không lãng quên ông. Bức tranh lớn treo trên tường do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tặng, như một biên niên ký nhỏ về chặng đường hoạt động âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Kể từ khi nằm liệt giường, những lúc cô đơn, ông chỉ biết ngắm tranh và sống với hoài niệm tuổi trẻ.
“Ngày trước, tôi quan tâm, sống tốt với nhiều người lắm. Không hiểu sao khi về già, cuộc đời đáp lại tôi thế này!”- nhạc sĩ nói trong nước mắt.
Sau khi thông tin về gia cảnh và sức khỏe của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lên báo, thời gian qua căn nhà nhỏ trong con hẻm Trần Khắc Chân, quận 1, TP HCM rộn ràng hơn khi có nhiều nghệ sĩ và khán giả tìm đến. Họ đến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người nhạc sĩ mình yêu mến - người đã tạo ra nhiều bài hát gắn với nhiều kỷ niệm một thời.
Ngày 31/8, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, Tùng Dương, Đồng Lan có mặt tại nhà Nguyễn Văn Tý thăm hỏi, trao tặng số tiền hơn 70 triệu đồng do đông đảo nghệ sĩ hai miền quyên góp. Em gái Trịnh Công Sơn cho biết, nhờ có sự dìu dắt của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, bà mới có điều kiện toàn tâm toàn ý cho âm nhạc ở thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Đáp lại, nhạc sĩ nhắc nhớ nhiều kỷ niệm với gia đình họ Trịnh. Ông thậm chí còn nhớ được số nhà và tên đường, nơi Trịnh Vĩnh Trinh ở cùng gia đình trước khi kết hôn.
Là ca sĩ hát nhiều sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, Tùng Dương không khỏi xúc động trước gia cảnh của nhạc sĩ. Anh thay mặt các nghệ sĩ tỏ lòng biết ơn những đóng góp của nhạc sĩ và mong mau ông mau lành bệnh. “Kính chúc bác sớm vượt qua được bệnh tật và khó khăn.Thế hệ nối tiếp sẽ luôn biết ơn những giá trị tinh thần mà bác đã tạo ra”, ca sĩ Tùng Dương nói trong xúc động. Trong buổi thăm hỏi, nam ca sĩ đọc bài thơ tự sáng tác có tên những nhạc phẩm nổi tiếng của Nguyễn Văn Tý, và hát Mẹ yêu con ngay bên giường bệnh của ông. Vừa lau nước mắt, người nhạc sĩ ở tuổi gần 90 đưa tay bắt nhịp theo giọng hát của chàng ca sĩ trẻ.
Vài ngày trước đó, ca sĩ Cẩm Vân cũng ghé thăm và mua tặng “ân nhân” chiếc đệm mới. Nhạc sĩ cho biết ông đã bớt đau các khớp xương khi không còn phải nằm trên chiếc vỏ chăn mỏng, sờn cũ phủ lên chiếc chiếu.
Chiều cùng ngày nhóm các ca sĩ, nghệ sĩ phòng trà cũng đã đến thăm hỏi, động viên ông. Họ cũng cùng ông hát và ôn lại nhiều bài ca nổi tiếng Dư âm, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ… Ông bắt nhịp cho từng ca sĩ hát theo, hứng khởi, say mê như đang dạy học trò. Lần đầu được hòa giọng cùng nhạc sĩ tài hoa, ca sĩ Hạnh Nguyên xúc động cho biết: “Chuyến viếng thăm rất có ích cho trải nghiệm nghề nghiệp của tôi. Thay vì dành ra nửa giờ như dự định ban đầu, cả nhóm đã ngồi lại thật lâu lắng nghe nhạc sĩ chia sẻ cảm xúc của mình về mỗi bài hát”.
(Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.