Thưa nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, ít ai ngờ rằng năm nay đã thượng thọ 90 mà ông vẫn có một đời sống tinh thần vô cùng trẻ trung, vẫn viết nhạc về tình yêu... Hẳn ông phải có bí quyết gì?
- Tôi đã tự nhận với mình rằng, một đời này, tôi chỉ làm “bác sĩ tình yêu” thôi, tôi chữa bệnh cho tình yêu của mọi người, ai có vấn đề gì tôi chữa hết. Mà đừng hiểu tình yêu chỉ có nghĩa là trai gái yêu nhau, phải hiểu tình yêu theo nghĩa rộng, nghĩa đẹp nhất của từ này. Làm sao chúng ta sống trên cuộc đời này mà không có tình yêu, con người yêu thương nhau, con người yêu thương thiên nhiên, yêu thế giới xung quanh mình… Nếu một lúc nào tình yêu đó cạn kiệt thì tất cả chúng ta sẽ gặp nguy, vì vậy cuộc đời làm nhạc của tôi, tôi chỉ tâm niệm làm thế nào để dùng âm nhạc chữa bệnh tình yêu cho con người.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (phải) trên sân khấu Cuộc thi “Tiếng hát mãi xanh”. T.L
Có phải vì vậy mà trong tất cả những sáng tác của ông, tình yêu lúc nào cũng phơi phới, trong sáng, tràn đầy hy vọng, như “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”?
- Tính ra trong toàn bộ các sáng tác của tôi, ngẫm lại, chỉ có ở ca khúc đầu tay “Trầu cau” tôi sáng tác vào năm 21 tuổi có câu “Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu”, còn tất cả các ca khúc về sau này, tôi đều viết về tình yêu với những niềm hy vọng. Những bài thơ tôi chọn phổ nhạc như “Bóng cây kơ nia”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Thơ tình cuối mùa thu”, “Hành khúc ngày và đêm”… đều là vì khi đọc những bài thơ ấy, tôi cảm nhận được niềm hy vọng, sự thủy chung, tình cảm yêu thương thắm thiết chứa chan của người với người. Tôi luôn bị rung động bởi những tình cảm cao đẹp ấy, tôi không thích viết về tình yêu chia ly, tôi chỉ thích viết những ca khúc tình yêu mà khi hát lên, nó đem đến cho người nghe niềm tin, niềm hy vọng.
Thưa ông, được biết, trong đêm nhạc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” tối 8.11, sẽ có sự xuất hiện của một ca sĩ rất đặc biệt từ Hà Nội?
Quan điểm
Tôi vẫn viết đều, nhưng trong đêm nhạc này, ngoài các ca khúc đã quen thuộc, chỉ giới thiệu thêm một ca khúc sáng tác năm 2011, đó là “Em như áng mây” qua tiếng hát ca sĩ Cao Minh. Còn những bài sáng tác năm 2014 thì viết ra để đó, vẫn chưa dựng được”.
- Đúng vậy, không phải một mà là hai, đó là hai mẹ con ca sĩ, NSƯT Vũ Dậu và con gái- ca sĩ Khánh Linh, hai mẹ con sẽ vào để hát trong đêm nhạc này. Ca khúc “Đêm nay anh ở đâu” tôi sáng tác có liên quan đến ca sĩ Vũ Dậu. Hồi đó tôi từ TP.HCM ra Hà Nội, đang ngồi ở quán nước thì vợ chồng ca sĩ Vũ Dậu đèo nhau đi qua, thấy tôi, cô mừng quá, chạy đến hỏi: “Anh mới ra Hà Nội à, đêm nay anh ở đâu?”. Câu hỏi của một người bạn gái ở Hà Nội tự nhiên làm nảy ra trong lòng tôi ý nhạc cho một bản tình ca, nói về tình yêu của một đôi nam nữ giữa thời kỳ chiến tranh đạn lửa: “Nhìn ngôi sao lấp lánh suốt canh thâu/Như mắt ai nhấp nháy đang tìm nhau/Làn gió mát thoang thoảng hương đêm/Mơn cành hoa trước thềm, như bàn tay anh vuốt nhẹ tóc em/Đêm nay anh ở đâu, đêm nay anh ở đâu…”.
Ban tổ chức đã quyết định mời ca sĩ Vũ Dậu từ Hà Nội vào để trình diễn ca khúc này, đó là một kỷ niệm thú vị của tôi. Cô Vũ Dậu cũng là người thể hiện rất nhiều các ca khúc của tôi như “Những ánh sao đêm”, “Hành khúc ngày và đêm”…
Một nhạc sĩ như ông, đã cống hiến những sáng tác của mình cho hai cuộc kháng chiến của đất nước, từ năm 1945, khi mới 21 tuổi ông đã có một sáng tác vô cùng nổi tiếng là “Đoàn Vệ quốc quân” ghi dấu trong trái tim bao nhiêu người với những lời ca oai hùng. Cho đến thời điểm này, 90 năm sống trên đời nhìn lại, ông cảm thấy cái được lớn nhất là gì?
- Sáng nay (7.11), bên UBND TP.HCM cũng vừa cử người tới tặng hoa chúc mừng sinh nhật lần thứ 90 của tôi, tôi rất cảm động. Nhưng điều tôi mừng nhất là rất nhiều ca khúc của tôi đã được mọi người nhớ đến, hát và yêu nó, qua nhiều thế hệ. Với một nhạc sĩ thì không có niềm hạnh phúc nào hơn, còn nếu nói với tư cách một công dân, tôi cảm thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Vì tôi quan niệm, là một công dân, mình phải có một điều gì đó cống hiến cho đất nước, cho đồng bào, những sáng tác âm nhạc của tôi, đã góp một phần nào đó vào đời sống tinh thần của nhiều người, có nghĩa tôi đã làm được một việc có ích.
Năm nay 90 tuổi, nhưng lúc nào trong tôi cũng vang vang tiếng ca của bài hát tôi sáng tác năm 1945: “Cờ bay phấp phới ngời màu Lạc Hồng/Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng”, dòng máu Lạc Hồng, màu cờ Lạc Hồng lúc nào cũng cháy trong tim tôi.
Vậy còn nỗi buồn, ông ứng xử với nỗi buồn thế nào?
- Sống ở trên đời ai chả có lúc vui, lúc buồn, nhưng với nỗi buồn tôi thường giấu kín, tôi ít khi tâm sự kể lể nỗi buồn với ai. Nên mọi người lúc nào cũng thấy tôi yêu đời, lạc quan, vui vẻ. Nỗi niềm thì ai chả có, ví như tôi muốn có một ngôi nhà to và đẹp, tôi muốn có một bà vợ hai để đỡ đần (cười) nhưng đời cũng đâu có cho tôi, thế thì tôi khổ sở sầu não vì điều đó làm gì?
Đó là đùa vui thế thôi. Chứ tôi với bà nhà tôi sống với nhau đến nay đã 60 năm rồi, năm nay tôi 90, bà ấy 82, cũng bên nhau lên thác xuống ghềnh, còn ước mong gì hơn thế nữa. Tôi chỉ mong còn có sức khỏe để sáng tác, những lúc ốm đau mệt mỏi nằm trên giường bệnh, tôi không thể nghĩ đến âm nhạc được. Tóm lại là điều mong mỏi lớn nhất chỉ có thế thôi, trời cho sức khỏe, để được viết nhạc.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.