1. Thấm thoắt đã hơn hai mươi lăm năm, kể từ khi tôi và nhạc sĩ Trần Tiến ký hợp đồng với Ban Vận động dân số kế hoạch hóa của Trung ương Đoàn Thanh niên (gọi tắt là Trung ương Đoàn) để mời gọi các nhạc sĩ sáng tác âm nhạc cho đề tài này. Trần Tiến lúc đó đang là nhạc sĩ có lượng người hâm mộ rất lớn. Giới chuyên môn như nhạc sĩ Nguyễn Cường, Dương Thụ… coi Trần Tiến là ông hoàng nhạc pop Việt Nam.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Kha thì đặt anh vào hàng “tứ quái” (gồm Phó Đức Phương, Dương thụ, Nguyễn Cường, Trần Tiến). Đàn ông thích cái “gu” ăn mặc và vẻ mặt khá ngầu của anh, còn phụ nữ từ già tới trẻ thích cách anh biểu diễn trên sân khấu rất tự nhiên, rất hóm hỉnh với giọng trầm khàn, hát những bài hát của bản thân mà trong đó hầu hết là… ngẫu hứng: Ngẫu hứng lý qua cầu, Ngẫu hứng ngựa ô, Ngẫu hứng sông Hồng… hoặc các bài hát khác, dù không có tên là ngẫu hứng thì cũng được Trần Tiến viết một cách ngẫu hứng: Mặt trời bé con, Ngọn lửa cao nguyên, Tạm biệt chim én, Điệp khúc tình yêu, Vết chân tròn trên cát, Đôi mắt mang hình viên đạn, Chiếc vòng cầu hôn, Tớ là Jin ba cầu…
Ký hợp đồng xong, tôi giúp anh mời những nhạc sĩ: Trương Ngọc Ninh, Cát Vận, Vũ Ân Khoa, Thế Hiển, Nguyễn Cường, Duy Thái… đến họp rồi đi thực tế ở một số địa phương, nhưng nhiều kỷ niệm nhất là ở Hải Phòng. Sau đợt sáng tác lần thứ nhất, Trung ương Đoàn thu về 16 tác phẩm trong đó có các bài như Sao em nỡ vội lấy chồng, Lời ru chia đôi, Sói con ngơ ngác của tôi.
Tác phẩm nào cũng được đón nhận ở thời điểm đó và có một số bài được nhiều người thích đến tận bây giờ. Bài viết xong (ngày đó chưa có phòng thu như bây giờ), những người vỡ bài là các ca sĩ Ngọc Tân, Hồng Nhung, Quang Thọ và Thanh Hoa. Mỗi bài vừa vỡ, vừa hát để nghiệm thu catsê có 5 nghìn đồng nhưng các ca sĩ ai cũng vui, đến đúng giờ và nhiệt huyết mặc dầu sân khấu nghiệm thu bài trí sơ sài không có gì ngoài cây đàn guitar hoặc organ. Bài hát sau đó được Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại trong chương trình dân số kế hoạch hóa quốc gia.
Từ đó đến nay Trần Tiến đã viết thêm rất nhiều bài hát khác, hầu như bài nào cũng được yêu thích: Mưa bay tháp cổ, Tóc gió thôi bay, Chị tôi, Giấc mơ Cha-pi, Độc huyền cầm, Sắc màu, một xê-ri Ra ngõ (mà trông, mà yêu, mà vui, tụng kinh) và rất nhiều, nhiều nữa…
Sáng tác nào của Trần Tiến cũng đượm tình, nhưng có thể chia ra 2 mảng chính: Tình yêu con người (tình ca) và triết lý xã hội. Ở mảng nào thì âm nhạc và ca từ của Trần Tiến cũng thấm sâu vào lòng người bởi chất triết lý giàu nhân văn và cũng bởi nó được chắt ra từ đời sống thực.
2. Trần Tiến nổi tiếng từ lúc mới ngoài hai mươi tuổi. Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó, ở sân khấu dựng tạm trước gò Đống Đa, giữa những tiết mục của các giọng ca nổi danh như: Trần Hiếu, Ngọc Dậu, Trọng Nghĩa, Mạnh Hà, Ngọc Bé, Thuý Hà, Hữu Nội… Trần Tiến vừa hát vừa múa lăm-tơi bài Cô gái Sầm Nưa khiến cho người xem/nghe thích thú, không ít người còn nhắc về Trần Tiến bởi chỉ một ấn tượng đêm đó thôi. (Hồi đó việc nhún nhảy còn bị coi là thiếu chuẩn mực).
Những người nhà ở 94 Hàng Cỏ, hầu hết đều nổi danh, nhưng nổi hơn cả vì âm nhạc là thứ rất gần gũi với số đông, đó là Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, nghệ sĩ Trần Tiến, nghệ sĩ Trần Thu Hà. Chung một điểm là tài nghệ và duyên dáng, nhưng mỗi người trong dòng họ Trần này lại có cá tính và chính cá tính đó đã neo tên tuổi của họ vào với cuộc đời. Trần Thu Hà hiểu nhạc của chú mình, đó là những bản du ca thấm đẫm tình đời, là câu chuyện về kẻ độc hành đi tìm bản ngã, là những con người đau khổ cần được sẻ chia, nhưng cũng cô độc vượt thắng chính mình…
Nguyễn Cường bảo: “Trần Tiến sinh ra để... du ca, du ca là phương thức, là bản chất của Trần Tiến”. Đúng vậy, anh có thể có một đời sống nhung lụa bởi anh chị em trong nhà khá chiều chuộng anh, anh có người vợ đảm, là một nhà giáo được nể trọng, ngày còn trẻ khi chồng đi diễn chưa về, sau giờ chấm bài, chị bắc ghế ra đầu ngõ, chờ đến khi chồng về mới tắt đèn đi nghỉ, nhưng Trần Tiến vẫn chọn đời sống của kẻ du ca. Thiếu đời sống, thiếu sự lăn lộn để hiểu đời sống thì nghệ thuật khó chạm đến cõi lòng. Thế rồi những thân phận: người bán vé số, những cô gái điếm, những người mẹ, người chị, những nhăng nhố cuộc đời đều có mặt trong tác phẩm của anh và… đều rất hay, và sâu sắc.
Nếu âm nhạc nói chung có sức chia sẻ lớn lao mọi số phận cuộc đời, có sức động viên làm nên sức mạnh nâng bước cả một đạo quân thì nhạc Trần Tiến mạnh ở vế đầu. Và, đôi khi, vế đầu ấy lại đi cùng năm tháng, giống như những làn điệu dân ca với những cây đàn giản dị, thân thuộc đã để lại ấn tượng mạnh mẽ lên thời gian và không gian của người Việt.
Cuộc đời Trần Tiến không chỉ có may mắn mỉm cười, giống như dòng sông, có cả những khúc trầm luân. Đó là khúc lịch sử có tên là Đổi mới. Trần Tiến hát: “Tôi đã thấy, bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga, bạn tôi đi buôn trên đường phố Mỹ, bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương cũng chính vì nghèo. Anh có đau không? Chị có đau lòng không? Đừng hát những lời giả dối, đừng hát những lời hát nhàm chán…” (Trần trụi 87).
Với những nhà trật tự học thì khó có thể chấp nhận, khi mà sự thật bị trần trụi như thế. Và thế là, anh thất nghiệp và đói cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng, sức sống của một tâm hồn đầy chất du ca đồng nội đã đem đến cho cuộc đời anh tiếng cười và niềm lạc quan thay vì nước mắt hay oán hận. Có lẽ, anh tin ở con người, ở sự chân thành, nên anh vẫn sống như vốn thế. Tiếp tục đi hát khắp nơi với cây đàn guitar, đôi khi với ban nhạc do chính anh lập ra, gồm những người cũng lãng mạn không kém.
Trần Tiến cũng có những người bạn tuyệt vời, đã một thời chia sẻ với anh những khó khăn nhiều mặt, trong đó tôi thấy có Nguyễn Xuân Hiển, Lương Thế Phúc… những phi công có hạng và cũng là những nhà quản lý ngành hàng không Việt Nam một thời. Cũng một thời, Trần Tiến và Ngọc Tân là một cặp bài trùng, ngày ấy không ai hát nhạc Trần Tiến hay như Ngọc Tân với những bài: Sao em nỡ vội lấy chồng, Tạm biệt chim én, Vết chân tròn trên cát, Ngọn lửa cao nguyên, Ngẫu hứng lý qua cầu, Ngẫu hứng sông Hồng… Họ quý nhau nhưng cũng có những giận hờn, trách cứ bởi va chạm, hoặc bởi những giới hạn vốn có của con người. Song, không vì thế mà Ngọc Tân thôi không hát nhạc Trần Tiến, và Trần Tiến không vì thế mà phủ nhận giọng ca ăn ý với nhạc của mình. Không ít những fan hâm mộ Ngọc Tân, nhất là những fan ở Hải Phòng đã vì câu hát của Trần Tiến, qua giọng Ngọc Tân mà… ngồi ở cửa Nhà hát Tháng Tám chờ Ngọc Tân hằng đêm.
Cũng không ít người càng nghe Ngọc Tân hát mà thêm yêu Trần Tiến. Sau này, nhạc Trần Tiến có Trần Thu Hà, cháu gái ruột của nhạc sĩ hát với những bản phối mới, vô cùng ma mị, lôi cuốn…
3. Thấm thoắt đã hơn một phần tư thế kỷ. Bây giờ, giá trị của những lời nói thật đang phát huy tác dụng. Người Việt giờ đây, còn một bộ phận nghèo và rất nghèo nhưng đại đa số đã có cuộc sống sung túc. Cứ nhìn vào đời sống người dân ở khắp 63 tỉnh thành (chứ không riêng ở các thành phố phát triển, hay ở những tòa nhà đẹp đẽ với các tiện nghi hiện đại), nông thôn ngày nay là những cánh đồng 2 ,3 vụ lúa, đường, trường, điện, trạm không chỉ là ước mơ, mà là sự thật hiển hiện, người nghèo nhất cũng điện thoại di động, cũng tivi, tủ lạnh, xe máy, sân phơi, máy gặt đập thay sức người lao động.
Còn chuyện buôn bán ở Nga, ở Mỹ, ở Nhật, ở Trung Quốc, New Dealand… lại là những doanh nhân có tài mới làm được. Hay chuyện lừa đảo thì không chỉ có ở Việt Nam, không phải vì nghèo, mà ngay ở Mỹ, ở Australia… những xứ sở giàu có, kẻ lừa đảo cũng không hiếm gì. Những bài hát đóng góp vào công cuộc đổi mới ấy của Trần Tiến giờ có thể chỉ còn là kỷ niệm, nhưng nó làm nên gương mặt người nghệ sĩ có trách nhiệm xã hội. Trần Tiến giờ sống ở Vũng Tàu, ngoài sáng tác ca khúc anh cũng viết khí nhạc và còn viết tản văn. Hơn 20 tản văn của anh đã được nhiều nhà văn tìm đọc.
Nhận thức là một quá trình… Hơn hai mươi lăm năm, thời gian đã khiến cho nhận thức của chúng ta vượt đến một tầm mới, đem lại nhiều ấn tượng tích cực. Và chúng ta còn phải tiếp tục trên con đường nhận thức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.