Nhận bài học cay đắng từ gỗ nghiến nhập khẩu, một làng nghề ở Hưng Yên nói không với nguồn gỗ nhiều rủi ro

K.Nguyên Thứ sáu, ngày 04/11/2022 12:11 PM (GMT+7)
Hiện nay, nhiều làng nghề gỗ truyền thống ở Việt Nam đang nỗ lực đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Đặc biệt, nhiều làng nghề hướng đến sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước, nguyên liệu gỗ nhập khẩu ít rủi ro để đảm bảo phát triển bền vững.
Bình luận 0

Bài học cay đắng của một làng nghề từ gỗ nghiến nhập khẩu

Chia sẻ tại Hội thảo Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Chế biến gỗ Đồng Nai và Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico) tổ chức, ông Nguyễn Văn Trường, đại diện làng nghề Thụy Lâm (Hưng Yên) cho biết, các hộ làm nghề của làng nghề chế biến gỗ Thụy Lâm đã từng có thời điểm lao đao vì nguồn gỗ nhập khẩu không đảm bảo chất lượng.

"Có thời điểm thấy gỗ nghiến Lào có hình thức to đẹp, thợ của làng nghề chủ quan cứ thế chế biến, làm thành các sản phẩm gỗ cung ứng cho thị trường nhưng chúng tôi lại chưa tính đến độ co ngót của loại gỗ này nên được một thời gian là sản phẩm cong vênh. Làng nghề Thụy Lâm suýt nữa thì mất thương hiệu, khách hàng vì nguồn gỗ nguyên liệu không đảm bảo. Vượt qua giai đoạn khủng hoảng đó, hiện, chúng tôi ưu tiên những nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp, giá thành phải chăng để đảm bảo nhu cầu đa dạng của thị trường", ông Trường chia sẻ.

Nhận bài học cay đắng từ gỗ nghiến nhập khẩu, một làng nghề ở Hưng Yên kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp - Ảnh 1.

Làng nghề Hữu Bằng (Hà Nội) là một trong những làng nghề nỗ lực chuyển đổi nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước. Ảnh: Cao Cẩm.

Trong khi đó, ông Lê Phi Chiến, Giám đốc Công ty mộc Đan Phượng ở làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, nhận thấy nếu cứ phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ từ những thị trường có nhiều rủi ro về nguồn gốc thì sẽ không đảm bảo bền vững, các hộ sản xuất trong làng nghề Liên Hà đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất các sản phẩm có phong cách hiện đại, kết hợp gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên.

"Hiện nay, 70 – 80% các sản phẩm của làng nghề Liên Hà là sử dụng gỗ keo ghép thanh, ván dán và chủ yếu là từ nguồn gỗ rừng trồng trong nước nên nguồn nguyên liệu rất ổn định, vừa tạo động lực cho các hộ làm nghề, vừa giúp người trồng rừng tiêu thụ tốt sản phẩm", ông Chiến cho biết.

Là một trong những người đầu tiên sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ gỗ rừng trồng hợp pháp, ông Nguyễn Ngọc Thiện ở làng nghề mộc Hố Nai (Đồng Nai) cho biết, ông là người đầu tiên ở làng nghề sử dụng nguồn gỗ tần bì nhập khẩu có chứng nhận xuất xứ từ gỗ rừng trồng hợp pháp của các nước để chế biến gỗ thay thế cho những nguồn gỗ quý nhưng rủi ro về nguồn gốc trước đây.

"Lúc đầu ai cũng nghi ngại về tính hiệu quả nhưng chỉ sau một vài năm, 70% sản phẩm gỗ của Hố Nai chuyển sang sử dụng gỗ rừng trồng hợp pháp nhờ minh bạch nguồn gốc, giá hợp lý nên sản phẩm cung cấp cho thị trường cũng đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường", ông Thiện nói.

Liên kết với doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu sạch, lối ra của làng nghề

Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, cả ước hiện có trên 300 làng nghề sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ. Các làng nghề tạo việc làm cho hàng chục nghìn hộ gia đình.

Do lịch sử phát triển của các làng nghề gỗ với tính chất cha truyền con nối nên nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào của các làng nghề rất đa dạng, trong đó có nhóm sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng, ván ép dành cho phân khúc thấp của thị trường (giá rẻ, kiểu dáng mẫu mã đơn giản); mhóm sản phẩm làm từ gỗ nhập khẩu nguồn ít rủi ro là phân khúc trung của thị trường (giá trung bình, sản phẩm sáng màu, kiểu dáng mẫu mã hiện đại) và cuối cùng là nhóm sản làm từ gỗ nhập khẩu là gỗ tự nhiên, rủi ro.

Nhận bài học cay đắng từ gỗ nghiến nhập khẩu, một làng nghề ở Hưng Yên kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp - Ảnh 2.

Sản phẩm của các làng nghề tại chợ đầu mối về gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Ảnh: Tavico.

"Bên cạnh một số làng nghề còn đang loay hoay trong quá trình chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường thì cũng đã có những tín hiệu tích cực khi nhiều làng nghề như Liên Hà, Hữu Bằng,... đã nỗ lực liên kết với các doanh nghiệp để được cung ứng nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp", ông Phúc nói. 

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nêu một thông tin đáng chú ý, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu mét khối gỗ nguyên liệu, trong đó 30-40% là gỗ rủi ro. Điều này đã và đang có những tác động tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là ở khâu xuất khẩu. "Vụ điều tra 301 của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ về ngành gỗ Việt Nam cuối năm 2020 là một ví dụ điển hình về tác động tiêu cực này", ông Lập nêu một thực tế.

"Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ để loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, cả trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu không những giúp Chính phủ thực hiện cam kết này mà còn giúp giảm rủi ro cho cả ngành gỗ, bao gồm cả khâu xuất khẩu. Giảm lượng gỗ rủi ro nhập khẩu đòi hỏi các hộ tại các làng nghề chuyển sang sử dụng các loại ít rủi ro, bao gồm gỗ rừng trồng trong nước hay các loại ván. Do vậy, chuyển đổi gỗ nguyên liệu tại các làng nghề không phải là câu chuyện riêng của các làng nghề mà còn là trách nhiệm của xã hội, của cơ quan quản lý và của cả cộng đồng doanh nghiệp gỗ", ông Lập khẳng định.

Nhận bài học cay đắng từ gỗ nghiến nhập khẩu, một làng nghề ở Hưng Yên kiên quyết nói không với gỗ bất hợp pháp - Ảnh 3.

Ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends cho rằng, chuyển đổi gỗ nguyên liệu tại các làng nghề không phải là câu chuyện riêng của các làng nghề mà còn là trách nhiệm của xã hội, của cơ quan quản lý và của cả cộng đồng doanh nghiệp gỗ. Ảnh: B.Thắng.

Theo ông Lập, có một tín hiệu vui là gần đây đã có sự hình thành một số mô hình liên kết giữa công ty trong ngành gỗ và hộ gia đình tại một số làng nghề nhằm mục tiêu chuyển đổi nguyên liệu đầu vào tại các làng nghề này. Mô hình liên kết của TAVICO với một số làng nghề phía Bắc là một điểm sáng về câu chuyện này. 

Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico), đơn vị đầu tiên xây dựng chợ đầu mối về nguyên liệu gỗ nhập khẩu hợp pháp cung cấp cho các doanh nghiệp và làng nghề cho biết, nhu cầu sử dụng nguồn gỗ tây hợp pháp tăng trưởng nhanh theo từng năm.

"Tôi nhớ năm 2007 – 2008, lần đầu tiên tôi nhập 4 container gỗ tần bì về nước, để 6 tháng ở cảng không ai mua, sau đó, tôi có chuyển cho một cơ sở ở làng nghề Hữu Bằng và chỉ sau một năm, gần như cả làng nghề thay nguồn nguyên liệu gỗ xoan đào vốn sử dụng từ nhiều năm trước sang gỗ tần bì", ông Hà thông tin.

Theo ông Hà, hiện nay, người tiêu dùng càng quan tâm tới vấn đề môi trường, trong đó có việc sử dụng gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều làng nghề lại không thật sự chú trọng, thậm chí thả nổi vấn đề về gỗ nguyên liệu hợp pháp. 

"Chúng tôi muốn thay đổi thói quen này và quan trọng hơn, các làng nghề phải là hạt nhân đầu tiên tuân thủ các hiệp định thương mại, các cam kết mà Chính phủ Việt Nam đã ký về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Muốn vậy, cần thay đổi mạnh mẽ thói quen từ làng nghề và xây dựng một môi trường và thị trường nội địa với những sản phẩm gỗ hợp pháp. Tới đây, chúng tôi sẽ mở rộng mô hình liên kết này nhằm tạo ra mạng lưới rộng khắp cả nước", ông Hà nói.

Từ nhu cầu sử dụng nguồn gỗ hợp pháp ngày càng cao của các làng nghề, ông Tô Xuân Phúc kiến nghị Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ hình thành liên kết giữa công ty và các hộ làng nghề; tăng cường truyền thông thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng gỗ quý. 

Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ nên coi hợp phần thị trường nội địa là hợp phần không thể tách rời của ngành gỗ, trực tiếp tác động tới hợp phần xuất khẩu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem