Nhận cứu trợ khủng, Hy Lạp bị ràng buộc gì?

Thứ tư, ngày 22/02/2012 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tuyên bố, từ nay đến cuối tháng 2.2012, Hy Lạp phải đáp ứng một loạt điều kiện nếu muốn nhận đủ khoản cứu trợ chưa từng có lên tới 130 tỷ euro này.
Bình luận 0

Ngày 21.2, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thông qua thỏa thuận về một gói cứu trợ khổng lồ mới trị giá 130 tỷ euro dành cho Hy Lạp.

Bật đèn xanh

Cuộc họp của Eurozone về tình hình ở Hy Lạp một lần nữa bị kéo dài suốt đêm 20.2. Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro, hầu hết đến Brussels ủng hộ chương trình viện trợ quốc tế thứ hai cho Hy Lạp lên đến 130 tỷ euro, đã tranh luận căng thẳng về các điều kiện kích hoạt chương trình.

img
Các nhà lãnh đạo EU họp bàn về gói cứu trợ Hy Lạp suốt đêm 20.2.

Theo nguồn tin ngoại giao, cuộc đàm phán diễn ra trên nhiều hướng, tuy nhiên, những ý kiến đóng góp đều tỏ ý “bật đèn xanh” cho gói cứu trợ. Thủ tướng Hy Lạp thảo luận với đại diện các ngân hàng tư nhân, chủ sở hữu trái phiếu của Hy Lạp về các điều khoản chuyển dịch cơ cấu khu vực tư nhân 100 tỷ euro nợ của Athens. Đồng thời, khu vực đồng euro và IMF đang cố gắng để thống nhất về mục tiêu chiến lược cho việc giảm nợ công của Hy Lạp.

Những dự định ban đầu cho rằng vào năm 2020, Athens nên giảm bớt số tiền nợ công từ 160 - 120% GDP. Trong khi đó, các chuyên gia là "bộ ba" (Ủy ban châu Âu, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu) ủng hộ ý kiến rằng sẽ giảm nợ đến 127% GDP. Hầu hết các quốc gia khu vực đồng euro sẵn sàng chấp nhận hoàn cảnh giảm nhẹ như vậy, nhưng IMF vẫn không đồng ý với quan điểm này và khẳng định tiếp tục cắt giảm chi tiêu ngân sách của Athens.

Quyết định trên ngay lập tức nâng tỷ giá đồng euro tăng so với đồng USD tại các thị trường châu Á.

Ràng buộc

Cùng ngày, Chủ tịch nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker tuyên bố, từ nay đến cuối tháng 2.2012, Hy Lạp phải đáp ứng một loạt điều kiện nếu muốn nhận đủ khoản cứu trợ chưa từng có lên tới 130 tỷ euro này.

Ông Juncker cho biết, theo một thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ tư nhân, những khoản cho vay của các đối tác trong Eurozone sẽ được chi cho "việc thực thi những hoạt động ưu tiên". Eurozone cũng sẽ tổ chức một cuộc họp để đánh giá liệu Athens có đáp ứng các cam kết vào khoảng đầu tháng 3 tới hay không. Chủ tịch Juncker khẳng định việc thông qua gói cứu trợ khổng lồ nói trên sẽ "đảm bảo tương lai của Hy Lạp trong Eurozone".

Theo ông Hans-Werner Sinn - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Munich, gói cứu trợ thứ hai chỉ gây ra sự lãng phí thời gian, khi mà nợ công của Hy Lạp sẽ tiếp tục leo cao nếu nước này còn nằm trong khu vực đồng euro.

Trong khi đó, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã hoan nghênh quyết định của Eurozone thông qua thỏa thuận cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp, đồng thời cho biết sẽ trình thỏa thuận này với ban lãnh đạo IMF trong tuần thứ hai của tháng 3.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của giới chuyên gia, mặc dù các nhà đầu tư ăn mừng khi lãnh đạo châu Âu tiến gần hơn tới việc thông qua ngân khoản mới, thì một lo ngại hiện hữu rằng, số tiền này không đủ giải thoát cho đất nước đang oằn mình dưới gánh nặng nợ công.

Vấn đề căn bản là Hy Lạp không có khả năng cạnh tranh. Khoản cho vay lãi suất thấp bằng đồng euro trên thực tế đã đẩy giá cả và chi phí nhân công của nước này tăng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem