Có đàn bò béo nhờ vốn vay ưu đãi
Theo anh Nguyễn Văn Quý - Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 6, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Hoa - một trong những người được vay vốn từ Ngân hàng CSXH và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
Chị Hoa tâm sự, chồng chị mất sớm, nhà có 4 mẹ con, trước đây hoàn cảnh rất khó khăn. Khi thấy mọi người đầu tư chăn nuôi bò mang lại hiệu quả cao, chị Hoa cũng muốn làm nhưng không có vốn nên đành chịu. Đầu năm 2016, được Ngân hàng CSXH cho vay 45 triệu đồng, chị Hoa dùng số tiền đó mua 2 con bò cái về nuôi, xây thêm chuồng trại, trồng cỏ… Sau gần 2 năm đầu tư chăm sóc, 2 bò mẹ đã đẻ được 1 bê con và 1 con đang chửa.
“Tôi vừa bán đi 1 con bê được 17 triệu đồng để đầu tư nhân thêm số lượng đàn bò của gia đình. Ngoài nuôi bò, gia đình tôi còn nuôi thêm lợn, gà... Vì vậy, mỗi năm gia đình tôi đã có thu nhập ổn định. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH không chỉ giúp gia đình tôi mà cùng nhiều hộ khác trên địa bàn xã Quảng Thạch từng bước vươn lên ổn định cuộc sống” - chị Hoa chia sẻ.
Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, hàng ngàn hộ nghèo tỉnh Quảng Bình đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, thả cá lồng hiệu quả. ảnh: Tuấn Ngọc
Còn ở xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, mọi người nhắc đến cựu chiến binh Lê Văn Soát như một hình mẫu giảm nghèo bền vững. Sau khi lên đường nhập ngũ, sang chiến trường Lào, ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, năm 1984 lập gia đình với hai bàn tay trắng. Các con lần lượt ra đời khiến cuộc sống gia đình thêm bộn bề khó khăn, thiếu thốn.
Năm 2013, được vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ nghèo của Ngân hàng CSXH, ông Soát đã đầu tư chăn nuôi hiệu quả và thoát nghèo. Năm 2015, ông Soát mạnh dạn vay tiếp 30 triệu đồng vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cộng với số vốn tích luỹ có được để phát triển trồng trọt kết hợp với chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã có 25 con bò, ao cá rộng cùng 2ha rừng tràm, đồng thời kinh doanh vật tư nông nghiệp, xay xát gạo, mỗi năm mang lại lợi nhuận tới 100 triệu đồng.
Hơn 99% vốn vay được ủy thác qua các đoàn thể
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH không chỉ giúp gia đình tôi mà còn nhiều hộ khác trên địa bàn xã Quảng Thạch từng bước vươn lên ổn định cuộc sống”.
Chị Nguyễn Thị Hoa |
Hiện tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình đạt 2.760 tỷ đồng với hơn 83.000 hộ vay, bình quân mỗi hộ có dư nợ 33,2 triệu đồng. Riêng năm 2017, doanh số cho vay của Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình đạt 815 tỷ đồng, với trên 25.000 lượt khách hàng vay, bình quân cho vay 31,2 triệu đồng/khách hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình cho biết, để quản lý vốn vay hiệu quả, hơn 99% số vốn vay Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay là thông qua 4 đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên). Tổng dư nợ các chương trình ủy thác đạt 2.756 tỷ đồng, chiếm hơn 99% so với tổng dư nợ (tăng 180 tỷ đồng so với đầu năm) thông qua 2.331 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 86.337 thành viên… Nhờ làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện thông báo nợ đến hạn và kế hoạch xử lý nợ đến hạn kịp thời nên cuối năm 2017, nợ quá hạn và khoanh nợ các chương trình cho vay ủy thác 5,3 tỷ đồng, giảm so với đầu năm 1,9 tỷ đồng.
Từ vốn vay Ngân hàng CSXH, hàng ngàn hộ nghèo tỉnh Quảng Bình đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò, thả cá lồng hiệu quả. ảnh: Tuấn Ngọc
Để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác cho vay cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, năm 2018, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Quảng Bình chú trọng thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh huy động vốn từ cộng đồng dân cư, thực hiện tốt các giải pháp xử lý nợ, củng cố chất lượng hoạt động tại điểm giao dịch xã, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tín dụng, tổ chức hội các cấp, ban quản lý và thành viên tổ tiết kiệm và vay vốn…
Hàng năm, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Bình đều phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, tập huấn lồng ghép kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.