Mối nguy về mất uy tín
Luật sư Lê Quang Vinh - Công ty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự (Hà Nội) cho biết, ngoài Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot coffe Co.,Ltd đã đăng ký bảo hộ độc quyền 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên lãnh thổ Trung Quốc, đã phát hiện một công ty khác tại Pháp là ITM Enterprises cũng chiếm đoạt thương hiệu cà phê Việt Nam dưới tên “Dak Lak”.
|
Nông dân thu hoạch cà phê trong vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. |
Ngoài việc đăng ký bảo hộ tại Pháp, ITM Enterprises còn dùng quyền độc quyền tại Pháp để tiếp tục đăng ký bảo hộ tại nhiều quốc gia khác như Nga, Đức, Bỉ, Hà Lan, Hungary... theo hệ thống Madrid.
Nguy hại hơn, Madrid là hệ thống đăng ký nhãn hiệu đã được quốc tế công nhận bởi Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid - có hiệu lực từ ngày 1.12.1993. Do vậy, khả năng cà phê Buôn Ma Thuột hoặc Đăk Lăk bị ngăn chặn ngay từ biên giới hoặc bị kiện tại các nước này với lý do xâm phạm sở hữu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, uy tín cà phê Buôn Ma Thuột với khách hàng quốc tế sẽ bị suy giảm, do cà phê Buôn Ma Thuột xuất hiện tại các nước này không được sản xuất tại Buôn Ma Thuột.
“Về phương diện quốc gia, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột hoặc Đăk Lăk gắn liền với sản phẩm cà phê là tài sản của Nhà nước Việt Nam. Khi các chỉ dẫn địa lý này bị nước ngoài đăng ký bảo hộ riêng, tức là tài sản quốc gia bị rơi vào tay kẻ khác” - luật sư Vinh nhấn mạnh.
Như vậy, không chỉ hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đăk Lăk tại Trung Quốc và Pháp, Việt Nam sẽ khó có thị trường tại 10 quốc gia khác đã bị Công ty ITM Enterprises đăng ký bảo hộ độc quyền.
Thủ phủ cà phê cần nhanh tay
Từ sự việc trên, UBND tỉnh Đăk Lăk đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án “Hỗ trợ và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột” với sự tham gia của các doanh nghiệp, Hội Nông dân, hộ sản xuất cà phê với mục tiêu đưa Luật Sở hữu trí tuệ vào thực tiễn sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê. Sau khi dự án thành công, các đối tượng hưởng lợi sẽ được sử dụng logo, tem, nhãn, bao bì do dự án xây dựng, được hỗ trợ thương mại quốc tế...
Ngày 14.9, ông Võ Minh Sơn - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết: UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra thông tin, theo dõi diễn biến và kịp thời báo cáo UBND tỉnh. Còn theo ông Võ Thanh - Giám đốc Sở Công Thương Đăk Lăk - thì tinh thần chung là cố gắng giải quyết bằng con đường ngoại giao, nếu không được mới khởi kiện. Trường hợp khởi kiện thì phải giải quyết vấn đề lựa chọn tư vấn.
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã gửi công văn tham vấn Cục Sở hữu trí tuệ để giải quyết việc nước ngoài đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, và xác định phải tiến hành khẩn trương, quyết liệt để bảo vệ thương hiệu.
Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại nước ngoài lại chưa được thực hiện. Trong khi đó, ITM Enterprises không phải là ông chủ đích thực nhưng lại đăng ký bảo hộ tại 11 quốc gia.
Vì vậy, theo Cục Sở hữu trí tuệ và Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cùng với việc xúc tiến hủy bỏ hiệu lực các nhãn hiệu bị doanh nghiệp Trung Quốc và Pháp chiếm đoạt, Đăk Lăk cần xúc tiến đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tùy theo khả năng tài chính, việc đăng ký có thể tiến hành trước tại các nước hàng đầu về tiêu thụ cà phê của Việt Nam.
Đồng Nguyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.