Nhận hối lộ 42,6 tỷ, cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên thoát án tử hình

Gia Bình - Bách Thuận Thứ sáu, ngày 28/07/2023 17:24 PM (GMT+7)
Phạm Trung Kiên bị viện kiểm sát đề nghị phạt tử hình nhưng sau đó đã nộp lại 42 tỷ đồng, gần hết số nhận hối lộ. Tòa án căn cứ vào việc này và các tình tiết giảm nhẹ khác, chỉ tuyên tù chung thân.
Bình luận 0

Phần tuyên án vụ chuyến bay giải cứu chiều 28/7, Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình, tạo dư luận xấu trong nhân dân.

Đặc biệt, nhóm 20 bị cáo nhận hối lộ đều có chức vụ quyền hạn nhưng lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho buộc doanh nghiệp đưa hối lộ.

Nhận hối lộ 42,6 tỷ, cựu Thư ký Thứ trưởng Phạm Trung Kiên thoát án tử hình - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên thoát án tử hình dù nhận hối lộ 253 lần tổng số hơn 42,6 tỷ.

Thủ đoạn nhận hối lộ có 2 trường hợp, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền "bất thành văn" mới được cấp phép chuyến bay. Một số bị cáo còn thông đồng, chia sẻ nhau tiền nhận hối lộ nên cần xử phạt nghiêm.

Trong vụ án, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng. Hội đồng xét xử thấy mức tử hình viện kiểm sát đề nghị áp dụng cho bị cáo là tương xứng.

Tuy nhiên, quá trình truy tố, xét xử, bị cáo Kiên đã thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tác động gia đình khắc phục tổng số hơn 42 tỷ đồng; có bố đẻ và bố vợ là thương binh… Hội đồng xét xử thấy không cần phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo khỏi xã hội, chỉ cần áp dụng hình phạt tù để khuyến khích những người phạm tội ra đầu thú; đảm bảo giáo dục riêng, phòng ngừa chung.

Do vậy, Phạm Trung Kiên bị phạt tù chung thân về tội "Nhận hối lộ", yêu cầu nộp thêm hơn 400 triệu đồng còn thiếu để khắc phục hậu quả; hình phạt bổ sung là phạt tiền 100 triệu đồng.

Tại phần xét hỏi và tranh luận, Kiên thừa nhận mình không có quyền hạn phê duyệt, chỉ có nhiệm vụ đưa hồ sơ lên cho Thứ trưởng xét duyệt rồi nhận lại, chuyển về Văn phòng Bộ; không có trường hợp nào bị từ chối. "Bị cáo luôn làm việc đúng thời gian, không ngâm hồ sơ, không chậm khâu nào", Kiên nói.

Kiên tuy vậy thừa nhận có cầm tiền của đại diện các doanh nghiệp, gồm 27 tỷ đồng của các chuyến bay combo và 15 tỷ của các chuyến bay lẻ. Anh ta tuy vậy nói: "Bị cáo không yêu cầu phải đưa tiền. Việc đưa, mức chi, hình thức chi là doanh nghiệp chủ động đề xuất".

Số tiền nhận hối lộ, Kiên khai mang cho một người chú ở Thái Bình vay; còn đâu đi đầu tư đất đai ở Ba Vì, Mũi Né và: "Bị cáo không đưa tiền cho ai, cam đoan việc này đúng sự thật, không bị ai tác động phải khai như vậy".

Trước việc Kiên nói không ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền cho mình, chủ tọa cho một số bị cáo là chủ doanh nghiệp lên đối chất.

Bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun khai: "Kiên quát, nói các anh làm ăn phải nộp mấy triệu/khách". Mọi người sau đó phản ứng, bảo thế nộp đến chục tỷ một chuyến thì "không ai chịu được".

"Kiên dịu giọng, nói tôi biết các anh nộp cho anh Tuấn A08 là 150 triệu/chuyến thì cũng nộp cho tôi như vậy", Dương khai.

Một bị cáo khác khai: "Bị cáo có nói bên anh bay nhiều, cho rút xuống 100 triệu/chuyến được không? Kiên bảo không, cái này theo barem rồi". Một số người khác khai tương tự, nói Kiên ép họ phải đưa tiền nếu không sẽ không được cấp phép chuyến bay giải cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem