Nhận mặt “kẻ thù” của cây cà phê

Thứ tư, ngày 22/12/2010 20:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với tổng diện tích cà phê trên 11.400ha, hàng năm Bình Phước cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước trên dưới 15.000 tấn cà phê nhân các loại, thu về hàng chục tỷ đồng lợi nhuận.
Bình luận 0
img
Mọt đục cành tấn công làm cành cà phê héo dần và chết.

Tuy nhiên thời gian qua, thời tiết diễn biến bất thường, nắng hạn kéo dài làm người trồng cà phê đứng trước rất nhiều thách thức. Song song đó, nhiều loại sâu, bệnh xuất hiện tấn công và gây hại cây cà phê, phổ biến nhất là rệp và mọt đục cành.

Ông Nguyễn Hữu Thuận - lão nông có trên 10 năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc cà phê (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp) cho biết: Về rệp, cà phê thường bị rệp vảy xanh (Coccus viridis), rệp vảy nâu (Saissetia hemisphaerica) và rệp sáp (Pseudococcus sp) gây hại. 3 loại rệp này gây hại ở nhiều giai đoạn và trên nhiều bộ phận của cây (lá, chồi, trái…).

Rệp vảy xanh và rệp vảy nâu gây hại trên các chồi, lá non của cây cà phê. Còn rệp sáp thường tấn công trên trái, chúng chích hút chất dinh dưỡng ở cuống của trái cà phê, gây rụng trái. 3 loại rệp này gây hại mạnh nhất vào mùa khô và đầu mùa mưa, đặc biệt là lúc nắng mưa xen kẽ nhau.

Còn mọt đục cành (Xyleborus morstatti) là những con bọ cánh cứng có kích thước rất nhỏ, chỉ bằng đầu kim nên rất khó phát hiện. Con cái màu đen bóng, con đực màu nâu xám, dài trung bình từ 1-1,6mm. Chúng đục những lỗ nhỏ ở bên dưới các cành non hay bên hông các chồi vượt và làm tổ đẻ trứng khiến cành, chồi khô héo dần và chết đi. Chúng gây hại mạnh nhất vào các tháng mùa khô.

Ông Thuận khuyến cáo: Các loại rệp chỉ tấn công trên các bề mặt của lá, trái… nên bà con chỉ việc dùng các loại thuốc đặc trị rệp phun ướt đều lên các tán lá là được. Các loại thuốc có thể sử dụng để phòng trừ như: Nitox 30EC, Bonus 40EC, Nobas…, (liều lượng theo chỉ dẫn của nhà sản xuất).

Riêng đối với mọt đục cành, do đặc tính gây hại ở bên trong cành cây nên phun thuốc thường không hiệu quả. Tốt nhất bà con nên cắt bỏ những cành bị mọt gây hại và đem ra khỏi vườn để tiêu hủy nhằm tránh lây lan sang cành khác. Bà con cũng có thể sử dụng Nitox 30EC, Bonus 40EC, Nibas… để phun (theo chỉ dẫn của nhà sản xuất) khi vườn cà phê vừa xuất hiện mọt đục cành để hạn chế lây lan đến mức thấp nhất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem