Nhẫn nại chinh phục đất phèn, nên kiện tướng trồng lúa, thu lãi hàng tỷ mỗi vụ

Trần Đáng Thứ hai, ngày 06/03/2023 19:00 PM (GMT+7)
Đang làm giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản của tỉnh Kiên Giang, ông Võ Văn Nhẫn (ở xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, Kiên Giang) xin nghỉ ngang về trồng lúa. Giờ đây, lão nông Hai Nhẫn thu lời hàng tỷ đồng mỗi vụ lúa.
Bình luận 0

Một ngày đẹp trời, ông Hai Nhẫn rủ chúng tôi về thăm các trà lúa ông đang chuẩn bị cắt nằm sâu trong vùng tứ giác Long Xuyên. Tại đây, ông Hai Nhẫn đang trồng lúa với 2 trà (ruộng): IR 50404 rộng 140ha và ST24 rộng 60ha.

Vùng đất của những đại điền chủ trồng lúa

Con phà nhỏ đưa chúng tôi vượt kênh Rạch Giá – Hà Tiên (thuộc xã Kiên Bình) để đặt chân vào vùng tứ giác Long Xuyên. Chiếc xe bán tải bò chậm chạp trên con đường đất cặp kênh 6 vào nhà ông Hai Nhẫn. Mùa này, hai bên đường, những trà lúa đang chờ thu hoạch vàng ươm, trĩu nặng hạt chạy dài liên tiếp.

Khoảng 20 năm trước, tôi đã có mặt trên vùng đất lung phèn này để xem nông dân vật vã khai hoang trồng lúa. Trong cuốn sổ tay cũ kỹ của tôi giờ vẫn còn ghi các thông số về khu tứ giác Long Xuyên. 

Theo đó, tứ giác Long Xuyên là một vùng đất hình tứ giác thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên địa phận 3 tỉnh, thành: Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Vùng tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên khoảng 489.000ha. Địa hình trũng, tương đối bằng phẳng với độ cao tuyệt đối 0,4 - 2m.

Nhẫn nại chinh phục đất phèn, nên kiện tướng trồng lúa - Ảnh 1.

Tình yêu với cây lúa đã khiến ông Hai Nhẫn nghỉ chức giám đốc công ty để về vùng đất phèn trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Hơn chục năm trồng lúa, chưa bao giờ ông Hai Nhẫn lo bị thương lái ép giá hay không bán được lúa. Để nâng cao giá trị hạt gạo, ông còn đầu tư nhà máy xay xát, công suất 300 tấn/ngày, đêm.

Vào mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 12), vùng đất này thường ngập trong nước với độ sâu 0,5 - 2,5m. Vào mùa khô, vùng này thường khô hạn và bị nước mặn xâm nhập. Chương trình đào kênh thoát lũ ra biển Tây của Chính phủ phần nào giải quyết tình trạng ngập lũ và đất bị nhiễm mặn của vùng đất này.

Những năm 1988 - 1989, các tỉnh vùng tứ giác Long Xuyên đã triển khai chương trình khai phá tiềm năng vùng đất hoang hóa, nhiễm phèn nặng, ít người lui tới này. Nhiều nông dân đã dắt díu gia đình vào vùng đất "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh" để khai hoang hòng tìm kiếm mảnh đất sinh tồn.

Ngày đặt chân lên vùng đất này, tôi đã gặp ông Sáu Đức (Nguyễn Lợi Đức, ở xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, An Giang) đưa vợ con đi khai hoang. Ngồi với nhau bên chén trà, biết bao nỗi niềm vui có, buồn có được ông Sáu Đức trút ra. 

Giờ ông Sáu Đức là một đại điền chủ nổi tiếng vùng tứ giác Long Xuyên với hơn 1.000ha đất trồng lúa, nuôi bò, trồng chuối xuất khẩu. Số đất ruộng này ông Sáu Đức và gia đình đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt khai hoang mà có.

Xe vừa dừng lại điểm trung chuyển, chúng tôi lại xuống vỏ lãi để ông Hai Nhẫn đưa đi xem trà lúa. Theo con kênh 6, chiếc vỏ lãi khẳm lừ đưa chúng tôi vào sâu trong lõi tứ giác Long Xuyên thăm trà lúa của ông Hai Nhẫn. 

Nếu như vào thập niên 80 thế kỷ trước, ông Sáu Đức đã đi khai hoang, thì mãi sau này, vào khoảng năm 2010, ông Hai Nhẫn mới vào theo. Tuy nhiên, theo ông Hai Nhẫn, "độ khó" của việc khai hoang vùng đất khắc nghiệt này dù trước hay sau thì cũng như nhau.

Nhẫn nại chinh phục đất phèn, nên kiện tướng trồng lúa - Ảnh 3.

Để trồng lúa, ông Hai Nhẫn mua sắm các thiết bị, công cụ hiện đại, và xây dựng cả nhà máy xay xát... Ảnh: Trần Đáng

Ý thức và "rút kinh nghiệm người đi trước", ông Hai Nhẫn trước khi bắt tay khai hoang vùng đất chua phèn nặng này đã sắm sửa máy cày, mày cuốc. "Khi tôi vào, cỏ năng và rừng tràm ngút ngàn thấy rất nản. Không có máy móc hỗ trợ khai hoang chắc còn lâu tôi mới có đất trồng lúa" - ông Hai Nhẫn bộc bạch.

Khai hoang đất đến đâu, ông Hai Nhẫn đào kênh xổ phèn đến đó. Vậy mà đến tận bây giờ, trà lúa 140ha đang trồng lúa IR50404 vẫn còn đỏ quạch phèn chua. Những năm đầu trồng lúa, năng suất chỉ khoảng 3 – 4 tấn/ha. Và đến vụ lúa này, ông Hai Nhẫn mới dám mời bạn bè vào xem khi trà lúa cho năng suất cao chót vót 10 tấn/ha nhờ công thức phân bón do một người bạn thân chỉ dẫn. 

Người bạn đó là ông Lê Quốc Phong - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II.

Theo ông Hai Nhẫn, 4 - 5 năm trước, ông quyết định phải đột phá trồng lúa để đẩy nhanh nâng cao năng suất trên vùng đất lung phèn. Để làm việc này, ông Hai Nhẫn quyết định sử dụng loại phân có chứa hữu cơ thế hệ mới và hoạt chất Eco – Nanomix của Công ty cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II để bón lúa. 

Ông Hai Nhẫn nhận xét, loại phân bón này làm cho đất xốp, giúp cây trồng hấp thụ triệt để phân bón. Hoạt chất Eco – Nanomix phá vỡ các chất cố định trong đất, giúp lúa hấp thụ chất dinh dưỡng có sẵn trong đất.

"Sử dụng loại phân bón thế hệ mới này chỉ bón phân 2 lần/vụ, giảm khoảng 40% lượng phân bón so với việc trồng lúa trước đây, lúa ít sâu bệnh. Đặc biệt, việc sử dụng loại phân bón này còn làm giảm phát thải khí CO2 ra môi trường" - ông Hai Nhẫn chia sẻ.

Ông Hai Nhẫn đánh giá, dù giảm lượng phân, thuốc trong vụ lúa, nhưng năng suất gần như không thua kém so với kỹ thuật bón phân trồng lúa hiện nay. Hiện, tại trà lúa IR50404 sắp thu hoạch, ông Hai Nhẫn cho biết, năng suất lúa ước đạt khoảng 10 tấn/ha. Còn tại trà lúa ST24, năng suất khoảng 8 tấn/ha.

Thu tiền tỷ mỗi vụ lúa

Ông Hai Nhẫn thổ lộ, ông biết đến cây lúa từ thuở thiếu thời, và tình yêu với cây lúa cứ theo mãi cho đến tận bây giờ. 

"Tôi rất mê trồng lúa. Chính vì vậy, tôi bỏ việc làm lãnh đạo công ty để về trồng lúa. Quyết định này khiến nhiều người thân, bạn bè phản đối" - ông Hai Nhẫn thổ lộ.

Tuy nhiên, bởi từng kinh qua quản lý và kinh doanh, cho nên việc làm ra hạt lúa với ông Hai Nhẫn là một công việc kinh doanh chứ không đơn thuần "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Theo ông Hai Nhẫn, hơn chục năm trồng lúa, chưa bao giờ ông lo đến việc bị thương lái ép giá hay không bán được lúa. Thậm chí, để nâng cao giá trị hạt gạo, ông đầu tư nhà máy xay xát lúa để sản xuất gạo bán cho thị trường trong nước và xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Theo đó, sau khi thu hoạch, ông đưa tất cả sản lượng lúa về nhà máy của mình. Mỗi ngày đêm, nhà máy này xay xát 300 tấn lúa. Hiện giá lúa ST24 tươi 7.500 đồng/kg, ông Hai Nhẫn lời 35 triệu đồng/ha. Tính chung, chỉ với 60ha trồng lúa vụ đông xuân này, ông Hai Nhẫn lời hơn 2 tỷ đồng.

Giữa trưa nắng chang chang, chúng tôi chia tay ông Hai Nhẫn. Trên chuyến phà ngang kênh Rạch Giá - Hà Tiên, chúng tôi tình cờ quen ông Nguyễn Xuân Niệm - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang. Ông Niệm cũng đang đi khảo nghiệm mô hình trồng lúa giống xuất khẩu sang Nhật trong vùng tứ giác Long Xuyên. Nhắc đến ông Hai Nhẫn, ông Niệm cười gật gù: "Ông Hai Nhẫn xa lạ gì với tôi. Trong mấy ông nông dân ở vùng tứ giác Long Xuyên này, Hai Nhẫn là kiện tướng trồng lúa". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem