Nhân SEA Games 27, khám phá chuyện lạ ở trường quê Myanmar

Thứ bảy, ngày 14/12/2013 06:45 AM (GMT+7)
SEA Games 27 không chỉ mang đến cho người dân Myanmar những ngày hội thể thao. Các ngôi trường làng nhờ có SEA Games cũng sẽ được nâng cấp trong tương lai gần...
Bình luận 0
Lớp học nhà tranh, vách đất

Cách khá xa khu vực trung tâm Nay Pyi Taw, làng Pyin Ma Nar là nơi có nhiều nông dân và dân nghèo sinh sống. Các túp nhà lụp xụp thậm chí được dựng lên bằng nứa. Chắc ở đây ít bão lũ, thiên tai bởi nếu không, chỉ cần vài đợt cuồng phong thì người dân lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất” tức thì. Chợ quê có rất nhiều nông sản và cả các nhu yếu phẩm khác. Điểm chung - cái gì cũng có giá khá rẻ, cầm khoảng 5.000 kyat (tương đương 100.000 đồng) là du khách như chúng tôi có thể mua được khối quà.

Giờ học sôi nổi ở Trường số 4 (Pyin Ma Nar, Nay Pyi Taw).
Giờ học sôi nổi ở Trường số 4 (Pyin Ma Nar, Nay Pyi Taw).

Đời sống người dân còn nhiều khó khăn thế nên trường học thiếu sự khang trang cũng là dễ hiểu. Chặng đường khám phá đưa chúng tôi đến ngôi trường số 4, khi thầy trò đang trong giờ lên lớp. Ấn tượng đầu tiên khi mục sở thị ngôi trường này là sự tuềnh toàng. “Lớp học” được dựng lên bằng những thanh tre đan và phủ mái tôn, trong thời tiết nắng nóng, không khí khá oi bức. Bàn ghế thì được đóng bằng những tấm gỗ dài, nhiều học sinh chân còn lấm bùn đất... Chúng tôi chợt thấy cay cay nơi sống mũi khi khung cảnh này gợi nhớ đến những lớp học vùng cao ở Việt Nam, nơi điều kiện sinh hoạt, học tập còn nhiều thiếu thốn lắm, nhưng không ngăn được tấm lòng với nghề của thầy cô và tinh thần hiếu học của học trò.

Cả một dãy lớp học chỉ được ngăn cách qua một tấm phên nên tiếng giảng bài, đọc bài ở lớp này cứ vọng sang khác khác. Nhưng không sao, đó là chuyện thường bởi thầy, trò nơi đây chắc cũng quen rồi.

Hiện đại hoá trong tương lai gần

Tất nhiên, quan sát kỹ hơn nữa thì trường làng này cũng không hẳn kỷ luật như chúng tôi tưởng tượng. Thầy cô một số lớp thỉnh thoảng lại cho học sinh nghỉ giải lao tuỳ hứng, học trò cũng có thể tự do chạy lên bảng để chỉ vào những chỗ chưa hiểu, nhờ thầy cô giảng lại. Ở Myanmar, dường như người dân chẳng biết thế nào là cáu giận thì phải. Điều đó tôi lại được thấy ở Trường số 4, mọi thắc mắc của học sinh đều được giáo viên trả lời cặn kẽ với thái độ ân cần. Thậm chí, có cô giáo vừa dạy vừa… trông con nhỏ, khi học sinh hỏi bài thì vừa bế con vừa trả lời.

Chính sách kiên cố hoá trường học của Myanmar đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Hậu SEA Games 27, công việc này sẽ được triển khai nhanh chóng, để học sinh trường làng có đủ điều kiện học tập.

Kết thúc giờ học, sự có mặt của chúng tôi khiến cả thầy lẫn trò của trường khá tò mò. Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, mọi người đều tỏ ra rất thân thiện và trò chuyện khá thoải mái. Mời chúng tôi lên Ban giám hiệu nhà trường để giới thiệu, thầy Hiệu trưởng U Tin Many San cho biết: “Ngôi trường này còn rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Đời sống của người dân nơi đây còn nghèo nên việc duy trì các lớp học để trẻ em được đến trường đã là nỗ lực rất lớn của Ban giám hiệu và các thầy cô”. Khi được hỏi, thầy trò Trường số 4 và người dân Pyin Ma Nar có biết đến SEA Games 27 hay không, ông U Tin Many San vui hẳn lên: “Biết chứ! Đây là ngày hội thể thao chúng tôi tổ chức mà. Không những thế, sau SEA Games 27, Trường số 4 và nhiều trường khác sẽ được hỗ trợ để sửa sang, nâng cấp theo hướng kiên cố hoá, hiện đại hoá hơn. Nhờ có SEA Games, các học sinh nơi đây sẽ có điều kiện tốt hơn để học tập”.

Thầy giáo Soe Min Thu khẳng định: “Nếu có điều kiện thuận lợi, 10 thầy, cô giáo của trường sẽ giảng dạy hay hơn nữa, giúp 212 học sinh của trường học tập tốt hơn”.

Hữu Thọ - Đức Hiếu – Lê Đức (từ Myanmar) (Hữu Thọ - Đức Hiếu – Lê Đức (từ Myanmar))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem