“Ba dừng xe cho con báo tin vui”
Bộ môn vovinam sau này sẽ phải ghi tên Võ Nguyên Linh vào những trang đầu của quyển kỷ yếu. Linh là người sở hữu tất cả các HCV của môn này ở nhiều cấp độ: Đại hội TDTT toàn quốc, 2 HCV thế giới, 1 HCV châu Á và tấm HCV cá nhân đầu tiên ở SEA Games.
|
Hoàng Quý Phước trở về trong niềm vui của gia đình, người thân. |
Khi gọi điện từ nhà thi đấu ở Jakarta về cho ba báo đoạt HCV, Linh đã phải cẩn thận mớm trước: “Ba dừng chạy xe rồi con nói chuyện” vì sợ ba đang cầm lái xe ôm chở khách. Khi biết tin con trai giành được HCV lịch sử, ông Võ Phước xúc động đến lặng người.
Linh kể: “Em còn nghe ba em nói trong máy với mấy chú, mấy bác chạy xe ôm cùng ba em trên đường: Thôi! Bữa nay bỏ khách đó, vô nhà tui nhậu mừng chiếc HCV của thằng Linh. Ba em bỏ làm về nhậu là ba em mừng lắm, còn ít khi ba em bỏ việc chạy xe, dù nắng, dù mưa cũng vậy”.
Ba Võ Phước của Linh siêng năng, cần cù cũng phải thôi. Mẹ Linh yếu, ở nhà làm nội trợ, nhà lại có 3 anh em, ba không siêng năng thì sao Linh có thể thực hiện được ước mơ của mình.
Sinh năm 1983, Linh giờ là anh cả của đội tuyển vovinam Việt Nam. Lớp võ thuật của thầy Võ Nguyên Linh ở Nhà văn hóa quận Tân Phú đã phát hiện được nhiều tài năng cho đội vovinam thành phố. Nhưng mức lương 4 triệu đồng/tháng vẫn là niềm day dứt của Linh. “Biết là lương ít nhưng có được như vậy cũng đã là nỗ lực rất lớn của ngành thể thao. Chỉ thương ba má còn cực mà mình thì bận tập luyện tối ngày, không đi làm thêm được gì để phụ giúp ba má”.
“Đừng nhắn má tin vui ngay”
Võ Duy Phương là VĐV lấy chiếc HCV đầu tiên cho penkat silat Việt Nam sau 6 trận chung kết thất bại trước đó tại SEA Games 26. Lúc vừa đoạt HCV, Phương cứ lủi dần, tránh xa cánh phóng viên để chui vào góc khuất, hóa ra để gọi điện thoại về nhà. Nhưng không như các VĐV khác gọi ngay về cho mẹ, Phương lại gọi cho ba trước.
Cậu cười toe: “Em gọi ba trước bởi má giờ này đang bận ngoài đồng, đâu có mang máy điện thoại”. Má làm ruộng, ba chạy xe, cuộc sống cũng khá vất vả khi cho con trai đi theo nghiệp võ. Nhưng những vất vả ấy đã được đền đáp khi xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, An Giang quê Phương đã có cho mình một nhà vô địch SEA Games.
Cuối cuộc điện thoại, Phương cũng không quên dặn ba: “Đừng nhắn má tin vui ngay là lỡ buổi làm đồng”. Sau này, Phương kể: “Má em vốn huyết áp thấp, mỗi khi có việc gì xúc động quá là hay bị luống cuống tay chân. Đang đi làm đồng mà biết tin vui của em, lỡ má luống cuống mà cuốc vô chân thì khổ”.
Mẹ của VĐV bơi Hoàng Quý Phước (2 HCV, phá kỷ lục SEA Games môn bơi lội) bán thịt heo dạo ở Sơn Trà - Đà Nẵng. Bà nhận tin con giành HCV trong lúc đang “tay dao, tay thớt”.
Có một điều trùng hợp là hai ngôi sao lớn nhất của SEA Games 26 này: Hoàng Quý Phước (2 HCV, phá kỷ lục SEA Games môn bơi lội) và Lê Bích Phương (ĐKVĐ ASIAD – HCV SEA Games 26 môn karatedo) có mẹ là “đồng nghiệp”.
Bà Nguyễn Thị Tại (58 tuổi, phường Phước Mỹ, Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), mẹ Hoàng Quý Phước bán thịt heo dạo, mẹ Lê Bích Phương là bà Nguyễn Thị Kim Oanh bán hàng lòng lợn ở làng Lở, xã Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Cả hai bà nhận tin con tỏa sáng, giành HCV trong lúc đang “tay dao, tay thớt” giữa xô bồ chợ búa.
Nói vui, có lẽ, thịt lợn (heo) là món ăn dành cho các nhà vô địch vì cả Phước và Phương đều hồn nhiên kể: Từ bé đến lớn, hầu hết là ăn thịt lợn. Khi hỏi vì thịt lợn ngon và bổ dưỡng à - thì cả hai đều có câu trả lời như nhau: Vì mẹ bán… ế.
Còn rất nhiều những VĐV đoạt HCV tại SEA Games 26 này có cha mẹ hàng ngày vẫn đang tất bật với cuộc mưu sinh. Nhưng giữa xô bồ, bụi bặm, họ vẫn gọt tỉa được những viên ngọc cho đời, những tấm HCV SEA Games.
Nam Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.