Nhân vật nào giúp Từ Hi Thái hậu nắm quyền, sau đó bị ép tự sát?

Thứ hai, ngày 26/04/2021 14:34 PM (GMT+7)
Tại sao một người có công lớn trong việc giúp Từ Hi Thái hậu giành được quyền lực lại bị xử tội chết?
Bình luận 0

Năm 1861 là năm Tân Dậu theo lịch Âm. Tháng 11 cùng năm ấy, Từ Hi Thái hậu liên kết với Cung Thân Vương, phát động cuộc chính biến cung đình, loại bỏ tám vị Cố mệnh đại thần do Hàm Phong đế khâm định, đoạt được quyền thống trị cao nhất trong triều đình nhà Thanh.

Từ Hi Thái hậu có thể thành công bởi vì bà có được sự ủng hộ từ Binh bộ Thượng thư Thắng Bảo nắm trong tay binh quyền. Song cuối cùng Thắng Bảo lại bị ép phải tự sát. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Theo những ghi chép trong tài liệu lịch sử, Thắng Bảo tự là Khắc Trai, xuất thân trong dòng họ Tô Hoàn Qua Nhĩ Giai thị, là người Bát Kỳ, Tương Bạch, Mãn Châu. Tuy rằng sau này Thắng Bảo trở thành võ tướng nhưng ông đã từng là Cử nhân, từng thi đậu trở thành Tiến sĩ trong Phủ Thuận Thiên, tài văn chương của ông cũng vô cùng xuất sắc, được miêu tả là "nhiều lần thượng tấu can gián vua, nổi tiếng với tài văn chương xuất sắc".

Thắng Bảo từng đảm nhận các vị trí như Quang Lục Tự Khanh, học sĩ Nội các, về sau vì dâng tấu sớ đã đắc tội Hàm Phong Đế, bị giáng xuống chức quan Kinh Đường tứ phẩm.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Kim Điền bùng nổ, quân Thái Bình tiến về phía Bắc, tấn công Vũ Xương cùng các khu vực khác. Thắng Bảo nhờ vào việc thượng tấu trình bày chiến lược chống quân khởi nghĩa đã được cử ra tiền tuyến lãnh binh, từ đó xem như là "xếp bút nghiên theo nghiệp cung đao".

Nhân vật nào giúp Từ Hi Thái hậu nắm quyền, sau đó bị ép tự sát? - Ảnh 1.

Hình ảnh nhân vật Thắng Bảo trên phim.

Thắng Bảo "đánh lui quân khởi nghĩa họ Trần, dùng danh nghĩa học sĩ Nội các để chỉ huy quân lệnh", về sau, trong trận chiến ở chùa Trấn Hải, lập nên chiến công, được ban thưởng chức tước.

Về sau, Thắng Bảo phụng mệnh dẫn quân đi ngăn chặn quân Thái Bình, nhiều lần lập nên chiến công, "thăng lên hàm Đô thống, ban thưởng Hoàng mã quái (một loại lễ phục nhà Thanh, áo khoác ngoài ngắn tay màu vàng), ban cho danh hiệu Hoắc Loan Ba Đồ Lỗ".

Hàm Phong đế rất vui mừng, "trao cho Thắng Bảo chức vị Đô thống Mông Cổ Tương Hoàng Kỳ, phong làm Khâm Sai Đại thần, chỉ huy giám sát quân đội ở An Huy".

Năm Hàm Phong thứ 10, hai nước Anh Pháp liên minh tấn công Bắc Kinh, Thắng Bảo cùng Tăng Cách Lâm Thấm khai chiến với Anh và Pháp tại cầu Bát Lý, kết quả quân đội nhà Thanh thất bại thảm hại, trong quá trình giao chiến, Thắng Bảo bị thương. Mặc dù thất bại, nhưng Thắng Bảo lại nắm trong tay binh quyền các vùng phụ cận Kinh thành.

Trong cuộc chính biến năm Tân Dậu, nhờ có sự ủng hộ của Thắng Bảo, Từ Hi Thái hậu mới có thể thuận lợi tiêu diệt được tám vị quan đại thần cố mệnh.

Sau chính biến, Thắng Bảo được phong làm Đô thống Mãn Châu Tương Hoàng kỳ kiêm Chính Lam kỳ Hộ quân Thống lĩnh.

Thắng Bảo khi ấy vô cùng đắc chí, nhưng ai có ngờ, khi ấy Thắng Bảo chỉ còn cách ngày chết có 2 năm.

Mùa đông năm 1862, Thắng Bảo bị bắt khi đang giám sát quân vụ ở Thiểm Tây, đến tháng 7 năm sau (tức năm 1863) thì bị ban lệnh tự sát.

Nhân vật nào giúp Từ Hi Thái hậu nắm quyền, sau đó bị ép tự sát? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Vì sao Thắng Bảo lại có kết cục như vậy?

Thắng Bảo vốn luôn sùng bái, tôn thờ Niên Canh Nghiêu, lấy Niên Canh Nghiêu làm tấm gương để học tập, khi thượng tấu với Hoàng đế không xưng "nô tài" mà tự xưng "thần".

Thắng Bảo còn nói "Cổ ngữ hữu vân, khổn dĩ ngoại tướng quân trị chi, phi triều đình sở năng dao chế".

Câu này có nghĩa là: Cổ nhân từng nói, chuyện ngoài bậc cửa là do tướng quân cai trị, đến triều đình cũng không thể kiểm soát được", từ đó có thể thấy Thắng Bảo có ý nâng cao địa vị của binh lính.

Hơn thế, Thắng Bảo còn bao che cho Miêu Bái Lâm, kết quả là "nuôi hổ thành họa". Sau khi triều đình bắt giữ Thắng Bảo, tấu chương vạch tội Thắng Bảo nhiều như tuyết lở.

Ví dụ như Tuần phủ Hồ Bắc Nghiêm Thụ Thâm đã viết trong bản tấu rằng: "Giặc Niệm giống như bệnh ngoài da, Việt Khấu (chỉ quân khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc) cũng chỉ là căn bệnh tay chân, còn Thắng Bảo lại là đại họa từ trong phế phủ.

Từ chuyện tấu chương hằng ngày đã nhìn ra hắn không có tâm làm thần tử. Thậm chí còn dám giả mạo công trạng, tham ô hưởng lạc, mưu lợi hại dân, không gì không làm".

Khi Thắng Bảo tiếp nhận thẩm tra của triều đình, còn tỏ ra coi thường công khai, bất kính với quan xét xử. Đây chính là không gây chuyện thì không chết, Thắng Bảo chết là do họa mà chính bản thân tự rước lấy.


Khánh An (Theo Tổ Quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem