Sáng 10.6 (giờ VN), báo Guardian (Anh) tiết lộ danh tính của nhân vật này: Edward Snowden, 29 tuổi, một nhân viên hợp đồng của CIA (Cục Tình báo Mỹ) trong vai trò trợ lý kỹ thuật của nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton. Snowden đã làm việc cho NSA tại Hawaii trong 4 năm qua.
|
Snowden - “người hùng” hay “thằng khùng”? |
Guardian cho biết việc để lộ nhân thân của Snowden là yêu cầu của chính anh. Snowden nói: “Tôi không có ý định ẩn danh vì tôi biết mình không làm gì sai”, và cho biết sẽ tiết lộ nhiều tài liệu tối mật khác ra công chúng. Theo báo trên, việc làm của Snowden sẽ khiến anh đi vào lịch sử Mỹ như “người thổi còi” quan trọng nhất, xếp ngang với W. Mark Felt (người được mệnh danh “Cổ Sâu” trong vụ Watergate khiến Tổng thống Mỹ Richard Nixon phải từ chức năm 1974), Daniel Ellsberg (người tiết lộ tài liệu mật về Lầu Năm Góc) và Bradley Manning (người cung cấp tài liệu cho WikiLeaks).
Theo tiếng gọi lương tri
Vụ tiết lộ những tài liệu quan trọng của một trong những cơ quan bí mật nhất thế giới - NSA của Snowden được cho là “những tiết lộ động trời nhất trong lịch sử chính trị Mỹ”. Snowden hiểu rõ anh sẽ đối đầu với tương lai bất định: “Tôi biết mình sẽ chịu khốn khổ, nhưng tôi sẽ hài lòng nếu bí mật về sự bất công và hành pháp sai trái đang cai trị thế giới tôi yêu quý bị phanh phui ngay lập tức”.
Anh cho biết không muốn công khai danh tính ngay từ đầu vì sợ công luận sẽ chú ý vào mình: “Tôi không muốn thu hút chú ý của công luận vì không muốn câu chuyện hướng về tôi, mà về những gì Chính phủ Mỹ đang làm”. Snowden cho biết lý do duy nhất khiến anh quyết định công bố danh tính là để công chúng tin tưởng hơn vào những tiết lộ của báo giới về vụ việc: “Tôi biết truyền thông thích cá nhân hóa các tranh cãi chính trị, và cũng biết chính phủ sẽ phỉ báng tôi”.
Bằng việc “vạch mặt” chính phủ, Snowden cầm chắc sẽ đánh mất cuộc sống ấm êm của mình. Trước đó, anh thừa nhận có một cuộc sống “rất thoải mái” với công việc ổn định có mức lương cao chót vót 200.000 USD/năm, một căn nhà ở Hawaii nơi anh sống chung với bạn gái.
Snowden nói. “Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả, vì lương tri không cho phép tôi làm ngơ trước việc chính phủ hủy hoại tự do cá nhân, tự do internet và những quyền tự do cơ bản của người dân khắp thế giới với những cỗ máy theo dõi khổng lồ mà họ đang xây dựng. Tôi không sợ, vì đây là lựa chọn của tôi”.
Snowden cho biết anh đã bị lương tâm dằn vặt kể từ một lần đi công tác ở Thụy Sỹ. Khi đó, CIA đặt mục tiêu moi được tin tức nội bộ trong hệ thống ngân hàng của Thụy Sỹ, nước được cho có những quy định rất bí mật về ngân hàng.
Để làm được điều đó, các nhân viên CIA đã chuốc rượu say một lãnh đạo ngân hàng cấp cao, rồi đặt ông ta lên xe để ông ta lái. Khi người này bị cảnh sát bắt vì tội lái xe khi say xỉn, CIA lại ra mặt “xin xỏ” giùm, từ đó tạo được quan hệ với người nọ, và sau đó sử dụng ông như một nguồn tin. “Cách làm bất chấp thủ đoạn của họ khiến tôi dằn vặt về sự công chính của một chính phủ luôn hô hào cho sự công chính” - Snowden kể.
|
Ngoại trưởng Anh trấn an dư luận |
“Trao thân” cho Trung Quốc
Snowden chuẩn bị những bước cuối cùng từ cách nay 3 tuần, trong đó có việc sao chép lại những tài liệu mật của NSA ở Hawaii mà anh định công bố. Sau đó, anh báo với cấp trên ở NSA xin nghỉ vài tuần để điều trị động kinh. Rồi anh gói ghém đồ đạc, báo với bạn gái sẽ đi vắng vài tuần, nhưng không nói rõ lý do. Ngày 20.5, anh lên máy bay đi Hong Kong và ở lại đó cho đến nay.
Anh chọn Hong Kong vì cho rằng ở đó “họ có cam kết tự do ngôn luận và quyền bất đồng chính kiến”. Anh cũng tin Hong Kong là một trong số ít nơi trên thế giới có thể sẵn lòng chống lại các sức ép từ Washington.
Như vậy, số phận kế tiếp của Snowden sẽ tùy thuộc vào cách hành xử của thành phố “cảng thơm” hoặc chính quyền Trung Quốc. Họ có thể dẫn độ anh trở lại Mỹ bằng “tàu chuyển phát nhanh”, hoặc giữ anh lại như một lợi thế cho các cuộc đàm phán sau này, theo nhận định của tờ Atlantic Wire. Một khi về Mỹ, gần như 100% anh sẽ đối mặt với các tội danh hình sự.
Cuối tuần trước, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho biết NSA đã tiến hành một cuộc điều tra hình sự để truy tìm kẻ đã “xì” tin trong vụ bê bối mới nhất này. ”Đối với tôi, hoàn toàn theo nghĩa đen, vụ việc sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến ngành tình báo của đất nước” - ông Clapper nói.
Hong Kong và Mỹ đã ký một thỏa thuận dẫn độ, vì vậy việc Snowden chọn Hong Kong để tị nạn làm nổi lên nhiều câu hỏi lớn. Lựa chọn của anh có thể là thông minh, cũng có thể rất ngu đần. Nhà phân tích Josh Marshall nói: “Một nước nhỏ muốn trở thành bạn của Mỹ sẽ không dại gì đối đầu với họ chỉ vì một cá nhân. Nhưng trong tất cả những nơi bạn muốn không bị dẫn độ về Mỹ, Trung Quốc không phải là lựa chọn tồi”.
Theo thỏa thuận dẫn độ, việc dẫn độ một cá nhân từ Hong Kong về Mỹ cần phải được chính quyền Bắc Kinh phê chuẩn. Trung Quốc có chủ quyền đối với Hong Kong, nhưng Hong Kong có rất nhiều quyền tự trị kể từ khi thành phố này từ bỏ sự cai trị của Anh. Thành phố này có lịch sử mạnh mẽ về tự do báo chí và khoan dung chính trị. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nắm quyền tối thượng. Có một điều may mắn cho Snowden là dường như hiện nay quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington có vẻ không nồng ấm, đặc biệt khi Mỹ đang chỉ trích TQ về các chiến dịch tin tặc gần đây.
Tuy nhiên, Snowden cho rằng trong trường hợp không dẫn độ được anh, có thể CIA không từ bỏ các thủ đoạn xã hội đen để thủ tiêu anh, chẳng hạn thuê tay chân của hội Tam Hoàng để “khử” anh!
Không riêng Mỹ?
Một bài báo của Guardian hôm 7.6 cho biết việc theo dõi thông tin cá nhân trên các mạng internet không chỉ có ở Mỹ. Tại Anh, Cơ quan Nghe trộm và an ninh điện tử (GCHQ) cũng bí mật thu thập thông tin tình báo từ các hãng internet lớn thông qua một chiến dịch bí mật do Mỹ hỗ trợ. Từ các tài liệu thu thập được, Guardian cho biết chiến dịch này đã đi vào hoạt động ít nhất từ tháng 6.2010, và là nguồn cung cấp thông tin cho 197 báo cáo tình báo của Anh kể từ năm ngoái.
Phản ứng trước thông tin của Guardian, GCHQ cho biết họ tiến hành chiến dịch “theo đúng các quy định của pháp luật. Ngoại trưởng Anh William Hague đã phải ra điều trần trước Quốc hội Anh hôm 10.6. Ông khẳng định những công dân Anh có tinh thần “thượng tôn pháp luật” sẽ không phải lo ngại gì về chiến dịch này.
Sau Mỹ rồi tới Anh, giới quan sát tin rằng xâm phạm quyền tự do của công dân không chỉ là bệnh riêng của một vài chính phủ.
Theo Thế giới & Hội nhập
Vui lòng nhập nội dung bình luận.