Cung vượt quá cầu khiến nghề nuôi bò vỗ béo bò Úc lâm vào thế khó
Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2014, nhìn thấy tiềm năng tiêu thụ thịt bò trong nước và thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt nhập bò Úc từ vài ngàn con đến hàng chục ngàn con (loại 200 – 300 kg/con) về nuôi vỗ lên 500 kg rồi bán. Cách làm này mang lại hiệu quả cao, bởi vào thời điểm trước đó, Indonesia bị Úc cấm nhập khẩu vì quyền động vật, Trung Quốc chưa được nhập khẩu bò Úc.
Thấy lợi nhuận từ việc nhập bò Úc, không nghiên cứu kỹ thị trường nên việc nhập bò Úc một cách ồ ạt đã dẫn đến việc cung vượt quá cầu khiến giá bò Úc nuôi vỗ bán thậm chí thấp hơn cả lúc nhập về khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Ông Lương Minh Tùng – Giám đốc Công ty CP Giống bò thịt, sữa Yên Phú cho biết, Việt Nam thiếu đất và đồng cỏ để nuôi bò. Nhập về toàn nuôi tập trung trong chuồng trại, suốt ngày băm cỏ, nhét vào mồm bò nên chi phí rất cao khác hẳn với nước Úc chăn thả tự do, hoang dã, không mất mấy chi phí. Với công nghệ vỗ béo đó của ta, “miệng ăn núi lở”, tốn kém nhiều mà giá bán lại hạ nên sinh ra lỗ.
Đó là chưa kể đến những khó khăn từ phía nhà cung cấp, sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nhập khẩu… Những hệ lụy xấu bắt đầu từ đây, ngành nuôi vỗ bò Úc rẽ sang đường khác: khó khăn và tương lai mờ mịt.
Ông Hoàng Dũng – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu Súc sản và Gia cầm Hải Phòng (Animex) cho biết: Không đơn thuần như nuôi bò ta, khi nhập khẩu bò Úc phải đầu tư xây dựng chuồng trại, dây chuyền giết mổ, các trang thiết bị khác rất tốn kém, lên tới cả cả trăm tỉ, ngàn tỉ. Khi nhập khẩu bò bắt buộc phải tuân thủ điều kiện của luật Úc (Úc có hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng bên xuất khẩu gọi là ESCAS để đảm bảo động vật của họ được đối xử nhân đạo), nhưng nói thật là không doanh nghiệp nào của ta không vi phạm chỉ có điều ở mức độ nào mà thôi. Chuồng trại đã trót đầu tư rồi, hễ bị dừng lại, không cho nhập khẩu nữa thì tổn thất vô cùng lớn.
Theo nhận định, xu thế loạn thị trường bò Úc hiện nay, phải mất vài năm nữa may ra thị trường mới trở lại khi các doanh nghiệp phá hoại thị trường chết hết vì đã đầu tư cả trăm, cả ngàn tỉ vào xây dựng chuồng trại mà lại không nghiên cứu kỹ thị trường.
“Để tránh loạn thị trường như thời gian vừa qua chúng ta phải đặt ra các điều kiện về cơ sở vật chất cho những đơn vị nhập bò với mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lượng nhập khẩu, tránh cung vượt quá cầu. Làm được như thế thì tốt cho nông nghiệp Việt Nam, tốt cho nông dân, tốt cho cả các doanh nghiệp, ông Tùng nhận định.
Bên cạnh đó, cần phá vỡ thế độc quyền về nhập khẩu bò từ Úc, nên mở cửa nhập bò từ các quốc gia khác như Brazil chẳng hạn. Theo tôi, Việt Nam chỉ nên cho nhập mỗi năm từ 200.000 con bò trở xuống vì do sức tiêu thụ chỉ có thế, kinh nghiệm như năm 2015 ta cho nhập hơn 300.000 con nên tồn kho hơn 100.000 con, giá cả mới xuống mạnh”, anh Tùng kiến nghị.
Trước tình hình khó khăn của việc nhập khẩu bò thịt nhiều doanh nghiệp loay hoay tự tìm lối thoát và cái đích nhắm đến là nuôi bò sinh sản.
“Cách làm này về lý thuyết có 3 cái lợi: thứ nhất là tận dụng lao động nông nhàn, thứ hai là tận dụng phế liệu nông nghiệp và đặc biệt là bò nuôi ra không bị chi phối bởi quy định ESCAS của Úc. Đáng lẽ việc bán hàng phải phụ thuộc thị trường nhưng ESCAS đã bóp hẹp thị trường lại, các nhà nhập khẩu chỉ được bán bò vào những lò mổ do phía Úc phê duyệt”, ông Dũng cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, nuôi bò sinh sản sẽ muôn vàn khó khăn hơn so với nuôi bò thịt bởi chi phí 1 năm cho 1 bò cái là khoảng 15 triệu thế mà đẻ ra 1 bê 30 – 50kg đem bán chỉ được dăm bảy triệu đồng thì lấy đâu ra mà lãi.
Đã có thời điểm, nuôi vỗ béo bò Úc được kỳ vọng như một hướng đi đúng, đầy triển vọng. Nhưng những gì đang diễn ra lại trái ngược với những kỳ vọng, nó ngược như chính con bò Úc – là gia súc mà không hề có sừng.
Văn Hùng (Tạp chí chăn nuôi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.