Một tòa án Nhật Bản đã ra phán quyết hôm thứ Năm rằng lệnh cấm hôn nhân đồng giới là hợp hiến, nhưng cũng bày tỏ lo ngại về phẩm giá và nhân quyền của các cặp đồng giới. Mặc dù phán quyết không đạt được kỳ vọng của các nhà hoạt động đấu tranh về giới, nhưng nó vẫn được coi là một bước tiến.
Quyết định của tòa án quận Fukuoka được đưa ra chỉ một tuần sau khi một tòa án quận khác tuyên bố lệnh cấm này là vi hiến (là hành vi làm trái quy định của hiến pháp - PV), làm dấy lên hy vọng về sự thay đổi trong cộng đồng LGBTQ của Nhật Bản. Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất thuộc Nhóm G7 không có sự bảo vệ pháp lý cho các cặp đồng giới.
Trong hai năm qua, Nhật Bản đã chứng kiến năm phán quyết về hôn nhân đồng giới, với hai phán quyết cho rằng lệnh cấm này vi hiến, một phán quyết giữ nguyên lệnh cấm. Còn lại hai phán quyết, bao gồm cả phán quyết gần đây, duy trì lệnh cấm trong khi thừa nhận các mối quan tâm khác về quyền của người đồng giới.
Nhật Bản "bật đèn xanh" cho hôn nhân đồng giới
Năm ngoái, một tòa án ở Tokyo đã giữ nguyên lệnh cấm nhưng công nhận rằng việc thiếu sự bảo vệ pháp lý cho các gia đình đồng giới đã vi phạm quyền của họ. Tòa án Fukuoka lặp lại phán quyết này, tuyên bố rằng mặc dù việc cấm hôn nhân đồng giới có hiệu lực về mặt hiến pháp, nhưng nó mâu thuẫn với một điều khoản nhấn mạnh phẩm giá cá nhân, do đó cấu thành một "tình trạng vi hiến".
Một trong những nguyên đơn, được xác định là Masahiro, bày tỏ sự phấn khởi trước xu hướng chung được quan sát thấy trong các vụ kiện. Masahiro lưu ý rằng bốn trong số năm phán quyết cho đến nay đều cho rằng lệnh cấm là vi hiến hoặc mâu thuẫn với một số khía cạnh hiến pháp, mang lại cảm giác tiến bộ và nhẹ nhõm cho người đồng giới.
Các cuộc thăm dò ý kiến chỉ ra rằng khoảng 70% công chúng ủng hộ hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, đảng cầm quyền do Thủ tướng Fumio Kishida, một người theo đường lối bảo thủ, phản đối. Vào tháng 2, Thủ tướng Fumio Kishida sa thải một phụ tá và đưa ra những nhận xét xúc phạm về hôn nhân đồng giới, cũng như bày tỏ sự miễn cưỡng khi sống gần các cặp đôi LGBTQ.
Bất chấp áp lực gia tăng từ các quốc gia G7 khác, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong thời gian chuẩn bị cho việc Nhật Bản đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7 vào tháng trước, Kishida vẫn giữ thái độ bình thường về vấn đề này.
Một nguyên đơn khác, được gọi là Kosuke, bày tỏ sự thất vọng vì phán quyết của tòa án đã không gửi một thông điệp mạnh mẽ hơn tới quốc hội về sự cần thiết phải thay đổi luật pháp.
Các nhà vận động hành lang đã kêu gọi cải cách, lập luận rằng nếu không có quyền và sự đa dạng của LGBTQ, vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới của Nhật Bản sẽ gặp bất lợi trên toàn cầu.
Trong khi hơn 300 thành phố trên khắp Nhật Bản, chiếm khoảng 65% dân số, cho phép các cặp đồng giới sống cùng nhau, nhưng quyền của họ vẫn bị hạn chế. Những cặp vợ chồng này không thể thừa kế tài sản của nhau, có quyền cha mẹ đối với con cái của nhau hoặc được đảm bảo quyền thăm viếng bệnh viện.
Chính phủ của Kishida đã cam kết thông qua luật thúc đẩy "sự hiểu biết" về các cá nhân LGBTQ trước hội nghị thượng đỉnh G7. Tuy nhiên, sự phản đối của những người bảo thủ đã làm quá trình này bị trì hoãn đáng kể và một phiên bản điều chỉnh luật dự kiến sẽ được bỏ phiếu vào tuần tới.
Dự thảo ban đầu của luật tuyên bố rằng "không nên dung thứ cho sự phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới", nhưng sau đó nó đã được sửa đổi để tuyên bố rằng "không nên có sự phân biệt đối xử bất công." Các nhà phê bình cho rằng sự thay đổi này mặc nhiên cho phép sự cố chấp.
Trong khi Nhật Bản thường được coi là tương đối tự do, cộng đồng LGBTQ phần lớn vẫn vô hình cho đến gần đây do thái độ bảo thủ phổ biến. Đài Loan trở thành quốc gia châu Á đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019 và ứng cử viên hàng đầu cho chức thủ tướng tiếp theo của Thái Lan đã cam kết thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới nếu đắc cử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.