Huỳnh Dũng
Thứ hai, ngày 06/02/2023 06:35 AM (GMT+7)
Nhật Bản đang thực hiện các bước để giải quyết tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân tài khoa học dữ liệu, với 17 trường đại học chuẩn bị thành lập khoa khoa học dữ liệu trong năm học sắp tới bắt đầu từ tháng 4 tới đây.
Các động thái nhằm giúp lấp đầy sự thiếu hụt lớn đội ngũ các chuyên gia CNTT, Khoa học dữ liệu tại Nhật Bản
Vốn dĩ, từ lâu Chính phủ Nhật Bản chỉ ra rằng, những thành tựu của đất nước về người máy, thiết bị cảm biến, siêu máy tính, cơ sở hạ tầng mạng và giao thông là chìa khóa để đạt được mục tiêu trở thành một "xã hội siêu thông minh", được gọi là Xã hội 5.0.
Kế hoạch 5 năm có hiệu lực kể từ tháng 4 năm 2016 là dành cho một thế giới công nghệ cao, trong đó không gian mạng và không gian thực hội tụ, được hỗ trợ bởi Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Khi những công nghệ trên được triển khai và đi vào áp dụng thực tế, thì sẽ có vô vàn dữ liệu được thu thập với số lượng lớn trong nhiều tình huống khác nhau hàng ngày, nhưng để hiểu được ý nghĩa logic của tất cả thông tin này, dữ liệu này cần được sắp xếp, xử lý, giải thích và phân tích bài bản, trình tự. Khoa học dữ liệu là thực hành sử dụng nhiều công cụ khác nhau như toán học, khoa học máy tính và thống kê để xử lý lượng lớn dữ liệu đó nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết các vấn đề phức tạp.
Với sự tăng trưởng theo cấp số nhân của dữ liệu, nhu cầu về các Nhà khoa học dữ liệu đủ điều kiện đang tăng với tốc độ nhanh chóng. Mặc dù Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia có công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, nhưng khối nhân tài ngành Khoa học dữ liệu ở Nhật Bản đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Vì vậy, mới đây ít nhất 17 trường đại học Nhật Bản sẽ thành lập các khoa khoa học dữ liệu trong năm học bắt đầu từ tháng 4/2023 để đào tạo khoảng 1.900 sinh viên các kỹ năng cần thiết để thúc đẩy số hóa trong các doanh nghiệp và chính phủ, tạp chí Nikkei cho biết.
Những nỗ lực này được đưa ra khi Nhật Bản đang phải vật lộn để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài trầm trọng trong lĩnh vực này, thiếu hụt tới 790.000 người vào năm 2030, dựa trên ước tính của chính phủ vào năm 2019- cũng là vào thời điểm mà ngành phân tích dữ liệu được xác định là chìa khóa cho mọi hoạt động kinh doanh thành công.
Bộ giáo dục quốc gia đã xác nhận rằng, 17 trường đại học sẽ mở các khoa dành riêng cho môn khoa học dữ liệu và công nghệ thông tin từ tháng 4/2023 khi năm học bắt đầu. Các khoa mới sẽ tiếp nhận khoảng 1.900 sinh viên mỗi năm, bổ sung vào tổng số khoảng 21.600 sinh viên theo học ngành khoa học dữ liệu tại 137 trường đại học khác hàng năm.
Một trong những trường đại học thành lập khoa khoa học dữ liệu mới này là Đại học Hitotsubashi của Tokyo, đây là lần đầu tiên trường mở thêm khoa mới kể từ năm 1951. Khoa khoa học dữ liệu xã hội của trường sẽ bao gồm các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo và đào tạo sinh viên ứng dụng khoa học dữ liệu vào các vấn đề khoa học xã hội.
Hitotsubashi và các trường đại học khác đã được truyền cảm hứng từ sự thành công của Đại học Shiga, cũng là một trường đại học công lập, có khoa khoa học dữ liệu đã cung cấp các khóa học để đào tạo sinh viên về công nghệ thống kê, phân tích dữ liệu, lập trình và AI. Khoa này được thành lập vào tháng 4/2017. Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Khoa học Dữ liệu của trường này cũng đã tiến hành các nghiên cứu chung và hợp tác với nhiều doanh nghiệp thương mại. Trên thực tế, trường đại học này cũng là nơi có các cố vấn trong ngành từ những công ty lớn như Công ty TNHH Công nghiệp nặng Kawasaki, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản, v.v.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đã chọn Đại học Shiga là một trong sáu cơ sở cốt lõi để hỗ trợ việc giảng dạy toán học và khoa học dữ liệu.
Ngoài ra, Bộ giáo dục Nhật Bản cũng đang khuyến khích các khoa của trường đại học, bao gồm cả khoa nhân văn, cung cấp cho sinh viên các chương trình đào tạo về khoa học dữ liệu. Hy vọng là các sinh viên tốt nghiệp sẽ có được các kỹ năng cần thiết để đón đầu và vận hành các nỗ lực số hóa của các công ty.
Vốn dĩ, khoa học dữ liệu nhằm đạt được cái nhìn sâu sắc từ dữ liệu, bằng cách áp dụng số liệu thống kê và lập trình để phân tích dữ liệu. Các kỹ năng khoa học dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng trong việc ra quyết định cho cả doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, vì họ có thể tận dụng khối lượng dữ liệu khổng lồ hiện có thể dễ dàng thu thập nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin.
"Số lượng dữ liệu đang tăng với tốc độ chóng mặt do sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ thông tin và truyền thông", Takemura Akimichi thuộc đại học Shiga cho biết.
Việc thành lập các bộ phận mới này cũng thể hiện cam kết của Nhật Bản trong việc thu hẹp khoảng cách nhân tài trong khoa học dữ liệu và cung cấp cho các doanh nghiệp cũng như chính phủ những công cụ họ cần để thành công trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Mục tiêu là để những sinh viên tốt nghiệp của các chương trình này ra trường với những khả năng và kiến thức cần thiết để thúc đẩy quá trình số hóa, và dẫn dắt các tổ chức và chính phủ của họ trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.