Nhật Bản và 10 quốc gia không trao ngai vàng cho... phụ nữ

Thứ tư, ngày 16/03/2022 20:30 PM (GMT+7)
Nhiều đất nước cho phép phụ nữ cai trị trong trường hợp không có nam giới thừa kế. Tuy nhiên, một số vẫn duy trì chế độ quân chủ loại trừ hoàn toàn nữ giới.
Bình luận 0

Công chúa Mako của Nhật Bản đã kết hôn với bạn trai Kei Komuro sau nhiều năm gây tranh cãi, được cho là khiến cô mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD).

Trước đó, Mako phải từ bỏ tước vị hoàng gia vì chồng cô là thường dân. Tuy nhiên, đó không phải là quy tắc duy nhất của hoàng gia Nhật Bản có vẻ lỗi thời.

Cháu gái của đương kim Hoàng đế Naruhito không bao giờ có thể trị vì đất nước vì cô là phụ nữ. Đây là điều xảy ra trong nhiều chế độ quân chủ trên thế giới.

Morocco chỉ chấp nhận nam giới lên ngôi quốc vương. Trọng trách này được trao cho con trai cả hoặc con trai thứ phụ thuộc vào lựa chọn của Vua Mohammed VI.

Tuy nhiên, ông không được phép truyền ngôi cho con gái.

Hiến pháp Morocco quy định: “Khi không có hậu duệ nam trực hệ, việc kế vị ngai vàng được lựa chọn trong bàng hệ gần nhất và trong những điều kiện tương tự”.

Nhật Bản và 10 quốc gia không trao ngai vàng cho... phụ nữ - Ảnh 1.

Nhiều chế độ quân chủ trên thế giới không chấp nhận nữ giới thừa kế ngai vàng, trong đó có Nhật Bản. Ảnh: Kazuhiro Nogi/AFP.

Oman cũng chỉ chấp nhận người cai trị đất nước là nam giới.

Quốc vương Sultan Qaboos bin Said không có con cái khi ông qua đời vào năm 2020. Vấn đề kế vị cuối cùng được giải quyết khi em họ của ông là Haitham bin Tariq al-Said lên ngôi.

Ở Ả Rập Saudi, ngai vàng chỉ được truyền cho nam giới. Tuy nhiên, các quy tắc khá bất thường so với các chế độ quân chủ khác trên thế giới.

Theo Al Jazeera, thay vì tuân theo quy tắc “cha truyền con nối”, vương quốc này có Hội đồng Trung thành, trong đó các thành viên có nhiệm vụ quyết định người kế vị.

Hiến pháp của Bahrain quy định: “Vương miện sẽ được trao cho con trai cả của Sheikh, từ thế hệ này sang thế hệ khác, trừ khi nhà vua chỉ định một người con trai thứ kế vị mình”.

Trong khi đó, hiến pháp của Brunei chỉ rõ: “Người được coi là có quyền kế vị hợp pháp phải theo Hồi giáo và là hậu duệ nam được sinh ra trong dòng dõi hoàng tộc”.

Hiến pháp Kuwait quy định người thừa kế ngai vàng phải là con trai hợp pháp của cha mẹ theo Hồi giáo. Còn Jordan quy định: “Người được phép lên ngôi vua phải theo Hồi giáo, có tâm trí khỏe mạnh và được sinh ra bởi người vợ hợp pháp, có cha mẹ người Hồi giáo”.

Theo The Washington Post, Qatar, UAE và Campuchia cũng quy định người kế vị ngai vàng là nam giới.

Liechtenstein cũng loại phụ nữ khỏi danh sách kế vị, theo bằng chứng của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Một số quốc gia đã tìm ra cách sáng tạo để giải quyết vấn đề không có nam giới kế vị, bao gồm vương quốc Lesotho ở miền Nam châu Phi.

Theo bài báo học thuật của PGS Hoolo Nyane, Đại học Limpopo (Nam Phi) đăng trên trên tạp chí Luật điện tử Potchefstroom, Vua Letsie I đã giúp con gái cả của ông, Senate, cải trang thành nam giới để có thể cai trị đất nước vào thế kỷ 19.

Sự chuyển đổi này diễn ra trong nghi lễ mà Senate cưỡi trên lưng con ngựa đeo sừng tê giác, biểu tượng của quyền lực, trên đầu.


Thiên Nhi (Theo Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem