Hiện tượng nhật thực chụp từ vệ tinh. (Ảnh minh họa: Space)
Sáng mai (9.3), người yêu thiên văn tại Việt Nam sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng hiện tượng nhật thực. Đây là hiện tượng thiên văn hiếm xảy ra nên nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học.
Thực tế, nhật thực vào sáng mai là nhật thực toàn phần (Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời, hình thành vùng bóng tối và nửa tối trên Trái Đất), nhưng đường đi của nhật thực toàn phần này chỉ đi qua một phần miền Trung Indonesia và Thái Bình Dương.
Tại Việt Nam chỉ xảy ra nhật thực một phần (Mặt Trăng che khuất một phần Mặt Trời). Cụ thể, tất cả các tỉnh, thành phố đều có thể quan sát được hiện tượng nhật thực với độ che phủ Mặt Trời của Mặt Trăng dao động từ 20 - 60%.
Trong đó, Cà Mau là địa phương quan sát nhật thực có độ che phủ lớn nhất (tại TP.Cà Mau là 57,6%), TP.HCM là 52,2%, Đà Nẵng là 36,2%, trong khi tại Hà Nội chỉ là 22,3%.
Anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM cho biết, tại Việt Nam, hiện tượng nhật thực sẽ xảy ra không lâu sau khi Mặt Trời mọc. Nhật thực sẽ đạt cực đại vào lúc 7h30.
Để chiêm ngưỡng hiện tượng này, người quan sát cần tìm tới các khu vực có góc quan sát trống về hướng đông (tránh bị đồi núi, cây cối, nhà cao tầng che khuất), và bầu trời phải ít mây.
Hiện, anh Duy cùng một nhóm bạn đã sang Indonesia để chuẩn bị quan sát hiện tượng này vào sáng mai.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trong khu vực này, đêm 8.3 không mưa trong khi ngày 9.3 trời nắng, có nơi nắng nóng. Đây là điều kiện thuận lợi để xem hiện tượng nhật thực vào sáng 9.3.
Theo tính toán, có người có thể không có cơ hội quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần một lần trong đời. Tại Việt Nam, đây là lần thứ 6 xuất hiện nhật thực toàn phần (thực tế chỉ quán sát được một phần) xảy ra trong thế kỷ 21. Lần nhật thực toàn phần gần nhất đã xảy ra vào ngày 24.10.1995.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.