Nhật thực toàn phần sẽ được quan sát ở nhiều khu vực như châu Âu, Bắc Phi và tây Á. Theo RT, khu vực quần đảo Svalbard của Na Uy và quần đảo Faroe có thể nhìn thấy Mặt Trời bị che khuất gần 100%. Các vùng còn lại của Na Uy và Scotland sẽ được nhìn thấy với tỷ lệ che khuất 90 - 95%.
Tại Anh, ánh sáng bị chặn khoảng 85% và có thể quan sát hiện tượng này từ 9h30 theo giờ GMT (khoảng 16h30 giờ Hà Nội). Tại Paris, Pháp và Berlin, Đức, người dân có thể xem hiện tượng này vào khoảng 10h30.
Tại một số khu vực ở châu Âu, người dân có thể quan sát hiện tượng Mặt Trời bị che khuất từ 85-95%. Ảnh: NASA
Đây là nhật thực toàn phần duy nhất trong năm nay. Trên thực tế, nhật thực toàn phần cũng là hiện tượng hiếm, trung bình chỉ xuất hiện 1-2 lần/năm. Sau nhật thực hôm nay, các nhà khoa học dự đoán có 4 nhật thực tiếp theo từ nay đến năm 2020.
Trong khi đó, hiện tượng Mặt Trăng che khuất Mặt Trời vào ngày xuân phân thậm chí còn hiếm hơn. Vào ngày xuân phân, ngày và đêm dài ngang nhau. Trong thế kỷ này, sự kiện tương tự sẽ xuất hiện vào năm 2034, 2053 và 2072.
Một số nhật thực xảy ra theo chu kỳ và hiện tượng hôm nay là một phần của Saros 120. Chu kỳ này tập hợp những nhật thực xuất hiện 18 năm một lần và nhìn thấy được từ cùng các khu vực trên Trái Đất. Nhật thực đầu tiên trong chu kỳ này bắt đầu năm 933 trước Công nguyên và nhật thực tiếp sau năm nay sẽ là 30/3/2033.
Trong nhật thực hôm nay, Mặt Trăng trông sẽ lớn hơn bình thường. Mặt Trăng không phải lúc nào cũng ở cùng một khoảng cách nhất định so với Trái Đất. Khi trăng tròn hoặc trăng non và gần Trái Đất nhất, giống hiện tượng trăng non hôm 19/3, nó được gọi là siêu trăng.
Tuy nhiên, cảnh tượng đó sẽ không được quan sát trong thời gian này. Nhật thực chỉ có thể xuất hiện khi Mặt Trăng ở giữa Trái Đất và Mặt Trời. Cùng lúc này, Mặt Trăng ở giai đoạn trăng non nhưng sẽ không thể được nhìn thấy.
(Theo VnExpress/Business Insider)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.